Mô hình trồng táo của bà Bà Trần Thị Thắm là một điển hình trong việc giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Cụ thể, mô hình đã hạn chế lãng phí nguồn tài nguyên nước, vừa giảm chi phí do ít tiêu thụ điện năng; nhưng vẫn giữ vững năng suất và sản lượng màu, giúp nông dân có thu nhập cao hơn.
Bà Trần Thị Thắm sử dụng các loại bóng đèn LED tiết kiệm điện. (Ảnh: Điện lực Trà Vinh)
Từ năm 2019, bà Trần Thị Thắm cải tạo 2000 m2 đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng 60 gốc táo. Những năm đầu bà áp dụng tưới nước cho cây táo bằng phương pháp kéo ống mủ mềm, gắn vòi phun. Do vậy, vừa lãng phí nước, vừa kéo dài thời gian, tốn nhân công lao động, chi phí tiền điện bình quân từ 0,9 - 1,1 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, sau khi được cán bộ chuyên môn của Phòng Kinh tế thị xã Duyên Hải tư vấn và học hỏi kinh nghiệm về các phương pháp tưới tiết kiệm điện và nước bà Thắm đã đầu tư gần 3,5 triệu đồng để trang bị motor 1,5CV, lắp đặt hệ thống tưới bằng ống nhựa chôn ngầm dưới đất theo phương thức tưới phun sương tự động (60 vòi phun/60 gốc táo). Nhờ lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước, gia đình giảm chi phí điện, giảm giờ công lao động.
Theo bà Trần Thị Thắm, để tiết kiệm điện và nước, hiện nay, một số hộ dân ở Hiệp Thạnh áp dụng phổ biến 02 cách tưới: phun sương và nhỏ giọt. Hệ thống tưới được lắp đặt đơn giản, gồm: máy bơm, đường ống, lắp van và vòi phun. Do gia đình trồng táo, nên bà chọn tưới nước theo phương pháp phun sương, phù hợp hơn; chủ động được lượng nước tưới, giúp giữ được độ ẩm của đất theo nhu cầu sinh trưởng và phát triển của táo, giúp cây táo không bị thiếu nước hoặc úng cục bộ như tưới vòi ống kéo, giúp bộ rễ của táo tiếp nước đều, có thể bón phân cùng thời điểm tưới, lượng phân vẫn thẩm thấu, không thất thoát.
Ngoài áp dụng phương pháp tưới giúp tiết kiệm điện và nước, các bóng đèn mắc sáng khu vục vườn táo được bà Trần Thị Thắm sử dụng các loại bóng đèn LED tiết kiệm điện.
Khánh An