Điện năng sử dụng trong nuôi tôm thâm canh lớn nhất là chạy hệ thống sục khí, cung cấp oxy cho ao nuôi. Hệ thống sục khí (loại quạt nước và dàn ống tạo oxy đáy) chiếm khoản 80% tổng điện năng sử dụng. Thời gian qua, nhiều hộ nuôi tôm đã thực hiện một số giải pháp nhằm tiết kiệm điện năng, nhất là cho hệ thống sục khí
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, ngụ ấp Định An, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, Trà Vinh là một điển hình đã áp dụng thành công phương pháp lắp đặt dàn trục quạt oxy tiết kiệm điện trong quá trình nuôi tôm thâm canh mật độ cao, đối với trên ao nổi, có lót bạc.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc (trái) cùng các cán bộ điện lực Duyên Hải tư vấn về giải pháp nuôi tôm tiết kiệm điện (Ảnh: Điện lực Trà Vinh)
Từ năm 2019, ông Phúc bắt đầu nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh mật độ cao. Ao tôm của ông được thiết kế theo kiểu ao nổi. Năm đầu, ông sử dụng gối đỡ “chữ U” để đỡ trục quay dàn quạt oxy. Nhưng sau đó, ông được nhân viên Điện lực Duyên Hải tư vấn, nên thay toàn bộ gối đỡ chữ U sang sử dụng gối đỡ con lăn; nhằm khắc phục những hạn chế: giảm ma sát tại các vị trí đỡ, giúp động cơ chạy nhẹ hơn, giảm tiêu thụ điện năng và thiết bị được sử dụng bền hơn… Sang năm 2020, ông tiếp tục học tập kinh nghiệm về áp dụng phương pháp lắp đặt hình đồng trục mô - tơ với dàn quạt, nhằm giảm tiêu tốn lực khi vận hành dàn quạt, động cơ sẽ truyền thẳng xuống trục dàn quạt.
Thông thường động cơ (mô - tơ) được đặt trên bờ ao nên cao hơn so với mặt nước và dàn quạt, vì vậy trục động cơ với trục dàn quạt chênh lệch nhau. Do đó, để vận hành được dàn quạt động cơ phải mất một lực để truyền xuống dàn quạt qua góc nghiêng, làm tốn thêm năng lượng trong quá trình vận hành.
"Với phương pháp này, góp phần giảm 15% điện năng tiêu thụ so với phương pháp lắp đặt dàn quạt truyền thống không đồng trục động cơ với dàn quạt như trước đó. Đặc biệt, khi đồng thời thay thế mô - tơ đồng trục với dàn quạt và kết hợp con lăn như đã nêu, sẽ mang lại tiết kiệm từ 30 - 35% lượng điện năng tiêu thụ so với cách lắp đặt mô - tơ không đồng trục với dàn quạt và sử dụng gối đỡ hữ U trước đó…" - ông Nguyễn Hoàng Phúc cho biết.
Theo ông Phúc việc chạy hệ thống sục khí thường theo kinh nghiệm của người nuôi, chạy theo giờ, mật độ nuôi, thời tiết và độ tuổi của tôm. Qua thực tế cho thấy nếu vận hành hệ thống sục khí dựa vào lượng oxy hòa tan trong ao nuôi phù hợp sẽ giảm từ 06 - 7,5% lượng điện năng tiêu thụ so với vận hành thiếu kinh nghiệm, nhưng tôm vẫn phát triển.
Với 02 ao nuôi diện tích 1.600m2/ao, ông Nguyễn Hoàng Phúc lắp đặt 05 dàn quạt, công suất 2,5CV/quạt đã giúp giảm chi phí tiền điện từ 14 triệu đồng/tháng xuống còn 7,2 - 7,5 triệu đồng/tháng.
Khánh An