Thứ tư, 01/01/2025 | 15:47 GMT+7

Nỗ lực hoàn thành điện khí hóa nông thôn vào 2020

28/12/2010

Việt Nam được xếp vào một trong những nước thành công nhất trên thế giới trong quá trình hoàn thành mục tiêu điện khí hóa nông thôn với tỷ lệ hộ dân nông thôn có điện cao hơn nhiều nước đang phát triển khác ở khu vực châu Á, mang lại nhiều lợi ích kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, trên chặng đường về đích để mang ánh sáng đến với 5% hộ dân nông thôn còn lại vẫn còn nhiều thách thức.

Việt Nam được xếp vào một trong những nước thành công nhất trên thế giới trong quá trình hoàn thành mục tiêu điện khí hóa nông thôn với tỷ lệ hộ dân nông thôn có điện cao hơn nhiều nước đang phát triển khác ở khu vực châu Á, mang lại nhiều lợi ích kinh tế-xã hội.


Tuy nhiên, trên chặng đường về đích để mang ánh sáng đến với 5% hộ dân nông thôn còn lại vẫn còn nhiều thách thức. Bức tranh thêm gam sáng Giống như nhiều hộ gia đình nông dân khác ở xóm Cháo (Kim Bôi, Hòa Bình), cuộc sống của gia đình ông Bùi Văn Mạo đã có sự đổi thay rõ rệt kể từ khi được dùng điện lưới quốc gia vào năm 2002. Hiện tổng thu nhập gia đình ông Mạo đạt gần 150 triệu đồng/năm, tăng gấp 10 lần so với tám năm trước đây. Nhờ có điện thắp sáng học thêm buổi tối, các cháu của ông Mạo đều học hành tiến bộ.


02-Dien-khi-34810-300.jpg


Cũng nhờ điện “làm thay” nhiều công đoạn và nâng cao năng suất lao động, xưởng cưa và xưởng làm đậu của gia đình ông ngày càng làm ăn phát đạt và vợ con ông lại có thêm nhiều thời gian nghỉ ngơi buổi tối. Không những thế, gia đình ông còn tích lũy mua được chiếc ôtô tải 2,5 tấn để chở hàng. Cùng tâm trạng vui mừng như ông Mạo, ông Nguyễn Thọ Sơn,huyện Chư M’nga (Đắk Lắk) cho biết, với đặc thù huyện vùng cao có hơn 50% dân số là người dân tộc thiểu số sinh sống, Dự án cấp điện cho các buôn làng ở năm tỉnh Tây Nguyên (do Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai từ năm 2006) đã cải thiện rõ rệt đời sống kinh tế của bà con dân tộc nơi đây.


Điện về, cây càphê, caosu và đậu đỗ ở Chư M’nga được bơm tưới đầy đủ nên năng suất thu hoạch đã tăng gần 25%. Bên cạnh đó, dịch vụ chế biến nông sản cũng được phát triển làm tăng giá trị cho nông sản sau thu hoạch.


Nhờ có điện, đời sống tinh thần của bà con đã được nâng cao, vô tuyến truyền hình có ở khắp các bản làng giúp bà con biết rõ hơn về các chính sách ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội của Đảng, nhà nước. Theo báo cáo độc lập đánh giá tác động của Chương trình điện khí hóa nông thôn vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Công Thương công bố, trong 10 năm qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả mang tính đột phá về điện khí hóa nông thôn với 100% số huyện trên cả nước có điện lưới quốc gia và điện tại chỗ; 98% số xã, 95,06% số hộ có điện lưới quốc gia.


Điện khí hóa đã làm thay đổi toàn diện bức tranh kinh tế xã hội nông thôn; đóng góp trên 30% vào việc phát triển kinh tế tại khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn và thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo hiệu quả. “Dốc cao” phía trước Tại hội thảo mới đây về đánh giá tác động của điện khí hóa nông thôn, bà Jennifer Sara, Giám đốc chương trình phát triển bền vững của WB tại Việt Nam cho biết Chương trình điện khí hóa nông thôn là chương trình lớn được Chính phủ Việt Nam thực hiện khá thành công trong nhiều năm với sự trợ giúp của WB.


Tuy nhiên, trên con đường hoàn thành mục tiêu điện khí hóa nông thôn vào năm 2020, Chính phủ Việt Nam tiếp tục phải tập trung mọi nguồn lực để cải tạo lưới điện cho khoảng 3.000 xã và giúp 5% số hộ còn lại (khoảng 1 triệu hộ dân) được dùng điện. Gần 1 triệu hộ dân còn lại sống rải rác và xa trung tâm, chi phí đầu tư để nối lưới cho các hộ này sẽ rất đắt. Nghiên cứu độc lập của WB cho thấy, với chi phí mở rộng lưới điện rất lớn từ 15-30.000 USD/hộ, chỉ tính riêng nguồn vốn để mở rộng lưới cho 1 triệu hộ dân đã lên tới 20 tỷ USD.


images283157_NDT_0----167-copy.jpg


Thêm vào đó, nguồn vốn để cải tạo lưới điện cho 3.000 xã cũng lên tới 400.000 USD/xã. Đây thực sự là một thách thức lớn cả về tài chính lẫn kỹ thuật với Việt Nam, bà Sara nhấn mạnh. Nghiên cứu độc lập mới nhất của WB và Viện Xã hội học cũng cho thấy hiện mức cầu tiêu thụ bình quân của các hộ sống xa trung tâm (thường là các hộ dân nghèo) chỉ khoảng 30 kWh/tháng.


Như vậy, với giá bán điện khoảng 7 cent/kWh, cộng với tỷ lệ tổn thất điện năng lớn do phải truyền tải quá xa, doanh nghiệp chỉ có thể kinh doanh lỗ, thậm chí khó thu hồi vốn đầu tư. Chính vì vậy, nếu không có những cơ chế tài chính ưu đãi đặc biệt giúp doanh nghiệp thì mục tiêu hoàn thành điện khí hóa nông thôn sẽ rất khó thực hiện.


Điện khí hóa không nối lưới Theo bà Sara, trong khi cả khả năng tài chính và kỹ thuật đều rất khó khăn, một trong những giải pháp khá hiệu quả mà Chính phủ Việt Nam cần cân nhắc là điện khí hóa không nối lưới bằng việc phát triển năng lượng tái tạo như thủy điện nhỏ (công suất dưới 10 MW), năng lượng mặt trời, năng lượng gió… để giải quyết nguồn điện tại chỗ. Tính toán của chuyên gia Peter Meier đến từ WB cho thấy chi phí điện khí hóa không nối lưới ở huyện Mường Tè (Lai Châu) thông qua thủy điện nhỏ không nối lưới chỉ từ 700 USD đến 1.000 USD/hộ.


Vì vậy, các dự án điện khí hóa với chi phí như vậy sẽ mang lại hiệu quả tốt, ông Peter Meier nhấn mạnh. Ngoài phát triển thủy điện nhỏ dưới 10 MW, một nghiên cứu năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho thấy, việc đầu tư cho các dự án năng lượng gió tại các vùng duyên hải và hải đảo cũng sẽ mang lại hiệu quả.

Với lợi thế có hơn 3.000km bờ biển, hàng ngàn đảo và 70% địa hình đồi núi, tiềm năng về điện gió có thể lên đến 1.700-4.500 kWh/m2/năm tại các hải đảo; 400-1.000 kWh/m2/năm tại các vùng trong đất liền và 2.000-3.000 kWh/m2/năm trên các vùng núi. Tùy thuộc vào nhu cầu thực tế cũng như khả năng tài chính, có thể đầu tư máy phát điện gió quy mô hộ gia đình hoặc các trạm phát điện gió quy mô cộng đồng.

Tương tự như vậy, với tổng lượng bức xạ nhiệt Mặt Trời trung bình khoảng 5 kWh/m2/ngày ở các tỉnh miền Trung và miền Nam; 4 kWh/m2/ngày ở các tỉnh phía Bắc, việc đầu tư phát triển nguồn năng lượng Mặt Trời có thể phát điện, đun nước nóng hoặc nấu ăn. Việc nghiên cứu phát triển các mô hình năng lượng tái tạo phù hợp với đặc thù của hộ dân nghèo rất quan trọng nhưng vấn đề còn quan trọng hơn là Chính phủ Việt Nam cần tích cực triển khai tái cơ cấu ngành điện để có thể thu hút đủ nguồn vốn cũng như xây dựng được một cơ chế để hỗ trợ 5% số hộ dân đó có điện, bà Sara nhấn mạnh.


Với tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam vẫn khá cao, trong chủ trương đầu tư ngành điện hiện nay, vấn đề giá bán điện cần phải tính toán kỹ lưỡng, nhất là giá điện công ích. Giá điện cho các hộ không thuộc diện nghèo cần được tính toán trên nguyên tắc có thể trang trải nguồn vốn ban đầu, đảm bảo sự đầu tư bền vững. Về phía doanh nghiệp, ông Thái Văn Thắng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Miền Trung cho rằng việc tính toán để mở rộng lưới điện hoặc phát triển các dự án năng lượng không nối lưới nhằm giúp 1 triệu hộ dân còn lại có điện sử dụng là mục tiêu cho cả giai đoạn cần phải giải quyết.
 

Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, Việt Nam cần quyết liệt hơn nữa trong việc tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của người dân về việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, tránh đầu tư thừa công suất cần thiết. Việt Nam đang tiến gần “đích” 100% hộ dân nông thôn có điện. Mục tiêu điện khí hóa nông thôn vào năm 2020 chỉ đạt được khi có sự chung tay nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân; sự huy động và kết hợp nhiều nguồn lực.


Vì vậy, với khả năng hạn hẹp về tài chính và công nghệ của Việt Nam trong khi WB vẫn cần thêm thời gian và căn cứ để quyết định việc tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam triển khai các dự án điện tiếp theo, chính quyền các cấp sẽ phải tính toán kỹ lưỡng, ưu tiên sử dụng nguồn lực nhằm giúp nhiều đối tượng tiềm năng được hưởng lợi nhiều nhất. Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam đã khẳng định như vậy.


Theo
TTXVN