Thứ hai, 23/12/2024 | 18:08 GMT+7

Oslo, Na-Uy loại bỏ sử dụng nhiên liệu hóa thạch

21/10/2015

Thành phố Oslo tại nước Na-Uy vừa trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới ban lệnh cấm đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch.

Thành phố Oslo tại nước Na-Uy vừa trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới ban lệnh cấm đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, sau khi hội đồng thành phố mới bầu cử thông báo rằng thành phố này sẽ hủy bỏ quỹ trợ cấp 9 tỷ đô-la Mỹ dành cho các công ty than đá, dầu mỏ và khí đốt.

Hội đồng thành phố trước đây đã chấm dứt các khoản đầu tư vào ngành than đá trong danh mục vốn đầu tư; tuy nhiên, ngành dầu mỏ và khí đốt vẫn tiếp tục được triển khai đầu tư.

“Chúng tôi rất vui mừng khi thông báo rằng chính quyền và người dân thành phố Oslo sẽ chịu trách nhiệm đối với tình hình khí hậu ở đây, thông qua các chính sách và các khoản đầu tư của chúng tôi”, Bà Lan Marie Nguyen Berg, người đàm phán đứng đầu của Đảng Xanh tại thành phố Oslo, phát biểu trong một thông báo. “Việc loại bỏ sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã đưa ra một thông điệp mạnh mẽ với thế giới trước khi diễn ra Hội thảo Biến đổi Khí hậu tại Paris rằng chúng tôi cần một thỏa thuận quyết liệt sẽ đảm bảo rằng chúng ta tránh được tình trạng nóng lên toàn cầu”.

Theo trang báo điện tử Reuters của nước Anh, Hội đồng thành phố mới cũng thông báo các loại xe ô tô sẽ bị cấm di chuyển trong thành phố trong 4 năm tới. Theo kế hoạch này, với mục đích giúp làm giảm tình trạng ô nhiễm, thành phố sẽ xây dựng tuyến đường xe đạp dài 60 km vào năm 2019 và tạo nên một “cú hích mạnh mẽ” trong việc đầu tư vào giao thông công cộng.

Vào tháng 6 vừa rồi, Quốc Hội Na-Uy đã đưa ra thông báo rằng đã thanh lý các khoản đầu tư liên quan tới than đá có giá trị hơn 8 tỷ đô-la Mỹ từ Quỹ đầu tư Quốc gia 900 tỷ đô-la Mỹ. Trong bài phát biểu tuần trước, Thủ tướng Chính phủ Na-uy, Bà Erna Solberg đã kêu gọi thế giới thiết lập quỹ toàn cầu về khí thải các-bon và chấm dứt các khoản trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch, và nhận định rằng thuế các-bon trong 26 năm của Norway đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển các công nghệ các-bon thấp.

45 thành phố trên toàn thế giới hiện đã cam kết chấm dứt các khoản đầu tư vào các công ty than đá, dầu mỏ và khí đốt, trong khi đó, tháng trước chiến dịch kêu gọi chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch đưa ra thông báo rằng 450 tổ chức với tổng tài sản là 2,6 nghìn tỷ đô-la vừa cam kết rút tất cả các khoản đầu tư mà họ đã thực hiện đối với lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch.

Ông Nicolo Wojewoda, trưởng nhóm các chiến dịch tại Châu Âu, nói rằng: “Tôi hy vọng thành phố này sẽ là thành phố đầu tiên loại bỏ được các mối liên kết với ngành nhiên liệu hóa thạch.”

“Thành phố Oslo đã trở thành một tấm gương cho các thành phố khác trên thế giới và giúp các nhà đầu tư như quỹ trợ cấp Na-Uy nhận ra rằng nếu đã cam kết loại bỏ sử dụng than đá, đã đến lúc thực hiện một cú nhảy lớn sang việc loại bỏ sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Nếu con người muốn thực hiện các hành động bảo vệ khí hậu, thì không thể tiếp tục đầu tư vào các công ty than đá, dầu mỏ và khí đốt đang hủy hoại khí hậu của chúng ta”, ông Nicolo phát biểu.

Đại biểu Đảng Xanh, Bà Sian Berry cũng thể hiện sự đồng tình đối với việc loại bỏ sử dụng nhiên liệu hóa thạch, và nhấn mạnh rằng với vị trí của mình trong Quốc Hội London sẽ có được 1,8 tỷ bảng Anh quỹ trợ cấp sẽ được đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Hiện tại, chỉ có khoảng 1% quỹ trợ cấp London có giá trị 4,8 tỷ bảng Anh vào ngành than đá và khí đốt.

Ngọc Ánh (Theo Business Green)