Thứ bảy, 23/11/2024 | 11:23 GMT+7

Tiết kiệm điện là con đường ngắn nhất…

24/12/2010

Những năm tới, cung ứng điện sẽ còn nhiều khó khăn. Tiết kiệm điện là con đường ngắn nhất nhằm giảm thiểu khó khăn cho ngành điện, góp phần ổn định đời sống cho người dân, doanh nghiệp. Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng. Thời gian tới cần phấn đấu để con số tiết kiệm điện đạt được ở mức 3-5% tổng lượng điện tiêu thụ, Thứ trưởng Vượng cho biết.

Tính đến cuối năm 2010, ước tổng công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống điện là 20.900MW, tổng sản lượng điện thương phẩm ước đạt 85,4 tỷ kWh. Tính chung trong giai đoạn 2006-2010, tổng công suất lắp đặt nguồn điện mới tăng thêm trên toàn hệ thống là 10.400 MW (tăng 1,98 lần so với năm 2005).


Giai đoạn 2006-2010, phụ tải tiếp tục tăng cao về sản lượng. Tốc độ tăng nhu cầu điện năng hàng năm là 13,7%, tăng 2 lần so với tăng trưởng GDP. Điện thương phẩm bình quân trên người dân đến cuối năm 2010 ước là 981 kWh/người/năm, tăng 1,8 lần so với năm 2005. Mặc dù đã có sự tăng trưởng như vậy nhưng chưa bao giờ, cung ứng điện đáp ứng được "xông xênh" cho nhu cầu sử dụng.


dien 02.jpg


Trước tình hình nhu cầu điện tăng cao từng năm, cộng với diễn biến thời tiết có nhiều phức tạp, lưu lượng nước về các hồ chứa phía Bắc trong thời kỳ đầu mùa khô và cuối năm thấp hơn trung bình nhiều năm và tình hình chậm tiến độ xây dựng các nguồn điện, Bộ Công Thương đã ban hành các chỉ thị và chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cân đối và đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chương trình tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 19/2005/CT-TTg.


Kết quả cho thấy, trong giai đoạn 2006-2010, các tỉnh, thành phố đã tiết kiệm được 4.039 triệu KWh điện, bằng  khoảng 1,4% tổng lượng điện thương phẩm và bằng 127% so với kế hoạch đề ra của chương trình. Lượng điện năng tiết kiệm tập trung ở các lĩnh vực sử dụng nhiều điện, như các cơ quan công sở khối hành chính sự nghiệp, chiếu sáng công cộng, sản xuất - kinh doanh và sinh hoạt, dịch vụ… Chỉ tính riêng trong năm 2010, ước tiết kiệm được khoảng 1.184 triệu KWh điện, bằng 1,41% sản lượng điện thương phẩm.


Đánh giá về hoạt động tiết kiệm năng lượng (TKNL) giai đoạn 2006-2010, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhận định: "Không thể phủ nhận được rằng nhận thức của người dân và toàn xã hội về tiết kiệm điện đã được cải thiện đáng kể. Những con số này mặc dù chưa thực sự cao nhưng rất có ý nghĩa, đặc biệt trong tình trạng nhu cầu điện tăng cao như thời gian vừa qua".


Những kết quả này phản ánh sự nỗ lực chung của toàn xã hội với yêu cầu cấp thiết phải sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cụ thể, trong sản xuất công nghiệp, Bộ Công Thương đã hoàn thành khảo sát trên 500 DN trọng điểm, đồng thời phối hợp với các đơn vị tư vấn tổ chức kiểm toán năng lượng cho hơn 300 DN trên phạm vi toàn quốc.


Bên cạnh đó, Bộ Công Thương còn xây dựng, hoàn thiện các mô hình quản lí, sử dụng NLTK và hiệu quả ở các DN (ISO 50001); Biên soạn và hoàn thiện tài liệu đào tạo cán bộ quản lí năng lượng; Hỗ trợ các DN sản xuất công nghiệp thực hiện nâng cấp, cải tiến, hợp lý hóa dây chuyền công nghệ nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ngoài việc công nhận và cho dán nhãn năng lượng đèn huỳnh quang T5, T8, chấn lưu sắt từ, chóa đèn chiếu sáng hiệu suất cao và đèn compact, Bộ đã hỗ trợ các DN sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm tiết kiệm điện. Chỉ tính riêng trong năm 2009, số lượng đèn compact được tiêu thụ tại thị trường nội địa là hơn 35,3 triệu bóng. Tốc độ tiêu thụ đèn compact tăng 20-30%/năm.


Cũng trong giai đoạn 2006-2010, Tổng cục Tiêu chuẩn – đo lường chất lượng đã hoàn thiện 17 tiêu chuẩn (TCVN) về tiết kiệm năng lượng điện để cụ thể hóa các tiêu chuẩn, hiệu suất tiết kiệm điện. Các dòng sản phẩm bóng đèn compact, ballast điện tử, quạt điện, chóa đèn chiếu sáng đường phố, điều hòa không khí, tủ lạnh, động cơ điện không đồng bộ 3 pha đã được chuẩn hóa bằng TCVN.


sieuthi1.jpg


Các dự án thúc đẩy sử dụng điện hiệu quả như thay thế đèn có công suất lớn bằng loại đèn có công suất phù hợp đối với hệ thống chiếu sáng dân lập đã được triển khai mạnh mẽ (tính đến cuối năm 2010, TP.HCM đã thay thế được 75.000/143.000 bộ đèn chiếu sáng công cộng); Chương trình phổ biến sử dụng thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời tiếp tục được Bộ Công Thương phối hợp với EVN thực hiện.


Công tác thông tin tuyên truyền, tư vấn về tiết kiệm điện cũng được đẩy mạnh thời gian qua với việc xây dựng và vận hành ổn định trang thông tin của chương trình www.vneec.gov.vn; www.tietkiemnangluong.com.vn với gần 2 triệu lượt truy cập trong năm 2010. Hơn 500 chương trình phát thanh, chuyên mục về TKNL. Cuộc vận động "Hộ gia đình sử dụng tiết kiệm năng lượng năm 2010" triển khai tại Hà Nội, TP.HCM cũng đã thu hút được rất nhiều sự tham gia của các hộ gia đình.


Đặc biệt, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được thông qua ngày 17/6/2010 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2011 sẽ tạo một hành lang pháp lý quan trọng cho những hoạt động TKNL sau này.


Tiết kiệm 5-8% tổng tiêu thụ điện thời gian tới


“Thời gian tới cần phấn đấu để con số tiết kiệm điện đạt được ở mức 3-5% tổng lượng điện tiêu thụ", Thứ trưởng Vượng khẳng định.


Để làm được điều này theo ông Nguyễn Đình Hiệp – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ – Bộ Công Thương: "Các ưu tiên tiết kiệm điện trong giai đoạn tới sẽ được tập trung trong nhóm DN vừa và nhỏ; Khối văn phòng, cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập thụ hưởng kinh phí hoạt động từ nguồn ngân sách; Tòa nhà thương mại". Sở dĩ tập trung tiết kiệm điện cho các nhóm này là vì khối các DN vừa và nhỏ chiếm số lượng lớn trong cộng đồng DN Việt Nam.

 

Tuy nhiên, nhìn chung, những DN này chủ yếu sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn điện năng. Khối văn phòng, cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng điện năng còn chưa tiết kiệm do tâm lý "điện chùa". Đối tượng tòa nhà thương mại cũng sử dụng một lượng điện năng lớn và chưa có nhiều giải pháp thực sự hữu hiệu để tiết kiệm điện. Hơn nữa, việc tiết kiệm điện mới chỉ dừng lại ở khuyến khích, kêu gọi chứ chưa thực sự có chế tài cụ thể cũng khiến cho công tác tiết kiệm điện chưa thực sự đạt hiệu quả cao nhất.

 

Do vậy, thời gian tới, nhằm tiết kiệm hiệu quả điện năng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực TKNL trước năm 2011, trong đó có việc xây dựng, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Xây dựng và áp dụng giá năng lượng phù hợp để thúc đẩy các hoạt động TKNL. Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ động phối hợp với các địa phương để triển khai có hiệu quả các hoạt động TKNL. Các tập đoàn kinh tế cần chủ động, tích cực triển khai các chương trình tiết kiệm điện nhằm giảm suất tiêu hao trên đơn vị sản phẩm, đặc biệt là các ngành thép, xi măng, khai khoáng, đóng tàu, hóa chất…   

 

"Những năm tới, cung ứng điện sẽ còn nhiều khó khăn. Tiết kiệm điện là giải pháp hữu hiệu và nhanh chóng nhất để giảm tải khó khăn cho tình hình cung ứng điện, góp phần ổn định đời sống và tình hình sản xuất của người dân và DN" - Thứ trưởng Vượng nhấn mạnh.


Hương Giang