Là doanh nghiệp duy nhất trong lĩnh vực động cơ hàng không ở Hàn Quốc, một trong 10 công ty có công nghệ tiên tiến hàng đầu trên thế giới, năm 2018, Hanwha chính thức đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện động cơ máy bay tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Mỗi năm, Hanwha tiêu thụ khoảng 2.007,7 TOE. Tuy nhiên, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, ngoài hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại được tích hợp công nghệ 4.0, tiết kiệm năng lượng, để tối ưu hóa chi phí, giảm thiểu phát thải CO2 trong quá trình sản xuất, Hanwha đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đầu tư nâng cao hiệu quả tiết kiệm năng lượng.
Hệ thống dây chuyền công nghệ cao của Hanwha
Theo đó, đối với công tác quản lý nội vi, Hanwha đã nghiêm túc thực hiện bảo dưỡng định kỳ theo đúng kế hoạch đề ra. Đặc biệt, công ty đã lắp 2.660 tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà xưởng với công suất 934kWp. Đến hết năm 2020, hệ thống điện mặt trời áp mái này đã cung cấp cho hoạt động sản xuất tại nhà máy của Hanwha hơn 1,5 triệu kWh. Tính theo sản lượng điện năng tiêu thụ năm 2019 của Hanwha là 12.922.600 kWh, tỷ lệ điện năng tự sản xuất từ năng lượng mặt trời so với điện năng mua ngoài của công ty đạt tỷ lệ 11,6%.
Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, kết quả này đặc biệt quan trọng với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Muốn cạnh tranh được với các nhà cung cấp khác, không chỉ phải đạt chất lượng vượt trội, các sản phẩm được sản xuất từ nhà máy sử dụng một phần năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường, có chỉ số tiêu thụ năng lượng/sản phẩm thấp sẽ là lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều hiệp định FTA mà Việt Nam tham gia bị điều chỉnh bởi những quy định về giảm thiểu phát thải CO2 trong hoạt động sản xuất, thương mại.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả tiết kiệm năng lượng, ngay từ khi đầu tư, xây dựng năm 2018, toàn bộ hệ thống chiếu sáng của nhà máy đã được Hanwha thiết kế và sử dụng đèn Led tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, công ty cũng đã trang bị tụ bù tại trạm biến áp; toàn bộ hoạt động của các máy nén khí, chiler, điện… trong nhà máy và văn phòng đều sử dụng hệ thống Scada để theo dõi. Đồng thời, các máy nén khí cũng được trang bị hệ thống giải nhiệt nước, còn các máy nén khí ly tâm được trang bị hệ thống đường ống dẫn khí nóng ra ngoài, giúp tăng hiệu suất của thiết bị.
Với đặc thù sản xuất các linh kiện động cơ máy bay, toàn bộ hệ thống dây chuyền sản xuất của Hanwha đều được tự động hóa cao, nhập khẩu từ nước ngoài, các công đoạn sản xuất chủ yếu gia công cắt gọt, phay tiện với độ chính xác cao... Để quản lý năng lượng hiệu quả cũng như kiểm soát được mức độ tiêu thụ năng lượng cho từng công đoạn sản xuất, từng chủng loại sản phẩm, Hanwha đã ứng dụng giải pháp tự động hóa, kết nối mạng điều khiển, ứng dụng công nghệ “công nghiệp thế hệ 4.0” trong sử dụng năng lượng. Giải pháp này đã giúp Hanwha gia tăng hiệu quả công tác tiết kiệm năng lượng. Với các giải pháp trên, tổng mức tiết kiệm năng lượng trong năm 2018 - 2019 của Hanwha đạt 712.250 kWh, tương đương tiết kiệm 1,4 tỷ đồng.
Năm 2020, Công ty Hanwha đã được UBND TP. Hà Nội chứng nhận cơ sở sử dụng năng lượng xanh 4 sao đối với cơ sở dụng năng lượng trọng điểm trong sản xuất công nghiệp. Kế hoạch tiết kiệm năng lượng trong vòng 5 năm tiếp theo, Hanwha đặt ra mục tiêu tiết kiệm được 1.187.083 kWh, tương đương lượng tiền tiết kiệm 2,4 tỷ đồng. |
Theo: Báo Công Thương