Chủ nhật, 22/12/2024 | 13:27 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực điều hòa không khí

20/12/2010

Theo số liệu thống kê năm 2009, tổng điện năng tiêu thụ cho thiết bị điều hòa không khí ước khoảng 2 tỷ kWh/năm tương đương khoảng 2% tổng sản lượng điện quốc gia. Tiết kiệm năng lượng cho điều hòa không khí là một trong những biện pháp hiệu quả nhằm giảm áp lực cho ngành điện. Đây là thông tin đưa ra từ Hội thảo sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực điều hòa không khí hôm 18/12.

Theo số liệu thống kê năm 2009, tổng điện năng tiêu thụ cho thiết bị điều hòa không khí  ước khoảng 2 tỷ kWh/năm tương đương khoảng 2% tổng sản lượng điện quốc gia. Tiết kiệm năng lượng cho điêu hòa không khí là một trong những biện pháp hiệu quả nhằm giảm áp lực cho ngành điện. Đây là thông tin đưa ra từ Hội thảo sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực điều hòa không khí hôm 18/12.


 anh 03.jpg


Hội thảo do Văn phòng Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương phối hợp với Hội Lạnh - Điều hòa không khí Việt Nam và Viện Khoa học Công nghệ Nhiệt lạnh – Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức với sự tham gia của gần 80 đại biểu là các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu, các nhà quản lý, kỹ sư cùng nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điều hòa không khí.

 

Các tham luận tại hội thảo đã giới thiệu tới đại biểu tham dự nhiều thông tin về Dự thảo lộ trình dán nhãn tiết kiệm năng lượng của Bộ Công Thương. Theo đó, đến năm 2013, nhóm sản phẩm đồ điện gia dụng gồm điều hoà , tủ lạnh, nồi cơm điện, bình đun nước nóng, quạt, máy giặt, lò vi sóng, máy hút  bụi… sẽ bắt buộc phải dán nhãn, bao gồm cả nhãn xác nhận và nhãn so sánh thì mới đủ điều kiện được lưu thông trên thị trường.

 

Tham dự hội thảo, các doanh nghiệp đã được nghe đại diện Văn phòng Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương giới thiệu quy trình dán nhãn năng lượng. Theo đó, trước hết, doanh nghiệp tiến hành lấy mẫu thử nghiệm và lập hồ sơ đăng ký dán nhãn cho sản phẩm của mình gửi Bộ Công Thương, từ đây, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan áp dụng các tiêu chuẩn để xem xét và đánh giá hồ sơ, nếu đạt, sản phẩm sẽ được cấp giấy chứng nhận và được dán nhãn. Sau khi được dán nhãn, các sản phẩm của doanh nghiệp sẽ tiếp tục được sản xuất với các thông số kỹ thuật như đã đăng ký và chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan liên quan.

 

Hiện tại, Bộ Công Thương cùng các đơn vị phối hợp đang khẩn trương tiến hành các bước chuẩn bị để khi Lộ trình dán nhãn chính thức được áp dụng sẽ đem lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng được các mục tiêu đề ra là triển khai tốt Chương trình dán nhãn, giúp người tiêu dùng nhận biết, phân biệt được các sản phẩm có hiệu suất năng lượng cao, tạo được thị trường cạnh tranh cho các sản phẩm hiệu suất cao đồng thời khi chương trình dán nhãn đi vào giai đoạn bắt buộc, nhãn năng lượng sẽ trở thành công cụ kiểm soát tốt đối với hệ thống các sản phẩm thiết bị sử dụng năng lượng trên thị trường đặc biệt đối với những thiết bị tiêu tốn nhiều năng lượng như điều hòa không khí.

 

Tại hội thảo, một số giải pháp kỹ thuật được các chuyên gia đề cập phải kể đến nhằm từng bước nâng cao hiệu suất cho điều hòa không khí là sử dụng biến tần để khai thác tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong điều hòa không khí, phương pháp tính lượng điện tiêu thụ trong hệ thống điều hòa không khí, phương pháp đánh giá hiệu quả năng lượng trong điều hòa gia dụng… Để tiết kiệm năng lượng trong điều hòa không khí thì ngoài các biện pháp nêu trên, các chủ tòa nhà cần chú ý từ khâu thiết kế, thi công đến vận hành công trình bởi sự chủ quan trong bất cứ khâu nào cũng có thể dẫn đến thất thoát nhiệt, gây lãng phí năng lượng đối với hệ thống điều hòa.

 

Phát biểu tại hội thảo, TS Tạ Quang Ngọc, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Lạnh và Điều hòa không khí cho biết hiện nay, với mức độ tăng trưởng kinh tế cùng với sự nóng lên của khí hậu, nhu cầu sử dụng điều hòa không khí ngày càng lớn dẫn tới sự gia tăng đáng kể lượng điện tiêu thụ. Tuy nhiên hiện chưa có nhiều nghiên cứu đánh giá về hiện trạng và tiềm năng tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính CO2 trong lĩnh vực điều hòa không khí vì tính đa dạng của cấu trúc các hộ gia đình cũng như về chủng loại máy điều hòa và thói quen sử dụng của cộng đồng. Vì vậy, bên cạnh việc áp dụng các giải pháp về kỹ thuật, cần quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc sử dụng hiệu quả năng lượng trong điều hòa không khí. Đây là giải pháp không khó, không tốn kém nhưng đem lại hiệu quả cao.


Huyền Anh