Thứ bảy, 11/01/2025 | 16:10 GMT+7
Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung
Tín về vấn đề tiết kiệm năng lượng. Phóng viên Báo Sài Gòn giải phóng đã có cuộc
trao đổi với ông về những nỗ lực của TPHCM trong thời gian qua và lộ trình phấn
đấu đạt mức 3% tiết kiệm năng lượng trong thời gian tới.
TPHCM đi tiên phong trong tiết kiệm năng lượng
Phóng viên: Thưa ông, nhiều năm qua người dân cũng như doanh nghiệp trên địa
bàn thành phố biết và cũng rất ủng hộ chủ trương tiết kiệm năng lượng của lãnh
đạo thành phố. Tuy nhiên, đã và đang có nhiều ý kiến cho rằng, rất khó thực hiện
chủ trương ấy vì vướng khá nhiều thủ tục hành chính và cũng vì thiếu những hướng
dẫn cụ thể. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Nguyễn Trung Tín: Trước tình hình nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng
khan hiếm trong khi nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo chưa được ứng dụng
phổ biến, để đảm bảo nguồn năng lượng đủ để phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt
và đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã
có nhiều chủ trương giải pháp cụ thể để thực hiện tiết kiệm năng lượng.
Tại TPHCM, Thành ủy, UBND TPHCM luôn quan tâm chỉ đạo và có chính sách đầu tư,
hỗ trợ phát triển ngành năng lượng. Nhờ có những nỗ lực này, trong các năm từ
2007 đến 2010 việc tiết kiệm năng lượng đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực,
nhận thức của người dân và các doanh nghiệp về chủ trương tiết kiệm năng lượng
ngày càng cao.
Riêng sản lượng điện tiết kiệm trong năm 2007 là 104,7 triệu kWh đạt 116% kế hoạch;
năm 2008 là 220 triệu kWh đạt 112,2% kế hoạch; năm 2009 là 187,9 triệu kWh, chiếm
gần 1,5% sản lượng điện thương phẩm và năm 2010 đạt 221 triệu kWh chiếm gần
1,52% sản lượng điện thương phẩm.
Thưa ông, bao giờ các chính sách cụ thể này mới ra đời và đi vào cuộc sống?
Giai đoạn vừa qua, 2006 - 2010 là giai đoạn đầu thực hiện chủ trương tiết kiệm
năng lượng nên quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Thế nhưng
nhờ sự nỗ lực chung từ chính quyền đến người dân mà hiện đã có thể nói rằng chủ
trương tiết kiệm năng lượng đã thực sự đi vào đời sống của từng người dân,
doanh nghiệp và tất cả các cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, một số chính sách hỗ trợ sản xuất nhất là lĩnh vực hỗ trợ vay vốn ưu
đãi và miễn giảm thuế vẫn còn một số khó khăn, phức tạp. Sắp tới khi Luật Sử dụng
năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chính thức có hiệu lực, cùng với những văn bản
hướng dẫn chi tiết thì việc thực hiện chủ trương tiết kiệm năng lượng sẽ thuận
lợi hơn.
Là một thành phố đi đầu cả nước trong sản xuất và dịch vụ chất lượng cao, ông
có nghĩ rằng TPHCM nên đi đầu trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, đặc biệt
TPHCM sẽ là một nơi “cung cấp”, tư vấn những kiến thức về tiết kiệm năng lượng
cho các địa phương khác?
TPHCM là địa phương tiên phong trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng. Ngay từ năm
2002 thành phố đã thành lập Trung tâm tiết kiệm năng lượng thuộc Sở Khoa học
Công nghệ. Trung tâm này đã thực hiện tốt công tác tư vấn tiết kiệm năng lượng
và cung cấp các giải pháp hữu hiệu về sử dụng năng lượng hiệu quả cho nhiều
doanh nghiệp và tổ chức.
Với ý thức đây là lĩnh vực có tiềm năng, nhiều doanh nghiệp với sự hỗ trợ, khuyến
khích của các cơ quan quản lý nhà nước đã tham gia vào lĩnh vực này. Đến nay
trên địa bàn TPHCM đã phát triển thêm nhiều đơn vị thực hiện công tác tư vấn và
cung cấp các giải pháp tiết kiệm năng lượng có kinh nghiệm, uy tín trong cả nước
như Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về tiết kiệm năng lượng (Enerteam), Công
ty TNHH Giải pháp năng lượng và môi trường Tương Lai, Trung tâm kiểm định công
nghiệp 3, Trung tâm Sản xuất sạch hơn… Các trung tâm này đã và đang hỗ trợ tư vấn
tiết kiệm năng lượng và cung cấp thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng
cho các tỉnh thành và khu vực trong cả nước.
Đến 2015: Phấn đấu tiết kiệm 3% năng lượng
Từ trước đến nay, TPHCM đã đầu tư bao nhiêu cho công tác tiết kiệm năng lượng
cũng như đào tạo cán bộ thực hiện công tác này, thưa ông?
TPHCM đã rất quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong
lĩnh vực tiết kiệm năng lượng. Từ năm 2002 đến nay hàng năm thành phố đều tổ chức
cho cán bộ quản lý nhà nước trong lĩnh vực này tham gia các chương trình đào tạo
về tiết kiệm năng lượng ở trong và ngoài nước.
Đối với đội ngũ tư vấn, thành phố đã chủ động hợp tác với các tổ chức quốc tế,
các bộ ngành liên quan để tổ chức các khóa đào tạo. Nhờ đó, công tác tư vấn tiết
kiệm năng lượng đã phát triển mạnh trong thời gian qua với sự hình thành của những
đơn vị tư vấn tiết kiệm năng lượng như tôi đã nói ở trên.
Đối với việc đào tạo nguồn nhân lực cho công tác quản lý năng lượng tại các
doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng năng lượng, thời gian qua các cơ quan nhà nước
chuyên ngành ở Bộ Công thương, Sở Công thương cùng các đơn vị tư vấn đã tổ chức
rất nhiều khóa đào tạo, cung cấp kiến thức về tiết kiệm năng lượng cho các cán
bộ này. Đặc biệt trong hai năm 2009 - 2010 đã đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến
thức về tiết kiệm năng lượng cho trên 2.000 cán bộ tại các doanh nghiệp.
Ngoài ra để chuẩn bị cho Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu
lực từ ngày 1-1-2011 và nhằm đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực về tiết kiệm năng
lượng cho thành phố và khu vực phía Nam, thành phố đã chủ động làm việc với Bộ
Công Thương để xúc tiến thành lập Trung tâm đào tạo cán bộ quản lý năng lượng
cho khu vực phía Nam trực thuộc Sở Công thương. Hiện Bộ Công thương đã chấp thuận
chủ trương này và thành phố đang xúc tiến các bước để thành lập.
Thưa ông, mục tiêu và các giải pháp để thực hiện các chương trình về tiết kiệm
năng lượng trên địa bàn TPHCM từ nay cho đến năm 2015 là gì?
Từ nay đến 2015 TPHCM phấn đấu tiết kiệm được khoảng 3%/tổng mức tiêu thục năng
lượng toàn thành phố. Để thực hiện được điều này thành phố sẽ triển khai đồng bộ
ba giải pháp.
Giải pháp về tài chính: sử dụng nguồn vốn từ ngân sách để cấp cho việc xây dựng
hoàn tiện thể chế quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bên cạnh đó
cũng huy động và sử dụng các nguồn tài trợ của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân
trong và ngoài nước cho công tác này.
Giải pháp về đầu tư khoa học công nghệ và đào tạo: thành phố sẽ đầu tư có chọn
lọc cho các tổ chức tư vấn thiết kế, thử nghiệm, kiểm toán năng lượng, chuyển
giao công nghệ về tiết kiệm năng lượng, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ quản
lý, đặc biệt cho các địa phương và doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm.
Ngoài ra, thành phố sẽ đầu tư cho công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức
cộng đồng về tiết kiệm năng lượng và cuối cùng là đầu tư cho nghiên cứu, sản xuất,
ứng dụng các loại sản phẩm mới, vật liệu mới, thí điểm các dự án, mô hình về thực
hiện mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên,
thân thiện với môi trường…
Giải pháp về hợp tác quốc tế: tăng cường hợp tác trong đào tạo thông qua các hội
thảo, hội nghị chuyên đề, gửi cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài nhằm chia sẻ thông
tin, kiến thức về tiết kiệm năng lượng.
Cảm ơn ông.