Thứ ba, 05/11/2024 | 14:52 GMT+7
Bắc Âu hiện là khu vực đi đầu về hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo trên thế giới. Trong đó, điển hình cho việc xây dựng đô thị năng lượng bền vững là thủ đô Oslo của Na Uy và Copenhaghen của Đan Mạch.
Thủ đô Oslo, Na Uy
Hơn hai phần ba diện tích của Oslo được bao phủ bởi rừng, sông ngòi và đất nông nghiệp. Vì vậy, chỉ xét trên khía cạnh tự nhiên, đây đã là một thành phố rất “xanh”. Song, điều quan trọng để Oslo trở thành một trong những đô thị năng lượng bền vững nhât thế giới là sự tiên phong trong việc ứng dụng các công nghệ chiếu sáng thông minh, các cảm biến ánh sáng và thời tiết đầy sáng tạo, hệ thống sản xuất năng lượng tái tạo hiệu quả từ các nguồn chất thải và một chương chính “chứng nhận sinh thái” nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân.
Trong thời gian gần đây, chính quyền thủ đô này còn tiếp tục đề ra nhiều giải pháp mới để tăng cường hiệu quả tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Ví dụ, chiến dịch dùng chung xe đạp và ô tô cùng với việc lắp đặt 400 điểm sạc pin cho xe điện được coi là một bước đi đầy ấn tượng nhằm thực hiện mục tiêu cắt giảm 50% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030.
Chỉ sau một thời gian ngắn, số lượng xe điện lưu thông trong thành phố đã đạt 1.700 xe, một con số khá cao so với dân số ít ỏi của Oslo. Số lượng người sử dụng chung các phương tiện giao thông cũng tăng lên đáng kể.
Bên cạnh đó, được sự khuyến khích và hỗ trợ đầu tư từ chính quyền, người dân đã thực hiện nhiều dự án năng lượng tái tạo quy mô nhỏ. Tính đến nay, 80% năng lượng dùng trong các hệ thống sưởi ấm của toàn thành phố được cung cấp bởi các nguồn tái tạo, góp phần giảm thiểu lượng phát thải khí các-bon tương đương 60 nghìn xe lưu thông trên đường. Dự kiến, tỷ lệ này sẽ nhanh chóng đạt mức 100% vào năm 2020.
Thủ đô Copenhaghen, Đan Mạch
Bên cạnh việc khuyến khích người dân thực hành tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường bằng biện pháp sử dụng xe đạp làm phương tiện giao thông chủ yếu, mà kết quả đến nay đã đạt tỷ lệ 33% dân số, thủ đô Copenhaghen còn áp dụng nhiều giải pháp công nghệ cao khác để đưa thành phố này tiến nhanh trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo.
Hiện nay, những tua-bin gió đang đóng góp đến 19% tổng nguồn cung năng lượng của thành phố và hàng loạt dự án điện gió đang trong quá trình xây dựng, hứa hẹn sẽ đem lại những hiệu quả to lớn về môi trường.
Mặt khác, nhiều chính sách hiệu quả năng lượng cũng liên tục được đề xuất và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân như thực hiện xây dựng mái nhà phủ xanh hiệu quả năng lượng, hỗ trợ tài chính cho hoạt động kiểm toán năng lượng và xây dựng mạng lưới chia sẻ kiến thức về hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo.
Anh Tuấn (Theo Eco Magination)