Vừa qua, Công ty CP Chiếu sáng công cộng Đà Nẵng hoàn thành thi công thay thế trụ điện chiếu sáng và thay bóng đèn sodium thành đèn led trên đường Vân Đồn đoạn từ đường Trần Hưng Đạo đến Trần Thánh Tông. Đường được chiếu sáng bằng ánh sáng trắng của đèn led gần giống với màu sắc tự nhiên tạo ra được tầm nhìn lớn hơn cho cả người lái xe lẫn người đi bộ, giúp an toàn hơn khi tham gia giao thông vào ban đêm.
Ông Trần Quốc Thắng (đường Vân Đồn) chia sẻ: “Đoạn đường này có nhiều người đi làm việc ở cảng cá Thọ Quang và tiểu thương nhiều chợ trên địa bàn thành phố đến chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang để mua cá từ đêm khuya đến rạng sáng nên việc thay thế đèn điện chiếu sáng bằng đèn led sẽ giúp họ có điều kiện quan sát rõ hơn, xa hơn, an toàn hơn so với trước đây. Hiện ở đường Trần Hưng Đạo đã được thay thế bằng đèn led. Người dân mong thành phố tiếp tục đầu tư, thay thế bằng nhiều bóng đèn led hơn để vừa bảo đảm an toàn giao thông, vừa tiết kiệm điện đáng kể trong thời điểm thiếu điện như hiện nay và sắp đến”.
Công tác giám sát thay thế đèn LED trên các tuyến đường
Công ty CP Chiếu sáng công cộng Đà Nẵng cho biết: Công ty đã thay thế nhiều bóng đèn chiếu sáng các loại bằng đèn led để tăng khả năng chiếu sáng cho đường phố và tiết kiệm điện năng. Để tiết kiệm điện và giảm công suất tiêu thụ điện năng, bên cạnh thi công thay thế các bóng đèn sodium bằng đèn led để tiết kiệm điện, công ty đang giám sát, vận hành hợp lý hệ thống điện chiếu sáng công cộng và trang trí trên địa bàn thành phố thông qua Trung tâm Giám sát và điều khiển chiếu sáng công cộng thành phố.
Tổng Giám đốc Công ty CP Chiếu sáng công cộng Đà Nẵng Nguyễn Đình Hùng cho biết: “Hiện nay, công ty đang triển khai các giải pháp tiết kiệm điện thông qua điều khiển, vận hành hệ thống điện chiếu sáng công cộng của thành phố theo chỉ đạo của Sở Xây dựng”.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng Lê Văn Tuấn cho hay, toàn thành phố có 97.881 điểm đèn chiếu sáng công cộng, gồm đèn sodium, compact, metal halide, cao áp thủy ngân và đèn led. Trong đó, đèn led chiếm hơn 35% tổng số đèn điện chiếu sáng công cộng của thành phố. Theo quy hoạch, đến năm 2025, thành phố sẽ hoàn thành thay thế hệ thống đèn chiếu sáng công nghệ cũ sang đèn công nghệ mới, hiệu suất cao và tiết kiệm điện. Đà Nẵng cũng là một trong số ít địa phương đầu tiên trong nước xây dựng được Trung tâm Giám sát và điều khiển chiếu sáng công cộng thành phố và đã kết nối đến 450 tủ điện trong tổng số 1.866 tủ điện. Tổng mức tiêu thụ điện năng của hệ thống điện chiếu sáng công cộng trên địa bàn thành phố trong tháng 4-2023 là 3,659 triệu kWh. Với các giải pháp tiết kiệm điện thành phố đang triển khai, sẽ tiết kiệm khoảng 25% điện năng, tương đương tiết kiệm được khoản tiền điện 2,55 tỷ đồng.
Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố về tiết kiệm điện trong mùa nắng nóng năm 2023 để ứng phó với khả năng thiếu điện, Sở Xây dựng tiếp tục rà soát và điều chỉnh vận hành hệ thống nhằm tiết kiệm tối đa điện năng tiêu thụ, nhưng vẫn bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự và cảnh quan đô thị. Theo đó, các khu vực ưu tiên đỏ điện 100% (sáng đèn vào ban đêm) được rà soát (các tuyến đường chính, khu vực ưu tiên, các cầu, điểm giao cắt giao thông...) để điều chỉnh vận hành hệ thống chiếu sáng cho phù hợp. Đối với những đoạn, tuyến đường, khu vực đang chiếu sáng bằng đèn sodium và các loại đèn chiếu sáng bằng công nghệ cũ, sẽ được điều chỉnh phân pha theo 2-3 chế độ, rút ngắn thời gian vận hành chế độ 1 với 100% đỏ điện. Đối với hệ thống đèn led có chức năng tự động thay đổi công suất của thiết bị điện theo 3-5 cấp mà tủ điện đang được vận hành 1 chế độ sẽ được tiếp tục rà soát khu vực để nghiên cứu vận hành tủ điện theo 2-3 chế độ.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty CP Chiếu sáng công cộng Đà Nẵng theo dõi thời tiết để điều chỉnh thời gian đóng, cắt điện phù hợp và vận hành hiệu quả Trung tâm Giám sát và điều khiển chiếu sáng công cộng thành phố. Đồng thời, tiếp tục thay thế đèn công nghệ cũ sang đèn led để tiết kiệm điện... “Với các giải pháp nói trên, điện năng tiêu thụ của hệ thống chiếu sáng công cộng được dự kiến giảm khoảng 30%, tiền điện hằng tháng giảm khoảng 3,2 tỷ đồng”, ông Lê Văn Tuấn cho biết.
Được biết, để đảm bảo chất lượng chiếu sáng đem lại diện mạo, cảnh quan đô thị khang trang và thực hiện việc tiết kiệm điện, tiết kiệm nguồn năng lượng, trong những năm qua thành phố Đà Nẵng đã quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống điện chiếu sáng công cộng, trong đó lưu ý đến việc đầu tư, thay thế từ đèn Sodium thành đèn LED nhằm tiết kiệm điện năng, giảm thiểu khí thải CO2.
Theo đó toàn bộ đèn chiếu sáng trước khi thay thế phải được nghiệm thu đảm bảo theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, chất lượng sản phẩm đã được nhà thầu cam kết và bảo hành theo đúng quy định. Hàng tuần, Tổ giám sát đều xây dựng kế hoạch phân công nhiệm vụ, kiểm tra, giám sát, đôn đốc đơn vị triển khai thi công an toàn, đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng. Công tác đảm bảo an toàn giao thông luôn được chú trọng vì hầu hết các vị trí thay thế đèn LED diễn ra trên các dãi phân cách, trên vỉa hè và dưới lòng lề đường của các tuyến đường có mật độ phương tiện lưu thông.
Hương Linh