Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nghệ An (Hoa Sen Nghệ An) là một thành viên của Tập đoàn Hoa Sen. Đi vào hoạt động từ năm 2016, nhà máy chuyên sản xuất tôn cuốn mạ kẽm và tôn cuốn mạ màu với công suất 1 triệu tấn/năm.
Với dây chuyền công nghệ mạ tiên tiến nhất hiện nay tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, Hoa Sen Nghệ An cho ra đời những sản phẩm tôn có tính thẩm mỹ cao, chất lượng vượt trội, đáp ứng tiêu chuẩn ASTM A792 của Hoa Kỳ, AS 1397 của Úc, JIS G 3321 của Nhật Bản, EN10346 của châu Âu và những bộ tiêu chuẩn khắt khe tại các thị trường xuất khẩu khó tính khác.
Sản phẩm tôn sau công đoạn cán mỏng tại Nhà máy Hoa Sen Nghệ An. Ảnh: Phương Loan
Trong quá trình sản xuất, Hoa Sen Nghệ An phải sử dụng một lượng lớn điện, khí LPG, dầu DO... Do đó, việc áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong nhiều công đoạn sản xuất luôn là ưu tiên số 1 của công ty.
Ông Hoàng Ngọc Quân – Phó Giám đốc Kỹ thuật Hoa Sen Nghệ An cho biết: “Hoa Sen Nghệ An xác định quản lý năng lượng và tiết kiệm điện là vấn đề then chốt để giảm chi phí giá thành, tăng cạnh tranh. Từ ý thức đó, ban lãnh đạo công ty đã ban hành nhiều quy định như: Định mức sử dụng điện cho các dây chuyền, quy định bật/tắt các thiết bị phụ trợ (hệ thống chiếu sáng), quy định nhiệt độ các nhà điện và quy định cài đặt thông số của hệ thống áp suất máy nén khí.”
Hoa Sen Nghệ An sở hữu dây chuyền công nghệ mạ tiên tiến nhất hiện nay tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Phương Loan
Chia sẻ về các giải pháp tiết kiệm năng lượng tiêu biểu đã được Hoa Sen Nghệ An thực hiện, anh Nguyễn Duy Trọng – Quyền trưởng phòng kỹ thuật Điện của Công ty cho biết, những năm qua đội ngũ kỹ thuật của Công ty đã đầu tư nghiên cứu và đưa ra những giải pháp, áp dụng công nghệ mới nhằm tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, chi phí sử dụng năng lượng điện năm 2023 của Hoa Sen Nghệ An là hơn 280 tỷ đồng, trong đó công đoạn mạ chiếm khoảng 60-70% tổng năng lượng điện toàn nhà máy. Để giảm lượng điện, nhà máy đã tối ưu hóa quá trình sản xuất bằng cách siết chặt quy định nhiệt độ gia nhiệt của công đoạn mạ.
Đặc biệt, tại hệ thống quạt, trước kia chạy 100% tải gây tiêu tốn nhiều điện năng thì nay đã lắp đặt biến tần để điều khiển tự động tốc độ quạt và mortor chổi quét phù hợp với quá trình sản xuất. Giải pháp này giúp công ty tiết kiệm được 800.352 kWh/năm, tương đương hơn 1,360 tỷ đồng/năm.
Tại khu vực trạm bơm để làm mát tôn và các thiết bị, công ty đã lắp đặt PLC, HMI và viết chương trình điều khiển tự động quạt giải nhiệt theo nhiệt độ cài đặt giúp tiết kiệm điện năng, giảm thiểu hư hỏng thiết bị, ổn định nhiệt độ giải nhiệt. Giải pháp này giúp công ty tiết kiệm được 661.859 kWh/năm, tương đương gần 1,1 tỷ đồng/năm.
Hệ thống SCADA giám sát của dây chuyền. Ảnh: Phương Loan
Bên cạnh các giải pháp về đầu tư chi phí công ty còn thực hiện rất nhiều các giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động như: Ban hành các văn bản, quy định việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho nhân viên; tổ chức đào tạo, tập huấn và cử cán bộ quản lý năng lượng tham gia các buổi hội thảo chuyên đề tiết kiệm nănglượng, đội bảo trì đi tuần tra hàng ngày để tìm ra các điểm rò rỉ và kịp thời khắc phục...
Chia sẻ về hoạt động nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong thời gian tới, ông Hoàng Ngọc Quân cho biết: "Tháng 5/2024, Công ty đã thực hiện kiểm toán năng lượng do Bộ Công Thương phối hợp với cơ quan năng lượng Hàn Quốc tổ chức thực hiện. Sau khi được kiểm toán năng lượng, Hoa Sen Nghệ An mong muốn sẽ năm được rõ hơn về tình hình sử dụng cũng như tiêu thụ năng lượng trong hoạt động sản xuất của công ty. Dựa trên kết quả kiểm toán và đánh giá của các chuyên gia giúp Công ty tìm ra được các giải pháp tối ưu nhất để tiếp tục triển khai tiết kiệm năng lượng trong thời gian tới”.
Anh Nguyễn Duy Trọng (phải) chia sẻ về công nghệ trong quá trình kiểm toán năng lượng tại nhà máy. Ảnh: Phương Loan
Tiết kiệm năng lượng đã, đang thực sự đem lại hiệu quả lâu dài cho các doanh nghiệp ngành thép. Việc quản lý và đổi mới công nghệ tiết kiệm năng lượng là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp trong ngành tiết giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, ngành công nghiệp hiện chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 30-35%. Vì thế, việc các doanh nghiệp sản xuất tăng cường triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm chi phí vận hành, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. |
Mai Anh