Thứ tư, 18/09/2024 | 02:55 GMT+7
Dự án Nhà máy Thuỷ điện Tuyên Quang do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ tháng 12-2002 tại thị trấn Nà Hang (Nà Hang), là một trong những công trình trọng điểm của đất nước. Công trình có 3 tổ máy công suất 342 MW, sản lượng điện hàng năm là 1 tỷ 300 triệu KWh. Tổng số vốn đầu tư xây dựng nhà máy là 7.500 tỷ đồng trong đó vốn do Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Tuyên Quang (Ngân hàng Phát triển Việt Nam) ký hợp đồng tài trợ cho vay là 2.890 tỷ đồng.
Sau 6 năm thi công đến ngày 15-12-2008, tổ máy số 3 cũng là tổ máy cuối cùng của nhà máy đã phát điện lên lưới điện quốc gia, góp phần tăng sản lượng điện cho cả nước, cắt lũ cho thành phố Tuyên Quang và phòng chống lũ lụt cho đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội. Nhà máy còn điều tiết nguồn nước, xả về hạ lưu 53 triệu m3 nước góp phần điều hoà nguồn nước về mùa khô cạn cho các tỉnh đồng bằng trung du bắc bộ có đủ nước gieo cấy. Năm 2009, sản lượng điện của nhà máy đạt 1,1 tỷ KWh, nộp NSNN trên 86 tỷ đồng. Năm 2010 do tình trạng hạn hán kéo dài, lưu lượng nước chảy từ đầu nguồn về ít nên sản lượng điện sản xuất đạt 1,017 tỷ KWh, nộp ngân sách Nhà nước 80 tỷ đồng.
Hồ chứa nước Nhà máy Thuỷ điện Tuyên Quang nằm trong địa phận 3 tỉnh Tuyên
Quang, Hà Giang, Bắc Kạn với tổng diện tích mặt nước hơn 8.000 ha, dung tích hồ
chứa nước 2,2 tỷ m3, hồ thuỷ điện được ví như là “Hạ Long giữa đại ngàn”, trên
hồ có nhiều hòn đảo nhỏ xinh đẹp, các hang động, thác nước và các điểm di tích
lịch sử với những đền chùa linh thiêng ngự trên sườn núi. Môi trường, khí hậu
và nhiệt độ nước là một ưu thế để hồ thuỷ điện Tuyên Quang trở thành một khu
danh thắng cảnh với các hình thức du lịch sinh thái. Ngoài ra hồ thuỷ điện có
tiềm năng rất lớn để phát triển nghề nuôi thuỷ sản, đáp ứng nhu cầu nuôi những
loài cá tầm, cá hồi, cá rô phi đơn tính, cá tra... là những loài cá có giá trị
kinh tế cao.
Đến nay hoạt động SXKD của Nhà máy Thuỷ điện Tuyên Quang ngày càng phát huy hiệu
quả to lớn về kinh tế - xã hội, nhà máy đã hoàn trả đầy đủ và đúng hạn tiền vay
(gốc + lãi) theo hợp đồng tín dụng cho Ngân hàng phát triển, đóng góp ngày càng
nhiều cho ngân sách Nhà nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương
theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ.
Trần Minh Ngọc