Lợi ích “kép“ từ điều chỉnh phụ tải
Tòa nhà Lotte (số 54 phố Liễu Giai, quận Ba Đình) có 65 tầng nổi và 5 tầng hầm, gồm tổ hợp trung tâm thương mại, nhà hàng và khách sạn, căn hộ dịch vụ luôn có lượng điện tiêu thụ hằng tháng lớn, khoảng 2,5-2,7 triệu kWh. Cá biệt, vào những tháng nắng nóng cao điểm, lượng điện tiêu thụ lên tới 3,5-3,7 triệu kWh. Theo ông Phạm Minh Đức, đại diện quản lý tòa nhà, mỗi tháng Lotte chi trả hàng tỷ đồng tiền điện.
“Từ năm 2019 đến nay, nhờ tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện, đơn vị đã tiết giảm được 25-30% tổng công suất tiêu thụ điện của tòa nhà, qua đó tiết kiệm được gần 15% tiền điện, tương đương khoảng 15 tỷ đồng”, ông Phạm Minh Đức nói.
Trong những ngày nắng nóng cao điểm, Lotte cũng cam kết sẵn sàng sử dụng máy phát điện dự phòng để giảm áp lực lên lưới điện thành phố, khi có yêu cầu.
Máy phát điện dự phòng tại tòa nhà Lotte (quận Ba Đình) sẽ được sử dụng để giảm áp lực lên lưới điện thành phố, khi có yêu cầu.
Công ty TNHH May Đức Giang (quận Long Biên) là một trong những doanh nghiệp có nhà máy quy mô lớn, chi phí tiền điện thường từ 550-600 triệu đồng/tháng. Do đó, tiết kiệm điện trong quá trình sản xuất luôn được công ty quan tâm. Hiện công ty trở thành một trong những doanh nghiệp đi đầu khi tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện do EVNHANOI triển khai.
Trưởng phòng Cơ điện (Công ty TNHH May Đức Giang) Lê Minh Tuấn thông tin, tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện, công ty thu được "lợi ích kép", vừa giảm khoảng 20-30% sản lượng điện, vừa được EVNHANOI hỗ trợ xử lý các sự cố điện, tư vấn giải pháp chống tổn thất. Từ đó, công ty đã giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Tương tự, Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị điện MBT (huyện Đan Phượng) Trần Văn Nam cho biết, lợi ích lớn nhất khi điều chỉnh phụ tải là chủ động giảm thiểu ảnh hưởng đến quá trình sản xuất khi gián đoạn cung cấp điện. Thông qua việc điều chỉnh thời gian sản xuất giờ cao điểm sang thấp điểm cũng như hình thành thói quen tiết kiệm điện của nhân viên, chi phí tiền điện của công ty giảm 40% so với trước khi tham gia.
Ý nghĩa cấp bách và lâu dài
Để chủ động ứng phó trong những ngày hè cao điểm nắng nóng, từ giai đoạn triển khai cho đến nay, Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh ký kết chương trình điều chỉnh phụ tải với hơn 900 khách hàng sử dụng điện lớn trên địa bàn thành phố. Đây là biện pháp hiệu quả, giảm áp lực lên hệ thống điện, giúp khách hàng tiết kiệm điện năng tiêu thụ, tránh xảy ra sự cố, bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn…
“Chương trình điều chỉnh phụ tải điện được tổng công ty xác định là giải pháp cấp bách, lâu dài nhằm tiết kiệm điện, giảm tải cho hệ thống và đã nhận được sự đồng thuận của các khách hàng lớn. Trong những ngày cao điểm, các khách hàng lớn cùng điều chỉnh phụ tải sẽ giúp giảm phụ tải đỉnh, bảo đảm lưới điện thành phố vận hành an toàn, tránh quá tải cục bộ, gây gián đoạn cung cấp điện”, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện thành phố Hà Nội Nguyễn Hoàng Dương cho biết.
Theo đại diện EVNHANOI, điều chỉnh phụ tải là một trong những chương trình quản lý nhu cầu điện nhằm khuyến khích khách hàng cùng chung tay thực hiện các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng điều chỉnh nhu cầu sử dụng điện trong khung giờ cao điểm. Chương trình được áp dụng đối với các khách hàng có sản lượng tiêu thụ điện từ 1.000.000kWh/năm trở lên hoặc những khách hàng có khả năng điều chỉnh phụ tải điện, đã được trang bị công tơ điện tử đo đếm từ xa, đồng thời được truyền số liệu theo chu kỳ 30 phút một lần.
Thực tế cho thấy, doanh nghiệp sẽ tiết giảm 10-20% lượng điện tiêu thụ so với phụ tải thực tế trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được thông báo thực điều chỉnh phụ tải, đồng thời chủ động lựa chọn quy mô loại phụ tải để ngừng hoặc tiết giảm, lựa chọn dây chuyền sản xuất cho những phụ tải khác để tiết giảm nhu cầu sử dụng điện.
Trong bối cảnh nguồn cung cấp điện còn nhiều khó khăn, đặc biệt vào cao điểm nắng nóng, nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố đều cho rằng, tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải là trách nhiệm và nghĩa vụ của đơn vị, bên cạnh việc tiết kiệm chung, lâu dài hình thành thói quen của toàn xã hội. Với ý thức trách nhiệm, mọi cá nhân, tổ chức chỉ bằng hành động nhỏ đã có thể giúp việc sử dụng điện an toàn, hiệu quả, tiết kiệm. Điều chỉnh phụ tải mang những ý nghĩa như vậy nên được coi là chương trình trọng tâm, chiến lược xuyên suốt hằng năm của ngành Điện nói chung và Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội nói riêng.
Theo: Hà Nội mới