Thứ sáu, 01/11/2024 | 19:21 GMT+7

Doanh nghiệp Hà Nội: Tiết kiệm điện là ưu tiên hàng đầu

27/10/2023

Dự báo, mùa nắng nóng năm 2024, nguy cơ thiếu điện vẫn hiện hữu, tiết kiệm điện đã trở thành nhiệm vụ và giải pháp cấp bách đối với các doanh nghiệp Hà Nội.

Giảm 40% tiền điện nhờ thực hành tiết kiệm
Hàng tháng, Công ty Cổ phần Thiết bị điện MBT tại Đan Phượng (Hà Nội) phải chi trả từ 200 - 300 triệu đồng tiền điện phục vụ sản xuất hàng hóa cho các đơn hàng xuất khẩu. Để không bị động và giảm chi phí sản xuất, kinh doanh do phải dùng máy phát điện, công ty đã chủ động lên kế hoạch tiết kiệm điện và ứng phó với nguy cơ cắt điện do thiếu điện trong mùa nắng nóng năm 2024.
Đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Miza làm việc với EVN Hanoi cam kết thực hiện Chương trình Điều chỉnh phụ tải điện. Ảnh: EVNHANOI
Ông Trần Văn Nam - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MBT - cho hay, mùa nắng nóng năm 2023, cao điểm là tháng 5 - 6, tình trạng cắt điện đã diễn ra thường xuyên và chỉ báo trước 2 tiếng. Vì vậy, doanh nghiệp phải chuyển sang làm giờ đêm để kịp giao hàng cho đối tác, đồng thời giảm chi phí năng lượng, do đây là thời gian thấp điểm nên giá điện cũng thấp hơn. Tuy nhiên, lúc cao điểm, doanh nghiệp phải chạy thêm máy phát cho một số công đoạn quan trọng, không thể dừng nghỉ. Đây cũng là sáng kiến được vận dụng lâu dài, tạo giá trị và tiết kiệm chi phí, đem đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Thông qua việc điều chỉnh thời gian sản xuất từ giờ cao điểm sang thấp điểm cũng như hình thành thói quen tiết kiệm điện của nhân viên, chi phí tiền điện của công ty giảm 40% so với thời gian trước khi tham gia.
Trước dự báo nguồn cung năng lượng năm 2024 vẫn còn gặp nhiều khó khăn do tình hình thời tiết diễn biến bất thường, lượng nước về các hồ thủy điện thấp, ông Trần Văn Nam chia sẻ: Doanh nghiệp đã thường xuyên họp bàn để lên kế hoạch cho các phương án tiết kiệm điện trong thời gian tới, đặc biệt mùa nắng nóng năm 2024.
Doanh nghiệp hưởng ứng
Đồng hành cùng ngành điện và Bộ Công Thương trong việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, có thể kể đến Công ty Cổ phần Miza - doanh nghiệp sản xuất giấy có cơ sở tại Cụm công nghiệp Nguyên Khê (xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội). Cơ sở sản xuất của Miza có diện tích trên 16.000 m2, hiện đang sử dụng điện thông qua 5 máy biến áp với tổng công suất 7.400 kVA, lượng điện bình quân sử dụng mỗi năm hơn 20 triệu kWh.
Bà Hoàng Thị Thu Giang - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Miza - cho biết: Nhận thức rõ tầm quan trọng của năng lượng, chúng tôi luôn xây dựng mục tiêu sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Trước sự phát triển của xã hội, biến đổi của khí hậu, mọi nguồn năng lượng đều thiếu hụt so với nhu cầu sử dụng, trong đó có năng lượng điện. Chính vì vậy, chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng ngành điện để sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Theo bà Giang, năm 2022, bằng nhiều hình thức như văn bản, trao đổi trực tiếp, Công ty Điện lực Đông Anh đã giới thiệu cho đơn vị về Chương trình Điều chỉnh phụ tải điện (DR). Chương trình có ý nghĩa rất lớn nên khi được vận động tham gia, công ty hoàn toàn ủng hộ và nhất trí. Đây là chương trình rất hiệu quả và phù hợp để các doanh nghiệp đều có thể sử dụng điện được ổn định qua sự điều tiết chung của Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội. Trong hơn 1 năm tham gia DR, công ty đã có kế hoạch tiết giảm công suất phụ tải vào những giờ cao điểm khi có yêu cầu. Đồng thời, ưu tiên bố trí sản xuất ở giờ thấp điểm nhằm tận dụng được khung giờ có giá điện thấp. Bên cạnh đó, công ty cũng đã thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm điện như: Lắp thiết bị biến tần cho các động cơ lớn; sử dụng đèn LED trong chiếu sáng... Qua đó, giảm chi phí tiền điện 20 - 30% so với trước đây. “Tôi mong muốn, nội dung điều chỉnh phụ tải sẽ tiếp tục được Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội triển khai hiệu quả hơn nữa vì mục đích chung ổn định nguồn cung cấp điện. Chúng tôi cũng đề nghị ngành điện thông báo chính xác kế hoạch điều chỉnh phụ tải nếu có, thời gian thực hiện cụ thể, ít nhất trước 5 ngày làm việc, để doanh nghiệp chủ động bố trí sản xuất” - bà Giang chia sẻ.
Trong điều kiện báo động về thiếu hụt năng lượng, sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp trong tiết kiệm điện lại mạnh mẽ và có ý nghĩa hơn. Từng người dân, hộ gia đình cùng hưởng ứng tiết kiệm, tự ý thức giảm các thiết bị điện khi không cần thiết. Doanh nghiệp tính toán thời gian làm việc, cùng với ngành điện thực hiện điều chỉnh thời gian sản xuất để giảm áp lực cung ứng điện...
Trước tình trạng thiếu điện, các doanh nghiệp Hà Nội đã thể hiện sự cam kết, đồng hành với ngành điện, Bộ Công Thương cũng như Chỉ thị số 20 của Chính phủ về tiết kiệm điện. Thông qua Chương trình DR, doanh nghiệp có thể chủ động điều chỉnh các phụ tải sử dụng điện, thực hiện tiết giảm đối với phụ tải nhỏ lẻ không ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất của đơn vị. Việc này được chủ động nghiên cứu nhằm tối ưu hóa dây chuyền sản xuất, đảm bảo bù lại thời gian gián đoạn.
Theo: Báo Công Thương