Thứ sáu, 22/11/2024 | 12:14 GMT+7
Nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặc biệt quan tâm trong phiên chất vấn Bộ trưởng Công thương là vấn đề thiếu điện và giải pháp. Chiều 22/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải với nhiều năm gắn bó với ngành điện, từ cán bộ kỹ thuật (kỹ sư điện) đến quản lý (TGĐ Tổng Công ty Điện lực VN) đã đăng đàn trả lời chất vấn và làm rõ những điểm yếu của ngành điện cũng như giải pháp của Chính phủ.
Dự án điện: Thiếu vốn, chậm tiến độ...
Thiếu điện, cắt điện, đầu tư nguồn và truyền tải điện,... được các ĐBQH nêu ra trong suốt nhiệm kỳ XII. Tình hình có được cải thiện, tuy nhiên, tồn tại thì vẫn rất lớn nên ĐBQH tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ tại kỳ họp này, đặc biệt là vấn đề thiếu điện.
"Về vấn đề thiếu điện, tôi với tư cách là thành viên Chính phủ và Trưởng ban
chỉ đạo Nhà nước về quy hoạch Tổng sơ đồ điện 6, xin nhận trách nhiệm về tình
hình thiếu điện với QH, với cử tri" - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thẳng
thắn nhận trách nhiệm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải: Chính phủ trước hết tập trung tháo gỡ vướng mắc các công trình điện đang thi công
Ông Hoàng Trung Hải phân tích, nếu thực hiện đúng Tổng sơ đồ điện 6 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tăng 15-17% phụ tải điện/năm) thì đã không xảy ra tình trạng thiếu điện gay gắt. Tuy nhiên, Tổng sơ đồ điện 6 chưa đạt dẫn đến thiếu điện cho sản xuất và đời sống.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ rõ 5 nguyên nhân của vấn đề:
Thứ nhất, thiếu điện do thiếu vốn. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, do
tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, từ năm 2006 đến nay việc huy
động vốn cho các dự án điện rất khó khăn. Ngành điện đi vay với lãi suất cao
(có thời điểm lãi suất 18-19%/năm) cũng không đủ vốn để vay. Huy động vốn nước
ngoài gặp rất nhiều khó khăn.
Có những công trình đã đấu thầu xong, đã ký được hợp đồng nhưng không có vốn
để khởi công, Chính phủ phải điều hành các ngân hàng cho vay "nóng" để
có thể khởi công dự án ta mới có thể có dự án đảm bảo đúng tiến độ. Tuy vậy,
lượng vốn còn thiếu rất lớn, tính hết năm 2010, so với kế hoạch, việc thực hiện
Tổng sơ đồ điện 6 về nguồn điện có khả năng đạt khoảng 74% và về lưới điện
khoảng 61%.
"Chưa đạt được kế hoạch, quy hoạch đã đề ra, cho nên chúng ta cũng bị
thiếu điện" - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ.
Thứ hai, chậm tiến độ đầu tư ngành điện do vướng mắc giải phóng mặt bằng. Theo
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, phần lớn các công trình nguồn và lưới điện của
chúng ta đều vướng khâu giải phóng mặt bằng. Đích thân Thủ tướng, các Phó Thủ
tướng, các Bộ trưởng liên quan và lãnh đạo các địa phương tích cực chỉ đạo tháo
gỡ vấn đề chậm giải phóng mặt bằng cho các dự án điện. Nhưng vẫn có những công
trình vì giải phóng mặt bằng của chúng ta chậm đến 2 - 3 năm. Đây cũng là
một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến việc các công trình nguồn và
lưới điện của chúng ta bị chậm tiến độ.
Thứ ba, giá điện bình quân thấp hơn các nước trong khu vực dẫn đến khó thu hút
đầu tư. Vấn đề này đã được ngành điện nêu ra từ nhiều năm trước. Phó Thủ tướng
Hoàng Trung Hải cho hay, giá điện bình quân tại Việt Nam là 5,2 UScent/kWh
trong khi Thái Lan là 8,5 UScent, Singapore là 13,5 UScent,
Malaysia là 7,6 UScent và Indonesia là 8 UScent,...
Ông Hoàng Trung Hải đánh giá: "Chính sự không hấp dẫn của giá điện này nó làm
cho việc huy động vốn cho các công trình, đặc biệt là các công trình của tư
nhân, kể cả trong và ngoài nước kém hấp dẫn. Đây cũng là một trong những nguyên
nhân dẫn đến thiếu vốn đầu tư, nếu không tháo gỡ thì không có cách gì chúng ta
bảo đảm đủ điện cho các nhu cầu".
Thứ tư, năng lực của chủ đầu tư và nhà thầu chưa cao.
Thứ năm, ý thức tiết kiệm cũng như trình độ công nghệ của chúng ta khi sử dụng
điện còn rất lạc hậu. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá đây là "nguyên
nhân lớn" của tình trạng thiếu điện vẫn gay gắt trong khi đầu tư cho ngành
điện ở mức đột rất cao (khoảng 6 tỷ USD/năm).
Về ý thức tiết kiệm đã được đề cập nhiều lần, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đi
sâu phân tích vế "công nghệ lạc hậu" ảnh hưởng như thế nào? So với
các nước trong khu vực, để tạo ra 1 đơn vị tăng trưởng GDP ở VN sử dụng điện và
năng lượng cao hơn 20%.
"Những năm vừa qua tỷ lệ đàn hồi giữa GDP và về nhu cầu điện chúng ta
thường tăng gấp 2 lần. Trong khi các quốc gia khác khoảng 1,1, quốc gia khác cùng
trình độ phát triển của mình người ta cũng chỉ đến 1,6 - 1,7 thì chúng ta
là 2,1 lần. Chứng tỏ hiệu quả sử dụng điện của chúng ta chưa tốt và ý thức tiết
kiệm điện cũng chưa tốt. Rõ ràng trong điều kiện hiện nay nếu chúng ta không
tiết kiệm điện, không sử dụng điện một cách hiệu quả là chúng ta không đủ
điện"- Phó Thủ tướng cảnh báo.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết thêm, trong những năm tới, nguồn năng
lượng sơ cấp để sản xuất điện của VN được đánh giá là yếu. VN là một quốc
gia thiếu năng lượng và phải nhập khẩu năng lượng, thiếu điện và phải nhập khẩu
điện. "Chính vì vậy, việc sử dụng hiệu suất năng lượng cao và có hiệu quả
sử dụng tiết kiệm là một việc đặt ra hết sức cấp bách".
Năm 2011: Thiếu khoảng 1,4 tỷ kWh
Về giải pháp khắc phục tình trạng thiếu điện gay gắt, bên cạnh những vấn đề đã
được Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trình bày trước QH, Phó thủ tướng Hoàng
Trung Hải cho biết Chính phủ tập trung vào 6 nhóm giải pháp, từ việc tích cực
tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả, áp dụng
giá điện theo cơ chế thị trường đến việc tái cơ cấu
ngành điện...
Trong đó, theo ông Hoàng Trung Hải, Chính phủ trước hết tập trung
tháo gỡ vướng mắc các công trình điện đang thi công. Hiện có 35 dự án điện lớn
đang thi công và việc các dự án này chậm tiến độ ảnh hưởng rất lớn khả năng
cung cấp điện cho nền kinh tế.
Về dự báo năm 2011, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết sẽ thiếu khoảng 1,4
tỷ kWh. Đó mới chỉ xét các yếu tố khách quan như thời tiết (hạn hán dẫn tới
thiếu nước cho các nhà máy thủy điện). Ngay từ giữa năm 2010, Chính phủ đã chỉ
đạo các bộ, ngành và Tập đoàn Điện lực VN tìm giải pháp khắc phục thiếu điện.