Thứ sáu, 22/11/2024 | 04:56 GMT+7

Doanh nghiệp Hà Nội chủ động thực hiện tiết kiệm năng lượng

06/10/2024

Hiện nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội đã chủ động thực hiện các giải pháp nhằm tiết kiệm năng lượng, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, tăng năng lực cạnh tranh.

Chủ động thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng

Với nhà máy dệt may rộng tới 10.000 m2, riêng máy dệt kim đã có tới 360 máy, lượng điện tiêu thụ tại Công ty cổ phần Dệt may Supertex (Cụm công nghiệp Thanh Oai, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai) rất lớn.
Ông Lê Đại Quảng, Phó Tổng Giám đốc công ty cổ phần Dệt may Supertex cho biết: "Chúng tôi đã triển khai các giải pháp như sử dụng thiết bị biến tần, công nghệ inverter, năng lượng áp mái và không sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch (thay bằng củi)... giúp tiết kiệm năng lượng, hạn chế phát thải. So với thời điểm trước khi áp dụng các giải pháp này thì dù công suất sản xuất tăng lên, nhưng lượng điện năng tiêu thụ chỉ bằng hoặc thấp hơn".

Các hoạt động giới thiệu, tư vấn công nghệ, giải pháp tiết kiệm năng lượng được Hà Nội triển khai thông qua các triển lãm, hội thảo, hội nghị đã mang lại hiệu quả tích cực
Không chỉ riêng Công ty cổ phần Dệt may Supertex, tại Hà Nội việc sử dụng năng lượng xanh, sạch, tiết kiệm, bảo vệ môi trường đã được các nhà máy, công xưởng, tòa nhà, văn phòng... trên địa bàn Hà Nội quan tâm, chú trọng. Đơn cử như: Công ty TNHH Terumo Việt Nam, Công ty TNHH Hanwha Aero Engines, Công ty TNHH MOLEX Việt Nam, tòa nhà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), dự án LOTTE MALL West Lake Hanoi... đã sử dụng mô hình pin năng lượng mặt trời. Các tòa cao ốc Vietcombank, tòa nhà Indochina Plaza Hà Nội, Trung tâm thương mại Aeonmall Hà Đông, khách sạn Metropole Hà Nội... đã sử dụng phần mềm BMS giám sát, điều khiển tự động hệ thống điện, điều hòa không khí, chiếu sáng, bơm, quạt...
Một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần Sản xuất Havitech, Chi nhánh số 2 - Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam, Công ty TNHH URC Hà Nội, Công ty TNHH Sakura Hongming Việt Nam, Công ty cổ phần Tôn mạ Vnsteel Thăng Long... đã lắp biến tần điều khiển cho các động cơ dây chuyền sản xuất, bơm, quạt, máy nén khí... Đến nay, theo đánh giá sơ bộ, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã tiết kiệm được 134,9 kTOE, đạt 1,67% mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu.
Giám đốc dự án IoTeamVN (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Hoàng Minh đánh giá, các doanh nghiệp ngày càng có xu hướng quan tâm đến các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, nhất là sau những giai đoạn nắng nóng cao điểm, nhiều khu vực ở miền bắc bị thiếu điện cục bộ, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, vận hành tòa nhà. "Trước đây, chúng tôi phải đi chào mời các giải pháp tiết kiệm năng lượng mà doanh nghiệp vẫn hờ hững, khoảng một năm nay, các đơn vị đã tích cực, chủ động tìm đến và chịu bỏ chi phí đầu tư cho các giải pháp này".
Giải pháp mà IoTeamVN đang triển khai là bộ đo điện sinh thái gồm hệ thống đo đếm có kết nối internet và phần mềm quản lý năng lượng trực tuyến, có thể đo điện năng tiêu thụ của từng thiết bị chiếu sáng, điều hòa không khí, thiết bị sản xuất... ngay tại thời điểm sử dụng. Qua giám sát sẽ giúp phân tích, xây dựng các mô hình trực quan và kế hoạch tiết kiệm năng lượng cụ thể, phù hợp, giúp tiết kiệm từ 3-5% lượng điện tiêu thụ và thu hồi vốn trong khoảng 20 tháng.

Tiết kiệm năng lượng giúp giảm chi phí sản xuất kinh doanh

Sáu năm qua, thành phố Hà Nội đã triển khai chương trình đánh giá, công nhận danh hiệu Cơ sở sử dụng năng lượng xanh cho các cơ sở trên địa bàn, nhất là các cơ sở sử dụng năng lượng trong sản xuất công nghiệp và công trình xây dựng. Các cơ sở này được hỗ trợ đánh giá hiệu quả năng lượng bằng công cụ mô phỏng, hỗ trợ tính toán năng lượng, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng.
Sáu năm qua, thông qua Chương trình Năng lượng xanh, nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội đã thay đổi nhận thức, chủ động thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Ngoài ra, các đơn vị còn được đánh giá ứng dụng đổi mới trang, thiết bị, kỹ thuật có mức tự động hóa cao theo hướng công nghệ công nghiệp thế hệ 4.0.
Năm 2023, chương trình đã có 66 đơn vị đủ điều kiện để công nhận; trong đó, có 19 cơ sở, công trình xây dựng sử dụng năng lượng trọng điểm đã triển khai thực hiện 140 giải pháp, tiết kiệm được 9.530 TOE, tương đương tiết kiệm 106,7 tỷ đồng trong vòng đời dự án ba năm. Kế hoạch sử dụng năng lượng hiệu quả trong 5 năm tới, 19 cơ sở này sẽ tiết kiệm 15.860 TOE, tương đương với 178,9 tỷ đồng.
Theo Phó Giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Supertex Lê Đại Quảng, một số giải pháp tiết kiệm năng lượng có thể đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu khá cao, như việc lắp đặt năng lượng áp mái, nhưng các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu vẫn chú trọng. Bởi hiện nay, nhiều thị trường xuất khẩu lớn có những tiêu chuẩn, tiêu chí bắt buộc về sản xuất sạch, giảm lượng phát thải, sử dụng nguồn năng lượng sạch... Việc thành phố Hà Nội, Sở Công Thương và các đơn vị triển khai chương trình đánh giá, công nhận các cơ sở sử dụng năng lượng xanh đã giúp doanh nghiệp tiếp cận những giải pháp mới, hiệu quả, đáp ứng thị trường xuất khẩu.
Theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc giảm chi phí sản xuất, kinh doanh.
Sở Công Thương đã phối hợp các sở, ngành và các quận, huyện, thị xã thực hiện hỗ trợ kỹ thuật các cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng chỉ số hiệu quả năng lượng, ứng dụng các trang thiết bị có hiệu suất cao, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng trong quản lý, vận hành.
Việc công nhận các cơ sở sử dụng năng lượng xanh không chỉ tôn vinh các cơ sở, doanh nghiệp làm tốt mà còn góp phần nhân rộng các giải pháp tiết kiệm năng lượng tiêu biểu để các cơ sở có mô hình tương tự áp dụng. Qua đó, thúc đẩy công tác quản lý, sử dụng năng lượng hiệu quả, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng của thành phố.
Theo: Báo Công Thương