Để tiết kiệm chi phí về năng lượng điện trong sản xuất, đã có rất nhiều công ty, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đức Cơ (Gia Lai) thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Đó là đầu tư thay đổi công nghệ sản xuất, loại bỏ các thiết bị lạc hậu vận hành không hiệu quả, thay đổi công tác quản lý, bố trí lại thời gian vận hành nhà máy...
Hệ thống cấp nhiệt bằng hơi nước bão hòa để sấy mũ cốm tại Cty TNHH MTV 74.
Trong số các đơn vị đó, có thể kể đến Công ty TNHH MTV 74. Đây là Công ty có nhà máy chuyên xử lý sơ chế mủ cao su thô, vì vậy trong hầu hết các dây chuyền chế biến đều sử dụng điện, trung bình mỗi tháng doanh nghiệp này phải dành khoản 0,5 tỷ đồng để chi trả tiền điện. Để tiết giảm chi phí, Công ty TNHH MTV 74 đã chủ động thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện như thay thế các thiết bị lạc hậu, thay thế dần các động cơ phù hợp với công suất, lắp đặt các bóng đèn chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, sử dụng các tấm tôn sáng để lấy ánh sáng tự nhiên cho nhà máy.
Mới đây Công ty đã đưa vào sử dụng hệ thống cấp nhiệt bằng hơi nước bão hòa để sấy mũ cốm. "Với những thay đổi về công nghệ và điều chỉnh phương thức sản xuất như thế này, trong thời gian đến chắc chắc chi phí về điện trong sản xuất của chúng tôi sẽ giảm đi nhiều", ông Nguyễn Huy Linh, Phó quản đốc Nhà máy chế biến mủ cao su Công ty 74 cho biết.
Nhiều doanh nghiệp tăng cường sử dụng ánh sáng tự nhiên để hạn chế đèn chiếu sáng trong nhà máy, từ đó tiết kiệm điện trong sản xuất.
Tùy theo đặc thù sản xuất của mỗi doanh nghiệp trên địa bàn huyện mà Điện lực Đức Cơ tư vấn sử dụng điện cho phù hợp với thực tế. Tại Công ty TNHH Một thành viên Mười Bảy Tháng Năm, với hoạt động chính là khai thác đá, xay đá, trộn bê tông nhựa đường… trung bình mỗi tháng Công ty này tiêu thụ khoảng 80.000 - 100.000 kWh điện. Để sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm điện, ngay từ khi xây dựng nhà máy, Điện lực Đức Cơ đã tư vấn cho doanh nghiệp này chia nhỏ hệ thống sử dụng điện từ trạm biến áp tổng đến các máy khai thác, mỗi công đoạn sản xuất có thời điểm sử dụng điện khác nhau, khu vực nào chưa sử dụng điện có thể chủ động cắt giảm tối đa điện năng sử dụng mà không bị ảnh hưởng tới dây chuyền sản xuất. Ngoài ra, hệ thống đèn chiếu sáng, làm mát đều được tư vấn sử dụng bằng các thiết bị tiết kiệm.
"Điện lực thường xuyên tuyên truyền đến khách hàng sử dụng điện, nhất là khách hàng doanh nghiệp trên địa bàn cùng chung tay sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, chủ động giảm sản lượng tiêu thụ điện trong giờ cao điểm, mùa cao điểm. Mỗi lần tuyên truyền đều nhận được sự đồng thuận và chia sẻ của các khách hàng với Điện lực. Hằng năm, Điện lực thường xuyên gặp gỡ khách hàng để nắm bắt nhu cầu sản xuất, từ đó dự báo nhu cầu phụ tải để lên kế hoạch cung cấp điện cũng như tiết kiệm điện cho khách hàng và ngành điện", ông Nguyễn Thanh Liễu, Phó Giám đốc Điện lực Đức Cơ cho biết thêm.
Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cũng là một trong những doanh nghiệp lớn có lượng điện tiêu thụ trung bình khá cao. Ông Trịnh Ngọc Ánh – Phó Giám đốc Công ty cho hay: "Ngày 9/9/2019, Công ty cổ phần Xuất khẩu Đồng Giao tổ chức Lễ khánh thành Trung tâm chế biến rau quả Doveco Gia Lai tại huyện Mang Yang, Gia Lai. Nhà máy có công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm. Đây là tổ hợp nhà máy chế biến nông sản hiện đại với 3 dây chuyền sản xuất tự động hóa gồm: Dây chuyền sản xuất nước quả cô đặc và nước quả tự nhiên, công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm; dây chuyền sản xuất rau quả đông lạnh, công suất 22.000 tấn sản phẩm/năm; dây chuyền sản xuất rau quả đồ hộp, công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm".
Theo ông Ánh, với ngành nghề kinh doanh là chế biến nông sản, hàng năm Công ty phải thanh toán số tiền điện trên 15 tỷ đồng, kèm theo đó là hệ thống mô tơ điện công suất lớn, hệ thống đèn chiếu sáng, đèn bảo vệ bố trí khắp các nhà máy phân xưởng…
Công nhân Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao vận hành hệ thống hơi.
"Chính vì vậy, Công ty chúng tôi luôn cho rằng đầu tư, thay thế các thiết bị tiết kiệm điện là một sự đầu tư không có rủi ro và sinh lợi ngay tại chỗ. Là doanh nghiệp nên việc tìm mọi giải pháp để giảm thiểu chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm làm ra là yêu cầu tất yếu nhằm tăng doanh thu và tăng lợi nhuận. Nhờ đó, hàng tháng Công ty chúng tôi tiết kiệm được khoảng 5.000-7.000 kWh, đây cũng là chi phí tiết kiệm không hề nhỏ"- ông Trịnh Ngọc Ánh cho biết thêm.
Bên cạnh ý thức của người dân và doanh nghiệp, sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương đã từng bước đưa công tác "Tiết kiệm điện thành thói quen" mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra. Mục đích nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp trên cả nước cùng hành động để tạo ra những phản xạ tức thì mỗi khi sử dụng điện.
Đặc biệt, Công ty Điện lực Gia Lai (PC Gia Lai) đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về tiết kiệm điện. Đó là thường xuyên tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ công nhân viên trong Công ty về chủ trương, nội dung tiết kiệm điện của Ngành, nhắc nhở việc thực hiện quy định sử dụng điện tiết kiệm trong cơ quan Công ty và các đơn vị trực thuộc, trong đó yêu cầu tiết kiệm ít nhất 10% sản lượng điện tiêu thụ so với cùng kỳ năm trước. Công ty cũng phối hợp với Thanh tra Sở Công Thương thực hiện công tác kiểm tra tiết kiệm điện, đặc biệt vào các giờ cao điểm. Đồng thời phối hợp với Đài PT-TH tỉnh, Báo Gia Lai thực hiện phóng sự tiết kiệm điện. Ngoài ra, PC Gia Lai còn đẩy mạnh việc thay thế công tơ điện tử cho các khách sử dụng điện trên địa bàn tỉnh, nhằm hạn chế khách hàng sử dụng vào giờ cao điểm, khuyến khích khách hàng sử dụng điện vào giờ thấp điểm.
Trung bình mỗi năm, sản lượng điện sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp, sản xuất, xây dựng trên địa bàn huyện Đức Cơ chiếm tới 30% tổng sản lượng điện tiêu thụ toàn huyện. Việc tiết kiệm điện trong các doanh nghiệp là một giải pháp cần thiết và mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp. Để doanh nghiệp chung tay cùng tham gia tiết kiệm điện, trong thời gian tới Điện lực Đức Cơ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền, tư vấn và hỗ trợ khách hàng thực hiện tiết kiệm điện. |
Theo: Dân Việt