Thứ bảy, 23/11/2024 | 02:29 GMT+7
Trong nhiều năm qua, được Ðảng và Nhà nước giao trọng trách giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) đã nỗ lực đầu tư nhiều công trình nguồn và lưới điện, góp phần quan trọng bảo đảm "điện đi trước một bước" để phát triển các ngành kinh tế và đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Cùng với EVN, các doanh nghiệp chủ chốt khác như các Tập
đoàn: Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam
(TKV), Sông Ðà... cũng tích cực đầu tư xây dựng nhiều nhà máy điện, vừa thực hiện
đa dạng hóa đầu tư của doanh nghiệp, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho đất nước.
Nhiều trung tâm nhiệt điện đã và đang hình thành khắp cả nước như: Phú Mỹ, Vĩnh
Tân, Duyên Hải, Long Phú, Vũng Áng, Nghi Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng... Hiện EVN
đang tích cực triển khai chuẩn bị đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Một số đơn vị cũng đã đầu tư các tua-bin điện gió, mặt trời, góp phần phát triển
nguồn năng lượng tái tạo.
Ngành điện vừa đón nhận nhiều sự kiện lớn là khởi công Dự án Thủy điện Lai Châu (công suất 1.200 MW) và phát điện tổ máy 1 (400 MW) của Thủy điện Sơn La, Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (750 MW) phát điện hòa lưới quốc gia... Các sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là cung cấp thêm nguồn điện năng cho hệ thống điện quốc gia trong bối cảnh nguồn cung đang căng thẳng, nhất là phục vụ mùa khô năm 2011.
EVN cho biết, tốc độ
tăng trưởng điện bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt hơn 13,7%, gấp hơn hai lần
so với tăng trưởng GDP. Sản lượng điện sản xuất và mua ngoài năm 2010 của EVN ước
đạt hơn 97,3 tỷ kW giờ, tăng 1,87 lần so với năm 2005, vượt 4 tỷ kW giờ so với
chỉ tiêu trong Chiến lược phát triển ngành điện Việt Nam giai đoạn 2004-2010, định
hướng năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 5-10-2004 tại Quyết định
số 176/2004/QÐ-TTg.
Sản lượng điện thương phẩm năm 2010 ước đạt 85,4 tỷ kW giờ, điện thương phẩm bình quân ước đạt 981 kW giờ/người/năm, tăng 1,8 lần so với năm 2005. Hiện nay EVN bán điện trực tiếp đến hơn 16,7 triệu khách hàng. Hết năm 2010, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống điện đạt khoảng 20.900 MW. Tính chung giai đoạn 2006-2010, tổng công suất lắp đặt nguồn điện mới trong hệ thống điện tăng thêm 10.400 MW (tăng 1,98 lần so năm 2005).
Cùng với nguồn điện,
lưới điện truyền tải phát triển mạnh với gần 3.800 km đường dây 500 kV, hơn
9.400 km đường dây 220 kV, 14 trạm biến áp 500 kV với tổng dung lượng lắp đặt
8.400 MVA, khoảng 60 trạm biến áp 220 kV với tổng dung lượng hơn 19 nghìn MVA.
Lưới điện phân phối có các cấp điện áp từ 0,4-110 kV với hàng trăm nghìn km đường
dây và hàng trăm nghìn MVA dung lượng trạm biến áp. Năm 2010, nhiều công trình
đường dây và trạm biến áp 500 kV, 220 kV được hoàn thành, nhất là đường dây 500
kV Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan tiếp nhận kịp thời dòng điện từ tổ máy 1 Thủy
điện Sơn La hòa lưới quốc gia. Giai đoạn 2006-2010, EVN đã đầu tư hàng chục
nghìn tỷ đồng để đưa điện về nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ðến nay 100% số huyện
trong cả nước có điện lưới và điện tại chỗ; 97,57% số xã và 95,08% số hộ dân
nông thôn sử dụng điện lưới quốc gia, vượt 5,08% so với chỉ tiêu trong Nghị quyết
của Ðại hội lần thứ X của Ðảng. Ðiện khí hóa nông thôn đã thật sự góp phần thay
đổi căn bản diện mạo kinh tế - xã hội ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa,
đóng góp hiệu quả trong xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào.
Dự án Thủy điện Lai Châu vừa khởi công ngày 5-1 vừa qua là dự
án thứ 36/37 dự án trong kế hoạch đã được EVN khởi công trong năm năm qua với tổng
công suất 15.861 MW, tổng vốn đầu tư hơn 330 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 97% kế
hoạch giai đoạn 1996-2010 của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn
2006-2015 có xét đến năm 2025 (Quy hoạch điện VI).
Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia đòi hỏi phát triển điện phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp an ninh năng lượng với bảo đảm quốc phòng và an ninh, phát triển điện phải đi trước một bước, với tốc độ cao, bền vững, đồng bộ, đa dạng hóa loại hình nguồn điện gắn với chính sách khai thác và sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng sơ cấp trong nước, có chính sách xuất nhập khẩu hợp lý, đa dạng hóa hình thức đầu tư trong phát triển nguồn điện và lưới điện phân phối với định hướng EVN và một số tập đoàn kinh tế nhà nước khác giữ vai trò chi phối trong phát triển nguồn điện.
Nhiệm vụ trước mắt là
tập trung thực hiện cho được Quy hoạch điện VI trong đó EVN được giao đầu tư và
tham gia đầu tư 48 dự án nguồn điện với tổng công suất 22.748 MW/59.469 MW (chiếm
38,3% tổng công suất lắp đặt mới) và hệ thống lưới điện đồng bộ.
Hiện nay Bộ Công thương đang chỉ đạo lập Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2010-2020 có xét tới 2030 (Quy hoạch điện VII). Theo đó nhu cầu điện sẽ tiếp tục tăng từ 14-16%/năm tương ứng với tốc độ tăng trưởng GDP 7-8%/năm (hệ số đàn hồi là 2). Nhu cầu công suất mới tăng thêm hằng năm từ 2011-2015 khoảng 4 nghìn MW, giai đoạn 2016-2020 từ 5-6 nghìn MW, 2021-2025 khoảng 5.500-7.000 MW, 2026-2030 khoảng 7-10 nghìn MW. Ước tính lượng vốn để đầu tư các dự án trong Quy hoạch điện VI và dự kiến của Quy hoạch điện VII trong 10 năm tới (2011-2020) cần đến 98 tỷ USD, trong đó EVN là 52,3 tỷ USD, các nhà đầu tư khác là 45,7 tỷ USD. Với nhu cầu vốn đầu tư rất lớn như thế, việc thị trường hóa giá điện và giá năng lượng sơ cấp để tạo động lực thu hút đầu tư sẽ là vấn đề mang tính quyết định.
Từ đánh giá trên, EVN kiến nghị: các bộ, ngành chức năng tăng cường quản lý, bảo đảm các dự án đầu tư nguồn điện được triển khai đúng tiến độ; thị trường hóa giá năng lượng (trong đó có giá điện) một cách hoàn toàn theo một lộ trình hợp lý, được kiểm soát chặt chẽ, có hỗ trợ hợp lý cho người nghèo, gia đình chính sách để tạo động lực đủ mạnh để thu hút nguồn vốn đầu tư từ xã hội và từ các nhà đầu tư nước ngoài; cân đối nguồn năng lượng sơ cấp, tính toán nhập khẩu năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện (than, dầu, khí, khí hoá lỏng-LNG) và nhập khẩu điện cần được chuẩn bị thành các chiến lược, đề án có mục tiêu rõ ràng; xây dựng chiến lược và lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển chiều sâu, tăng cường thực hiện tiết kiệm năng lượng, nhất là sử dụng điện, tăng chế tài sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện; thực hiện đồng bộ hóa giữa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, quy hoạch sử dụng đất và chiến lược phát triển các ngành với các quy hoạch phát triển điện.
Theo Nhân Dân