Thứ sáu, 01/11/2024 | 21:26 GMT+7

Thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm trong sản xuất công nghiệp

27/07/2023

Trước nhu cầu tiêu thụ năng lượng điện và nhiên liệu trong quá trình sản xuất của các doanh nghiệp (DN) có xu hướng tăng cao, việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng ở các DN đóng vai trò đặc biệt quan trọng nhằm phát triển kinh tế theo hướng bền vững, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.

Là 1 trong những DN sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh, ngay từ những ngày đầu thành lập, Công ty cổ phần Thép Việt Đức (Bình Xuyên) luôn coi việc sử dụng năng lượng, điện tiết kiệm và hiệu quả là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tối ưu hóa chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Cùng với việc duy trì mô hình 5S trong sản xuất, công ty đẩy mạnh áp dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật như chuyển đổi sử dụng khí hóa than sang sử dụng công nghệ khí hóa tự nhiên CNG và khí gas hóa lỏng LPG để sản xuất thép, cải tiến hầm sấy của dây chuyền sản xuất ống mạ... tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng tiêu chuẩn quốc tế; đồng thời, cải thiện môi trường làm việc cho người lao động.
Công ty cổ phần Prime Vĩnh Phúc, thị trấn Hương Canh (Bình Xuyên) luôn duy trì, áp dụng các sáng kiến tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất các loại gạch tráng men. Ảnh: Thế Hùng
Việc thực hiện các hoạt động tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong các hoạt động sản xuất cũng được các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nói chung và 80 DN sử dụng năng lượng trọng điểm (năm 2022) nói riêng trên địa bàn tỉnh chú trọng.
Tại các DN này đều duy trì việc thực hiện kiểm toán năng lượng theo quy định làm cơ sở cho việc xây dựng các dự án, các hành động tiết kiệm năng lượng. Các chính sách khuyến khích các sáng kiến tiết kiệm năng lượng đã trở thành phong trào và khi đưa vào áp dụng đem lại hiệu quả thiết thực.
Mặc dù nhu cầu sử dụng năng lượng trong các DN trên địa bàn tỉnh có xu hướng ngày càng tăng cao, nhưng tỉnh lại không có nguồn cung cấp nhiên liệu đáng kể nào cho các hoạt động sản xuất công nghiệp.
Cùng với đó, đặc điểm chung của các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là gia công, lắp ráp; sản xuất luôn phụ thuộc vào sự cung cấp và sử dụng năng lượng đặc biệt là điện năng; trong khi việc sử dụng năng lượng trong các DN sản xuất công nghiệp còn nhiều vấn đề chưa hợp lý, thiếu khoa học với hiệu quả sử dụng năng lượng không cao...
Ngoại trừ một số DN lớn như Công ty TNHH Maruichi Sun Steel Hà Nội, Công ty cổ phần Thép Việt - Đức... hoạt động sản xuất tôn, ống thép các loại, hay Tập đoàn Prime Vĩnh Phúc sản xuất gạch và các thiết bị vệ sinh... thì phần lớn các DN còn lại có quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ sử dụng còn thô sơ, tiêu thụ năng lượng lớn và có hoạt động phát thải gây ô nhiễm môi trường.
Nguồn nhân lực phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn thiếu và yếu, cùng với cơ chế, chính sách chưa đồng bộ nên việc quản lý về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của các DN công nghiệp còn nhiều hạn chế...
Với chính sách chung của cả nước hướng tới mục tiêu giảm tiêu hao năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050, trong định hướng phát triển công nghiệp, tỉnh xác định cần sớm có những giải pháp mang tính khoa học trong các DN sản xuất công nghiệp nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1458 phê duyệt "Đề án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030" nhằm góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp tỉnh, thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực sản xuất có ít phụ thuộc vào năng lượng, tối ưu hóa quá trình sản xuất theo hướng tiết kiệm năng lượng, giúp các DN chú trọng hơn vào các hoạt động sản xuất ít phụ thuộc vào năng lượng.
Đề án đã đề ra một số mục tiêu cụ thể như đảm bảo 100% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm thực hiện kiểm toán năng lượng và áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo quy định; đạt mức TKNL bình quân từ 8-10% so với sản lượng điện thương phẩm.
90% DN sản xuất công nghiệp trong KCN và 70% DN trong cụm công nghiệp được tiếp cận, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào năm 2030.
Hướng tới giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường tại các cơ sở sản xuất công nghiệp ở mức 15% vào năm 2030, góp phần thực hiện mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng Chỉnh phủ tại hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26).
Theo: Báo Vĩnh Phúc