Chủ nhật, 24/11/2024 | 14:05 GMT+7

Ngành dệt may nhân rộng mô hình tiết kiệm năng lượng

15/10/2024
0:00
0:00

Với tiềm năng tiết kiệm khoảng 20% năng lượng tiêu thụ, các doanh nghiệp dệt may đang chú trọng áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Tiết kiệm năng lượng để tăng sức cạnh tranh

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), ngành dệt may đã chi khoảng 3 tỷ USD mỗi năm cho tiêu thụ năng lượng. Thống kê cho thấy, dệt may chiếm khoảng 8% nhu cầu năng lượng của toàn bộ ngành công nghiệp và phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2 mỗi năm.
Ông Hoàng Văn Tâm, Trưởng nhóm Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho rằng, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường đang là một trong những thách thức lớn trong việc thâm nhập thị trường của ngành dệt may. Trong quá trình hội nhập khi các hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ thì các hàng rào phi thuế quan - các rào cản thương mại cho ngành dệt may xuất hiện ngày càng rõ nét. 
Doanh nghiệp dệt may phải nỗ lực giảm phát thải từ hoạt động sản xuất.
Sử dụng năng lượng hiệu quả và năng lượng tái tạo để giảm phát thải khí nhà kính đang được coi là cơ hội và thách thức lớn của ngành dệt may Việt Nam khi hiện nay, một số thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu đang có quy định về dán nhãn carbon. Trong đó, yêu cầu các nhà nhập khẩu phải đáp ứng yêu cầu về mức độ phát thải carbon trên dây chuyền công nghệ sản xuất ra sản phẩm.
Do đó, doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may phải hướng đến đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm khi xuất khẩu.
Ngành dệt may là một trong những ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam, giải quyết việc làm cho khoảng 3 triệu lao động và đang có đà tăng trưởng tốt, với kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt mức 40,3 tỷ USD và kỳ vọng sẽ hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD năm 2024.

TS. Lê Xuân Thịnh, Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) cho biết: Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã có những đổi mới để bắt kịp xu hướng dệt may thế giới. Bên cạnh việc nâng cao năng lực sản xuất, tự chủ nguồn nguyên liệu, doanh nghiệp đã chuyển đổi công nghệ để tiết kiệm năng lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn của sản xuất và tiêu dùng bền vững. Mặc dù vậy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của ngành Dệt may còn nhiều, khoảng 20%. Con số này đòi hỏi các doanh nghiệp phải tiếp tục thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng để giảm chi phí đầu vào, gia tăng các lợi thế cạnh tranh.

Doanh nghiệp chủ động tiết kiệm năng lượng

Công ty TNHH Sợi dệt Hương Sen Comfor (Cụm công nghiệp Đông Hải, Quỳnh Phụ, Thái Bình) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh sợi dệt cao cấp với tổng công suất 73 ngàn cọc sợi, phục vụ nhu cầu nội địa và quốc tế. Bên cạnh các hoạt động phát triển sản phẩm, Công ty luôn quan tâm đến các giải pháp tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh. 
Anh Trần Hữu Vững, Trưởng bộ phận Điện điều không của Công ty TNHH Hương Sen Comfor cho biết: Để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Công ty đã đầu tư sử dụng dây chuyền sản xuất tiên tiến, hiện đại, tự động hóa cao thuộc top đầu trong ngành sợi dệt như: Dây cung bông chải, Máy ghép và máy con của hãng Rieter (Thuỵ Sĩ); Máy thô của Electrojet (Tây Ban Nha); Máy ống của Savio (Italya)...
"Với chi phí đầu tư dây chuyền công nghệ ban đầu rất cao nhưng trong giai đoạn vận hành, công ty đã thấy được ưu điểm tiết kiệm điện rõ rệt. Cụ thể, công ty đã đầu tư hệ thống giám sát năng lượng. Tất cả báo cáo về thông số điện năng sử dụng hàng ngày đều được cập nhật theo thời gian thực và xuất ra dưới dạng báo cáo để gửi về bên thống kê. Thông qua số liệu từ hệ thống giám sát năng lượng này cho thấy các dây chuyền công nghệ của Công ty tiêu hao ít điện năng", anh Vững thông tin thêm.
 Công ty TNHH Hương Sen Comfor đầu tư dây chuyền sản xuất tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm năng lượng.
Để giảm sử dụng điện lưới quốc gia, Công ty đã đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái với công suất 2,2 MWp, cung ứng một phần điện cho nhà máy số 1 và nhà máy số 2. Hệ thống điện mặt trời áp mái này vào khung giờ công suất cực đại có thể đáp ứng đủ lượng điện cho hoạt động sản xuất của nhà máy số 1 với công suất trung bình khoảng 10.000 kWh/ngày. 
Giải pháp tiết kiệm điện cho hệ thống chiếu sáng đã được tiến hành bằng việc tại khu vực nhà xưởng sử dụng hệ thống đèn Led hiệu suất cao và được phân tách trong từng công đoạn để có thể tắt bớt khi nhu cầu sử dụng giảm. Đặc biệt, toàn bộ khối văn phòng, nhà xưởng đều được thiết kế hệ thống vách kính để tận dụng ánh sáng tự nhiên.
Hệ thống đèn Led hiệu suất cao trong chiếu sáng nhà xưởng tại Sợi dệt Hương Sen Comfor.
Hay tại Công ty TNHH Thời Trang Star là thành viên của Tập đoàn Crystal international, luôn chú trọng tiết kiệm năng lượng song hành với phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, thu nhập cho người lao động.
Bà Đỗ Thị Ngọc Bích, Giám đốc hành chính nhân sự và phát triển bền vững Công ty TNHH Thời Trang Star cho biết: "Việc tiết kiệm điện không chỉ là chiến lược phát triển bền vững của Tập đoàn Crystal mà còn là chiến lược phát triển bền vững của Công ty. Hiện Công ty TNHH Thời Trang Star cùng với Tập đoàn Crystal đã đặt ra mục tiêu giảm phát thải tuyệt đối 35% đến 2030 và đạt mục tiêu phát thải thuần bằng 0 vào năm 2050. Hàng năm công ty luôn dành ra ngân sách cho các hoạt động tiết kiệm điện. Năm 2024 Công ty đã xây dựng ngân sách là 1 tỷ đồng cho các hoạt động tiết kiệm điện".
Bà Bích cho biết, để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả công ty đã lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời tại Phân xưởng 1 và 3 giúp tiết kiệm được 4,14 tỷ/năm, giảm phát thải 1.083 tấn CO2/năm.
Điện mặt trời áp mái được lắp đặt tại phân xưởng 1 và 3 Công ty TNHH Thời Trang Star.
Ngoài ra, Công ty lắp đặt biến tần điều khiển cho các máy nén khí có công suất lớn giúp các máy nén khí hoạt động có độ tin cậy và giảm thiểu chi phí sử dụng năng lượng, phù hợp với nhu cầu của từng khu vực sản xuất; Lắp đặt máy sấy khí và ống dẫn khí của máy sấy để giảm nhiệt độ không khí vào và giảm tổn thất năng lượng; Lắp đặt hệ thống điều hòa không khí trung tâm thay thế cho hệ thống điều hòa không khí cục bộ, giúp đảm bảo được điều hòa không khí cho toàn bộ các khu vực yêu cầu với mức tiêu thụ năng lượng được cắt giảm; Thay 400 động cơ bình thường của máy may thành động cơ servo tiết kiệm điện; Thay thế đèn huỳnh quang cũ sang đèn led tiết kiệm năng lượng, lắp đặt các cảm biến cho đèn ở các khu vực công cộng như nhà vệ sinh, cầu thang…
Bên cạnh các giải pháp về đầu tư chi phí công ty còn thực hiện rất nhiều các giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động như: treo các poster tiết kiệm điện ở tất cả các khu vực trong nhà máy, đào tạo hàng năm cho người lao động về ý thức tiết kiệm điện, đội bảo trì đi tuần tra hàng ngày để tìm ra các điểm rò rỉ và kịp thời khắc phục.
Công ty TNHH Thời Trang Star đầu tư máy may sử dụng cơ servo giúp tiết kiệm điện.

Tôn vinh doanh nghiệp đi đầu thực hiện tiết kiệm năng lượng

Một trong các biện pháp để doanh nghiệp giữ được chi phí sản xuất thấp và tồn tại được trong môi trường cạnh tranh toàn cầu là áp dụng các biện pháp quản lý hiệu quả và thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong toàn bộ dây chuyền sản xuất kinh doanh. Các giải pháp tiết kiệm năng lượng được áp dụng tại các cơ sở sử dụng năng lượng trong thời gian vừa qua đã có hiệu quả rất lớn, giúp giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Mới đây, trong khuôn khổ chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP3), Bộ Công Thương phối hợp với Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) phát động Giải thưởng Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp năm 2024
Giải thưởng nhằm ghi nhận, tôn vinh các mô hình, giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tiêu biểu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, qua đó tạo hiệu ứng về mặt xã hội, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong giai đoạn công nghiệp hóa đất nước. 
Thời gian nhận hồ sơ tham gia giải thưởng đến hết ngày 30/11/2024. Thông tin chi tiết hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ tham gia giải thưởng vui lòng xem tại đây.
Giải thưởng Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp được Bộ Công Thương phối hợp Hội VECEA tổ chức lần đầu tiên năm 2017. Tính đến nay, giải thưởng đã thu hút sự tham gia của gần 200 doanh nghiệp với 1.080 giải pháp tiết kiệm năng lượng. 93 cá nhân cũng đã được Bộ Công Thương và Hội VECEA vinh danh.
Mai Anh