Hiện nay, các nhà máy chế biến dầu khí tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, do nhiều nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan như: sự biến động của giá dầu thế giới, hoạt động sản xuất chưa tối ưu và hiệu quả tiết kiệm năng lượng chưa cao do đã được đầu tư xây dựng và vận hành trong thời gian dài. Do vậy, việc tối ưu hóa sản xuất, tiết kiệm năng lượng đối với các nhà máy chế biến dầu khí này là rất cần thiết và sẽ góp phần không nhỏ tới hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà máy.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Nguồn: PVN)
Nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thời gian qua vấn đề quản lý năng lượng đã được BSR quan tâm thông qua việc thành lập Hội đồng quản lý năng lượng và tổn thất, ban hành Sổ tay quản lý năng lượng làm cơ sở để đề xuất, đánh giá các giải pháp tối ưu hóa năng lượng, hợp tác với Tổ chức tư vấn Solomon Association đánh giá hiệu quả SXKD của Nhà máy; hợp tác Shell Global, KBC và KOIKA đánh giá tình hình sử dụng và đề xuất các giải pháp tối ưu hóa năng lượng.
Về công tác theo dõi và tối ưu hóa, BSR đã thực hiện việc kiểm soát, theo dõi và báo cáo hàng ngày về việc tiêu thụ năng lượng và phụ trợ, đề xuất các giải pháp tối ưu sử dụng năng lượng, phụ trợ hàng ngày trong phạm vi khu vực, phân xưởng tại Nhà máy.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, BSR gặp rất nhiều thách thức như đảm bảo vận hành tuyệt đối an toàn, tiết kiệm năng lượng song song với giải quyết các vấn đề kỹ thuật, cải hoán hệ thống hiện hữu với vốn đầu tư lớn, tác động của giá dầu thô đến thời gian thu hồi vốn của các dự án tối ưu hóa năng lượng,...
Do đó, để đạt được mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tiêu chuẩn ISO 50001:2011 đã được BSR lựa chọn và hướng tới xây dựng để quản lý hệ thống năng lượng của NMLD Dung Quất. Ngày 29/11/2017, Hệ thống quản lý năng lượng của BSR chính thức được công nhận phù hợp với Tiêu chuẩn quốc tế ISO 50001:2011 do Tổ chức các tiêu chuẩn quốc tế Vương Quốc Anh BSI công nhận.
- Các giải pháp tiêu biểu như: Tối ưu hóa vận hành hệ thống làm mát bằng nước biển - tiết kiệm khoảng 23 tỷ đồng/năm;
- Tối ưu hóa vận hành hệ thống làm mát bằng nước biển, tiết kiệm khoảng 23 tỷ đồng/năm; Tối ưu tiêu thụ khí nén/khí điều khiển, tiết kiệm khoảng 25 tỷ đồng/năm;
- Thay đổi chế độ vận hành từ điều khiển van lưu lượng khí đầu vào (IGV mode) sang điều khiển tốc độ tuabin tại thiết bị C-1501/ST-1501, tiết kiệm khoảng 40 tỷ năm; Thay đổi công suất máy nén C-1202 94%/50%, tiết kiệm khoảng 20 tỷ đồng/năm.
|
Hệ thống quản lý năng lượng được áp dụng đã góp phần làm tinh gọn các hoạt động triển khai thực hiện quản lý hệ thống theo tiêu chuẩn ISO, không có các hoạt động chồng chéo và nhân đôi, giảm thiểu khối lượng tài liệu phát sinh, phối hợp tốt hơn cho các hoạt động và nguồn lực, thông tin được hệ thống hóa để xem xét hiệu quả hơn… của các hệ thống quản lý sẵn có trong Công ty như Hệ thống quản lý Chất lượng ISO 9001, Hệ thống quản lý Môi trường ISO 14001, Hệ thống quản lý An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp ISO 45001; BSR tiếp tục xây dựng và tích hợp Hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001:2011 vào Hệ thống quản lý QHSE hiện hữu của Công ty.
Hệ thống quản lý năng lượng được BSR thực hiện đánh giá 2 lần/năm để kiểm tra sự phù hợp/tuân thủ các yêu cầu của Hệ thống. Đồng thời, tiếp nhận sự đánh giá giám sát định kỳ của Tổ chức chứng nhận BSI 1 lần/1 năm nhằm đảm bảo xây dựng đầy đủ, duy trì, cải tiến liên tục hệ thống và có đánh giá khách quan việc thực hiện các yếu tố hình thành nên Hệ thống.
CBCNV BSR quyết tâm thực hiện mục tiêu tối ưu hóa năng lượng. (Ảnh minh họa. Nguồn: PVN)
Đến năm 2018, Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế đã nâng cấp tiêu chuẩn ISO 50001 từ phiên bản 2011 lên phiên bản 2018. Để đáp ứng tích hợp/đồng bộ với các hệ thống quản lý khác đã được nâng cấp như quản lý chất lượng, môi trường, sức khỏe nghề nghiệp….của Công ty cũng như việc quản lý hệ thống năng lượng được chi tiết, sát sao hơn và cải tiến hệ thống liên tục. Tháng 12/2020, BSR đã phối hợp với đơn vị tư vấn BSI thực hiện sự xây dựng chuyển đổi Hệ thống quản lý năng lượng theo ISO 50001 phiên bản 2018.
So với phiên bản cũ, tiêu chuẩn ISO 50001:2018 yêu cầu BSR phải hoàn thiện việc đánh giá/xác định những rủi ro và cơ hội, dự báo những kết quả không mong muốn có thể xảy ra, phân tích các nguyên nhân gây ra các rủi ro để từ đó bổ sung những biện pháp kiểm soát mới bên cạnh những biện pháp đã có cũng như phát hiện những cơ hội có thể thực hiện để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
Ngoài ra, các Quy trình quản lý/Hướng dẫn thực hiện được chỉnh sửa bổ sung cho phù hợp với tình hình mới như Quy trình hoạch định năng lượng; Hướng dẫn giảm xả thải ra hệ thống đuốc đốt; Hướng dẫn xác lập, giám sát và tối ưu các biến năng lượng… Các giải pháp tối ưu hóa năng lượng liên tục được nghiên cứu, rà soát và bổ sung vào danh mục thực hiện. Tình trạng sử dụng năng lượng của Nhà máy luôn được giám sát chặt chẽ, được phân tích, đánh giá để đề xuất các biện pháp thực hiện tối ưu và cải thiện các chỉ số năng lượng.
Đại diện BSR cho biết: "Việc áp dụng Hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 đã giúp BSR cải thiện đáng kể hiệu quả sử dụng năng lượng của Nhà máy, chỉ số EII giảm từ 118% năm 2014 xuống còn khoảng 103-104% như hiện nay. Từ năm 2015 đến tháng 6/2021, BSR đã triển khai thành công hơn 50 giải pháp tối ưu hóa năng lượng, tiết kiệm cho Nhà máy hàng trăm tỷ đồng/năm."
Khánh An