Thứ bảy, 23/11/2024 | 04:32 GMT+7
Từ những ứng dụng ban đầu nhằm thay thế chất đốt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, biogas ngày càng phát huy tác dụng “sâu” hơn trong cuộc sống. Ít ai biết rằng, hiện nay, hầu như mọi cải tiến thiết bị sinh hoạt của đời sống hiện đại đều sử dụng những “chiếc máy” chạy bằng “động cơ” biogas.
Đã gần 1 năm nay, vợ chồng anh Phan Xuân Tài, thôn Tân Lập (Cam Thành Bắc, Cam Lâm, Khánh Hòa) bớt đi nỗi lo tiền điện cũng như chất đốt trong chi tiêu sinh hoạt gia đình và chăn nuôi đàn heo 120 con. Nếu không có Dự án khí sinh học (DAKSH) do Chính phủ Hà Lan tài trợ, vợ chồng anh hàng tháng phải bỏ ra ít nhất 200.000 đồng tiền chất đốt và thắp sáng.
Những ngày cắt điện mùa hạn vừa qua, anh Tài đã có nguồn
điện từ khí biogas đủ để cho con cái học bài. Hàng trăm heo con cần sưởi ấm
cũng đã có thiết bị sưởi ấm bằng biogas. Vợ chồng anh cũng như nhiều hộ nông
dân khác ở Cam Thành Bắc (Cam Lâm) ngày càng quen với các thiết bị sinh hoạt
bằng biogas như: đèn điện, thiết bị sưởi ấm heo con, bếp biogas… Theo anh Tài,
các thiết bị mới có giá không cao, vừa túi tiền nông dân, cụ thể như: đèn thắp
sáng giá 100.000 đồng/chiếc; thiết bị úm heo 230.000 đồng/chiếc… Việc sử dụng thiết
bị lại đơn giản, ai cũng có thể dùng được.
Dùng biogas đốt sưởi ấm cho chăn nuôi
Vài năm trở lại đây, trước “bão giá” của thị trường, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình đã mua sắm các thiết bị phát điện từ biogas, điển hình có Công ty Cổ phần Chăn nuôi Khánh Tân (Khatoco), Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao. Máy phát điện chạy bằng biogas bước đầu được đánh giá là tốt, vừa tiết kiệm được chi phí năng lượng, vừa bảo vệ môi trường, đặc biệt đối với các trang trại nuôi heo công nghiệp. Về phía nông dân, nhiều hộ cũng đã ý thức được việc sử dụng biogas trong đời sống. Theo ông Đinh Cường, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, Khánh Hòa ngày càng có nhiều đơn vị, hộ nông dân đầu tư xây dựng hầm chứa biogas.
Có hộ sản xuất biogas vượt quá nhu cầu còn “xuất” cho các hộ khác. Điển hình như một hộ ở Diên Lộc (Diên Khánh, Khánh Hòa) đã “xuất” biogas cho 2 hộ láng giềng để nấu ăn. Năm 2009, DAKSH do Hà Lan tài trợ khích lệ hộ có điều kiện tham gia. Tuy nhiên, mức hỗ trợ còn khiêm tốn. Đến nay, toàn tỉnh mới thực hiện được gần 200 công trình. Việc sử dụng biogas trên địa bàn tỉnh tương đối phổ biến. Hiện nay, có khoảng 800 hộ sử dụng bếp biogas, 100 trang trại sử dụng đèn úm, 200 hộ sử dụng đèn điện biogas, một số đơn vị có điều kiện mua sắm máy phát điện biogas…
Thời gian gần đây, thiết bị biogas ngày càng được sử dụng rộng rãi trong đời sống và sản xuất. Người ta ngày càng biết đến những sản phẩm đa dạng từ biogas. Theo ông Cường, mới đây Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Dịch vụ Minh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) đã đột phá trong việc ứng dụng các thiết bị sử dụng biogas trong đời sống.
Công ty đã phát minh ra công nghệ biogas ống bê tông, mang lại kết quả rất khả quan. Lượng gas sinh ra đạt 879 lít/ngày cho 1m3 hầm phân hủy; hầm có thể tích 4m3, công suất đạt 3.518 lít gas/ngày; các thiết bị lọc và làm sạch, không gây khói, mùi. Công nghệ lọc khí sử dụng theo 2 phương pháp: sủi bọt và hấp phụ. Nguyên tắc là hấp phụ khí H2S (một chất khí gây độc trong biogas, có mùi trứng thối, rất khó chịu), sử dụng nhiều màng lọc chứa dung môi, dung dịch hấp phụ hay axit để hấp phụ chất độc, bảo đảm an toàn cho việc đun nấu.
Ngoài ra, công ty còn có hàng loạt các thiết bị, sản phẩm đã đăng ký sáng chế độc quyền. Bếp biogas có: bếp âm, bếp hộp, bếp đôi, bếp khè, bếp công nghiệ: nồi cơm biogas tự động, dung tích các loại; máy nước nóng, bồn tắm sử dụng biogas; máy sấy, máy sưởi, lò nướng biogas; đèn KSH; đèn khò; máy nổ, máy phát điện chạy bằng biogas…
Không cần bàn cãi về lợi ích của KSH biogas. Có điều, việc sử dụng biogas trong đời sống, đặc biệt đối với nông dân trong tỉnh vẫn chưa nhiều. Một trong những nguyên nhân khiến nông dân chưa mặn mà đầu tư là thiếu vốn.
Tuy DAKSH của Hà Lan đã tài trợ một phần kinh phí nhưng mức đóng góp của người dân vẫn còn cao, trong khi thu nhập của nông dân còn khiêm tốn. Một hầm chứa 6m3 có giá trị đầu tư không dưới 10 triệu đồng. Vài năm trở lại đây, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm liên tục xảy ra khiến nông dân lao đao, thiếu nguồn phân bón để cung cấp cho các bể biogas. Đó cũng là nguyên nhân mà việc sử dụng phổ biến các thiết bị biogas phục vụ cuộc sống còn nhiều hạn chế.
Theo báo Khánh Hòa