Thứ sáu, 01/11/2024 | 21:41 GMT+7

Tòa nhà Cornerstone tăng cường quản lý để kiểm soát tiêu thụ năng lượng

23/08/2023

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm năng lượng đã giúp tòa nhà tòa nhà Cornerstone tiết kiệm 309.203 kWh điện mỗi năm.

Tòa nhà Cornerstone tọa lạc tại trung tâm thành phố Hà Nội, được thiết kế theo mô hình văn phòng hạng A bởi hai tập đoàn nổi tiếng thế giới Archipel (Pháp) và DWP (Úc), tòa nhà cung cấp khoảng 26.000m2/48.494m2 diện tích cho mục đích làm văn phòng và có thể đáp ứng kỳ vọng của mọi tổ chức và doanh nghiệp.
Với diện tích lớn và đa dạng công năng sử dụng, ngay từ khi đi vào hoạt động (tháng 12 năm 2013), tòa nhà đã liên tục tăng cường các giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất việc tiêu thụ năng lượng. Theo đó, ban quản lý tòa nhà tập trung vào các giải pháp gồm: thiết kế kiến trúc, quản lý năng lượng và cải tiến kỹ thuật.
Về thiết kế, toà nhà được xây dựng với lớp vỏ bao quanh gồm tường bê tông, lớp đá ốp ngoài/vữa trát trong (mỗi lớp vữa dày 2,5cm) và kính hộp hai lớp 10,38mm để hạn chế hấp thu nhiệt. Đồng thời, để tăng hiệu quả cách nhiệt, phía tường bên ngoài được lắp các lam che nắng, bên trong văn phòng có sử dụng thêm rèm che. Những giải pháp này đã giúp toà nhà ngăn cản được bức xạ mặt trời chiếu vào, giúp tiết kiệm năng lượng một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, toà nhà sử dụng loại mái chính là mái bằng bê tông cốt thép với lớp xốp cách nhiệt, lớp tôn chống nóng phía trên giúp tăng khả năng cách nhiệt trong và ngoài văn phòng làm việc. Ngoài ra, mái của tòa nhà được lắp đặt thêm hệ thống pin năng lượng mặt trời, vừa có thể phát điện để sử dụng, vừa có thể ngăn ánh sáng mặt trời chiếu vào tòa nhà. Hệ thống năng lượng mặt trời hàng năm phát điện được 132.143 kWh điện, giúp toà nhà tiết giảm được trên 300 triệu tiền điện.
Đáng chú ý, toà nhà được thiết kế với diện tích hàng lang rộng rãi và có phòng đệm vừa giúp thông gió tự nhiên tốt, vừa ngăn cản được nhiệt nóng bên ngoài xâm nhập vào trong và ngăn nhiệt lạnh từ trong ra ngoài.
Hành lang rộng rãi thuận tiện cho việc thông gió tự nhiên
Đa số các phòng làm việc tại tòa nhà có cửa sổ bằng vách kính và có một số chỗ cửa mở được, tuy nhiên hệ thống cấp gió tươi được cấp bằng 2 PAU với công suất quạt 15kW/ quạt. Gió tươi được làm lạnh sơ bộ qua PAU, sau đó cấp vào các khu vực khác nhau trong tòa nhà. Thời gian vận hành các PAU được cài đặt ngay trên hệ thống BMS, nhằm giảm thời gian vận hành không cần thiết tránh lãng phí điện tiêu thụ ở các quạt PAU. 
Đặc biệt, toà nhà đã tận dụng gió hồi về bằng cảm biến áp CO2 để cung cấp gió tươi phù hợp với điều kiện làm việc của khách hàng trong tòa nhà. Do vậy, quạt PAU được lắp biến tần để điều chỉnh lưu lượng gió theo cảm biến áp suất.
Buồng PAU - Cảm biến áp suất
Toà nhà được thiết kế với vị trí lắp đặt phù hợp 8 tháng máy được lập trình thông minh, khi khách hàng gọi theo thứ tự ưu tiên thang ở tầng gần nhất sẽ đón. Tất cả các thang máy đều được lắp biến tần điều khiển, năng lượng tiêu thụ phụ thuộc vào tần số và số người sử dụng thang, khi không có khách hàng di chuyển thì không tiêu thụ năng lượng.
Về kỹ thuật, sau một khoảng thời gian vận hành và nhận thấy việc sử dụng bóng đèn compact và đèn huỳnh quang là loại chưa tiết kiệm điện, ban quản lý năng lượng và các cán bộ kỹ thuật đã đề xuất và thay thế các loại đèn trên sang sử dụng đèn led tiết kiệm năng lượng. Đông thời, tiết giảm một số bóng đèn không cần thiết khu vực hành lang, nhà để xe; phân lộ chiếu sáng hành lang phù hợp với nhu cầu thực tiễn sử dụng của tầng để xe, vừa giúp tối ưu chi phí, vừa góp phần giảm phát thải, bảo vệ môi trường.
Khu vực hầm để xe của tòa nhà ban đầu được bật hệ thống chiếu sáng liên tục, nhưng do nhận thấy nhu cầu sử dụng ít nên toà nhà đã thực hiện biện pháp tiết giảm hệ thống chiếu sáng khi không có người qua lại bằng cách chia lộ, bật tắt và sử dụng các cảm biến ánh sáng. Đồng thời, lắp cảm biến CO để điều khiển quạt hút gió tầng hầm, khi nồng độ CO vượt quá 1000 ppm thì quạt hút gió sẽ được bật lên”, ông Lê Sơn Tùng, cán bộ quản lý năng lượng tòa nhà cho biết.
Hệ thống chiller và bản nhiệt độ cài đặt trên máy
Riêng với hệ thống điều hòa không khí, tòa nhà sử dụng hệ thống chiller với công suất 270 kW/chiller, đây là lại chiller có hiệu suất và hệ số hiệu quả năng lượng cao (COP=6,2), hệ thống này có tính năng kết nối mạng với các thiết bị máy chủ nhằm tăng tính giám sát hoạt động. Chiller được tích hợp với hệ thống điều khiển số trực tiếp khiến nhiệt độ nước lạnh đầu ra sẽ được điều khiển theo tải thực tế. Hệ thống chiller được giám sát, vận hành thông qua phần mềm BMS dễ dàng theo dõi và cài đặt nhiệt độ theo nhu cầu sử dụng.
Về quản lý, tòa nhà Cornerstone là một trong số những cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm của Hà Nội nên đơn vị đã thành lập riêng ban quản lý năng lượng để điều phối hoạt động tiêu thụ năng lượng, giúp toà nhà vận hành một cách hiệu quả mà vẫn tiết kiệm năng lượng.
Ban quản lý năng lượng có chức năng quản lý, tổ chức các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong tòa nhà; đảm bảo sự thống nhất với các quy trình dịch vụ chăm sóc khách hàng với chi phí năng lượng thấp nhất; xây dựng và điều chỉnh chính sách, mục tiêu năng lượng của tòa nhà; kiểm tra và giám sát việc thực hiện hệ thống quản lý năng lượng.
Bên cạnh đó, ban quản lý năng lượng có nhiệm vụ thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các hoạt động sử dụng tiết kiệm năng lượng cho tất cả các nhân viên nhằm kêu gọi và tập hợp toàn thể nhân viên của toà nhà tham gia vào các hoạt động tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, thực hiện chế độ khen thưởng, kỷ luật hằng năm đối với các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện tiết kiệm năng lượng.
Hệ thống giám sát điều khiển BMS tại toà nhà
Để công tác quản lý đạt hiệu quả cao, trong 3 năm gần đây, đội ngũ quản lý đã sử dụng hệ thống BMS để quản lý các hệ thống cơ bản của toà nhà như: hệ thống điện, điều hoà không khí, chiếu sáng, bơm, quạt, PAU, phòng cháy chữa cháy,...Bên cạnh đó, tăng cường theo dõi, thống kê thông số kỹ thuật, tiêu thụ năng lượng của các trạm biến áp cũng như phối hợp với các đơn vị kiểm toán năng lượng tìm ra các giải pháp tiết kiệm năng lượng phù hợp với toà nhà.
Trong suốt quá trình hoạt động, ban quản lý năng lượng đã ban hành các văn bản, quy định việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả cho cán bộ nhân viên như: quy định thời gian, số lượng đèn sử dụng ở khu vực tầng hầm và khu vực công cộng; Cử cán bộ quản lý năng lượng tham gia các buổi họp hội thảo chuyên đề tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tiết kiệm năng lượng hàng tháng của tòa nhà và định kỳ vệ sinh bộ giải nhiệt của hệ thống chiller cũng như các trang thiết bị khác.
Những nỗ lực kể trên đã giúp tòa nhà Cornerstone giành giải Ba “Giải thưởng hiệu quả năng lượng trong công trình xây dựng năm 2022” - Đây là giải thưởng được Bộ Công Thương và Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) tổ chức nhằm tôn vinh các mô hình, giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tiêu biểu trong các công trình xây dựng, từ đó tạo hiệu ứng về mặt xã hội, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, phát triển bền vững trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Minh Khuê