Thứ hai, 07/10/2024 | 18:27 GMT+7

Sản xuất thép và xi măng sẽ được tổ chức lại

02/11/2010

Công nghiệp sản xuất thép xây dựng và xi măng thời gian qua đã có biểu hiện mất cân đối cung – cầu và cơ cấu sản phẩm. Các dự án thép và xi măng không theo quy hoạch cũng kéo theo thiếu hụt nguồn năng lượng (điện, than) vốn đang rất khan hiếm.

Tại phiên họp Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 1/11, hai Bộ trưởng GTVT và Xây dựng đã thông báo với đại biểu Quốc hội về một số giải pháp nhằm điều chỉnh lại quy hoạch và cân đối sản xuất hai ngành: thép và xi măng.

 

Theo đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến, đến nay, tổng công suất thép cả nước hơn 20 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu chỉ ở mức 11,5 triệu tấn. Ở một tỉnh miền Đông Nam Bộ có tới 18 dự án thép thì 9 dự án nằm ngoài quy hoạch, "ngang nhiên xài" tới trên 60% sản lượng điện cả tỉnh.

 

Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Công thương, ông Vũ Huy Hoàng cho biết: Bộ đã phối hợp với các ngành, địa phương rà soát lại ngành thép trên tinh thần chỉ triển khai những dự án thép nằm trong quy hoạch.

 

images545431_thep_01.jpg


Bộ Công thương sẽ yêu cầu thay đổi công nghệ, thiết bị, thậm chí đình chỉ, chấm dứt hoạt động đối với những dự án thép bị phát hiện nằm ngoài quy hoạch, không có hiệu quả và sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng.

 

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, hiện nay nước ta đang thiếu phôi thép chứ không thiếu thép sản phẩm. Do vậy, Bộ Công thương sẽ tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp các ngành, các địa phương để đảm bảo quy hoạch thép hướng tập trung vào các dự án sản xuất phôi thép, hạn chế các dự án sản xuất thép sản phẩm.

 

Giải trình trước Quốc hội về quy hoạch ngành xi măng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Hồng Quân thừa nhận, nguồn cung của các dự án xi măng trong nước đang cao và vượt cầu. Mỗi năm, thị trường xi măng tăng trưởng khoảng 11%. Hiện Chính phủ đang chỉ đạo theo hướng giảm nhập khẩu clinke (năm 2009 nhập 3,5 triệu tấn, năm 2010 nhập khoảng 1,7 triệu tấn). 

 

Bộ Xây dựng đang đề xuất các biện pháp để báo cáo Chính phủ, trong đó có việc tăng cường tiêu thụ xi măng hơn nữa bằng việc đưa xi măng vào các công trình giao thông, thuỷ lợi, kênh mương nội đồng, đường giao thông nông thôn… kể cả đường quốc lộ.


Ông Quân coi đây là một trong các giải pháp chủ yếu giải quyết mâu thuẫn “cung lớn hơn cầu” của ngành xi măng trong tương lai khoảng 2 - 5 triệu tấn xi măng.

 

Ngoài ra, theo ông Quân, Bộ cũng đã trình và được Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển các loại vật liệu không nung thay thế cho vật liệu sản xuất từ đất sét nung nhằm giải quyết vấn đề tiêu thụ xi măng, bên cạnh đó cũng giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề năng lượng và đất đai do sản xuất các vật liệu gạch, ngói từ đất sét nung gây ra.


Bên cạnh đó, trên cơ sở tính toán các giải pháp, Bộ Xây dựng đang phối hợp với Hiệp hội Xi măng nhằm đẩy mạnh việc xuất khẩu clinke.

 

Theo KHĐS