Thứ bảy, 21/12/2024 | 22:44 GMT+7
VEEPL là một sáng kiến chung của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) và Chính phủ Việt Nam do Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam triển khai thực hiện. Đây là một Dự án được đánh giá là rất thành công và được các doanh nghiệp rất ủng hộ, mong muốn kéo dài thời gian thực hiện. Tuy nhiên, chỉ còn 6 tháng nữa, Dự án sẽ kết thúc. Bản tin TKNL đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Phan Hồng Khôi – Giám đốc Điều hành Dự án về những vấn đề liên quan đến VEEPL.
Ông có thể cho biết, sau 5 năm Dự án VEEPL đi vào hoạt
động, ngành chiếu sáng Việt Nam đã có những thay đổi như thế nào?
GS.TS. Phan Hồng Khôi: Tôi có thể khẳng định là ngành chiếu
sáng đã có sự thay đổi rất lớn so với 5 năm trước đây.
Cụ thể, chúng ta đã có những đột phá để có thể chủ động sản xuất các sản phẩm chiếu sáng. Tôi rất tự hào là khi dẫn một số tổ chức quốc tế đi thăm các nhà máy của Việt Nam, họ đều nhận xét, trong khu vực châu Á chỉ có Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản là những nơi có thể chủ động sản xuất các sản phẩm chiếu sáng bằng công nghệ của mình. Và bây giờ có Việt Nam. Chúng ta tuy đi sau, nhưng ngoài việc sản xuất để tiêu thụ trong nước, còn xuất khẩu, trong khi nhiều nước khác còn phải phối hợp, chứ không chủ động được trong lĩnh vực này.
Về chiếu sáng đường phố tuy chưa thật đẹp và hiện đại, nhưng đã có nhiều đổi mới. Các thành phố đã chú trọng tới ánh sáng đẹp và tiết kiệm bằng cách thay thế các hệ thống đèn cũ bằng đèn hiệu suất cao, có tủ điều khiển trung tâm, có thể điều khiển bằng phần mềm máy tính… Công nghệ sản xuất cũng như sử dụng đèn LED trong chiếu sáng cũng đang ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Tuy nhiên, trong tương lai, ngành chiếu sáng Việt Nam cần xem xét làm thế nào chiếu sáng phải hài hòa, phải tính đến sự ô nhiễm ánh sáng vì đôi khi bố trí lòe loẹt quá, gây chói mắt lại phản tác dụng và đặc biệt, phải chú ý đến thiết kế để kiến trúc phù hợp với ánh sáng, lúc nào ánh sáng xanh, lúc nào ánh sáng trắng, không phải lúc nào cũng ánh sáng vàng, ngay cả nội thất cũng vậy.
Vậy Dự án đóng vai trò như thế nào trong sự thay đổi đó và thành công nhất của Dự án trong 5 năm qua là gì, thưa ông?
GS.TS. Phan Hồng Khôi: Vai trò của Dự án rất nhỏ bé thôi, chỉ là chất xúc tác, quan trọng là nội lực. Tuy nhiên, chất xúc tác cũng rất quan trọng. Chúng tôi đã làm được rất nhiều việc để thúc đẩy hoạt động chiếu sáng công cộng hiệu suất cao tại Việt Nam. Thông thường, một dự án về hỗ trợ kỹ thuật thường chỉ dừng ở các khuyến nghị, nhưng VEEPL đã trực tiếp hỗ trợ xây dựng cả một khung pháp lý, hỗ trợ chính sách, đóng góp, thúc đẩy ban hành những nghị định, quyết định hỗ trợ cho chiếu sáng công cộng hiệu suất cao.
Trong 5 năm qua, Dự án đã cùng các cơ quan chức năng ban
hành các chính sách có liên quan đến ngành chiếu sáng như Nghị định 79/2009/NĐ-CP
của Chính phủ về Quản lý chiếu sáng đô thị đã được ban hành ngày 28/9/2009, góp
ý cho Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã chính thức có hiệu lực
từ 01/01/2011, Chiến lược phát triển ngành Chiếu sáng đã được Chính phủ phê
duyệt. Ngoài ra, còn kết hợp chặt chẽ với UBND các địa phương để ban hành các
qui định liên quan đến những vấn đề quản lý hệ thống chiếu sáng và sử dụng
nguồn sáng hiệu suất cao tại địa phương.
Dự án đã xây dựng và ban hành tiêu chuẩn về chiếu sáng hiệu
suất cao, năng lượng tối thiểu, tối đa, một số tiêu chuẩn liên quan như chiếu
sáng học đường… Đồng thời, xây dựng được mô hình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển
các sản phẩm có công nghệ chiếu sáng hiệu suất cao như bóng đèn compact,
ballast điện tử 2 cấp công suất, công nghệ điều khiển các hệ thống trung tâm
khác nhau cho chiếu sáng đường phố, ngõ hẻm… Hỗ trợ một số phòng thí nghiệm để
nghiên cứu, đào tạo và kiểm chuẩn trong lĩnh vực chiếu sáng.
Thường thì các Dự án hỗ trợ kỹ thuật chỉ dừng ở phần đề xuất. Vậy sao VEEPL lại làm được một khối lượng công việc lớn đến vậy, thưa ông?
GS.TS. Phan Hồng Khôi: Dự án ra đời đúng thời điểm Việt Nam
hết sức quan tâm đến vấn đề này. Bên cạnh Dự án có Chương trình Mục tiêu quốc
gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, lại có Hiệp hội chiếu sáng
Việt Nam cùng nhau phối hợp thực hiện, nên Dự án cũng có những thuận lợi nhất
định.
Đối với một dự án như VEEPL, quan trọng là xây dựng chính sách, mà chính sách thì chủ yếu do Nhà nước ban hành, nên Dự án bắt buộc phải phối hợp tốt với các cơ quan, bộ ngành. Ví dụ, như tiêu chuẩn các sản phẩm chiếu sáng phải làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ; chính sách phát triển chiếu sáng đô thị, tiêu chuẩn chiếu sáng đường phố là Bộ Xây dựng; về tài chính là Bộ Tài chính và Bộ Công Thương...
Thời gian đầu, phía UNDP và Quỹ Môi trường toàn cầu cho rằng, phía Dự án chỉ nên đưa ra đề xuất thôi và thực tế, thường các dự án đưa ra đề xuất với Chính phủ hoặc các cơ quan thực thi là coi như hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng rõ ràng, nếu chỉ đưa như vậy rồi 5-6 năm sau mới ban hành thì không hay. Do đó, Ban quản lý Dự án đã trao đổi với đối tác, đi đến thống nhất, Dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ cho đến khi ban hành. Và có thể nói, việc ban hành các Nghị định, Quyết định, chiến lược, qui định về thực hiện chiếu sáng… trong 5 năm qua đã được Dự án thực hiện rất nhanh. Nếu chỉ đặt kế hoạch là đề xuất không thì không nói làm gì, nhưng để thực hiện và cuối cùng những đề xuất ấy được thực thi, ban hành thì theo tôi đánh giá, Dự án thành công một phần là nhờ các bộ, ngành đã rất tích cực và nhiệt tình trong công tác phối hợp thực hiện và đặc biệt là đội ngũ cán bộ Dự án đã rất nỗ lực trong quá trình thực hiện Dự án.
Còn 6 tháng nữa Dự án sẽ kết thúc, trong khi rất nhiều doanh nghiệp mong muốn phát huy hiệu quả của Dự án này. Vậy Dự án đã có những dự định gì tiếp theo?
GS.TS. Phan Hồng Khôi: Việc thứ nhất là đưa ra tầm nhìn và một kế hoạch đầu tư cho chiếu sáng hiện đại ở Việt Nam. Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện, sau đó sẽ trình lên Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương nhằm mục đích từ nay đến năm 2020 và xa hơn nữa là năm 2025, ngành Chiếu sáng Việt Nam đạt nhiều kết quả hơn nữa.
Thứ hai là phối hợp với Bộ Công Thương làm thí điểm cuộc thi các thành phố, các dự án áp dụng chiếu sáng hiệu suất cao, chiếu sáng công cộng tốt nhất, tiến tới có thể tổ chức 2 năm hoặc mỗi năm một lần.
Thứ ba, trên cơ sở các chính sách và công cụ thực hiện chính sách đã ra đời, Dự án có thể tham gia một phần kỹ thuật trong việc hỗ trợ và giám sát về thực hiện các chính sách, phối hợp các địa phương, bộ, ngành để đưa các chính sách đi vào cuộc sống. Những gì còn thiếu có thể xem xét bổ sung cho phù hợp.
Thứ tư là bàn giao các kết quả của Dự án cho Chính phủ như
các phần mềm tính toán về hiệu suất, tính toán xử lý số…
Và trong tương lai, chúng tôi cũng có thể còn làm nhiều dự án khác.
PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Hồ Nga (thực hiện)