Giá điện tăng trong thời gian qua là một trong những nguyên nhân thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thay thế các thiết bị tiêu hao lượng điện năng ít hơn, đồng thời tuyên truyền cho người lao động có ý thức trong việc tiết kiệm điện.
Công ty sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy Việt Nam đóng trên địa bàn thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm) là một trong những doanh nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng điện.
Trước đây, hàng tháng công ty phải trả một khoản chi phí không nhỏ cho lượng điện hao tổn trong quá trình sản xuất do thời gian máy chạy không tải. Để góp phần giảm chi phí sản xuất, công ty đã thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm điện như: đầu tư thiết bị kiểm tra các chỉ số năng lượng tại nhà máy; lắp các đồng hồ đo điện, nước tiêu thụ, giám sát và theo dõi số liệu hằng ngày; lắp công tắc đèn từng khu vực trong nhà xưởng; thay thế hệ thống đèn chiều sáng bằng đèn led tiết kiệm điện; tận dụng ánh sáng tự nhiên…
Công ty thường xuyên phát động phong trào sáng tạo, đề xuất cải tiến sản xuất trong công nhân lao động. Riêng trong năm 2014, các bộ phận sản xuất trong công ty đã có gần 1.900 đề xuất cải tiến, trong đó có khoảng 15% đề xuất liên quan đến giảm thiểu tiêu thụ năng lượng điện, tiêu biểu như: đề xuất tự động điều chỉnh quạt hút bụi theo số lượng máy mài hoạt động; tự động điều chỉnh tắt bật máy nén khí bằng công nghệ biến tần; chuyển đổi chế độ hoạt động bơm làm mát máy gia công CNC; tự động điều chỉnh hệ thống làm lạnh công nghiệp bằng công nghệ biến tần... đã mang lại lợi nhuận cho công ty khoảng 160.000USD/năm. Ngoài ra, công ty còn tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, công nhân viên sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, có chính sách khen thưởng đối với cá nhân, tập thể thực hiện có hiệu quả chương trình tiết kiệm điện.
Vận hành trung tâm làm lạnh công nghiệp tự động điều chỉnh bằng công nghệ biến tần tiết kiệm điện tại Công ty sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy Việt Nam
Anh Trần Văn Tuấn, Trưởng Phòng Bảo dưỡng, Công ty sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy Việt Nam cho biết: “Hằng tháng công ty tiêu thụ hết khoảng 2,5 triệu kW điện với chi phí khoảng 4 tỷ đồng. Từ ngày 16.3, giá điện tăng kéo theo chi phí điện của công ty cũng tăng lên trên 300 triệu đồng/tháng. Để giảm chi phí sản xuất, thực hiện mục tiêu từ nay đến năm 2020 giảm 30% khí thải CO2, mỗi năm giảm 1% lượng điện tiêu thụ, công ty đã thành lập Ủy ban môi trường chuyên quản lý về giảm thiểu khí thải CO2. Đồng thời, cử cán bộ, công nhân lao động đi tập huấn về kiểm toán, quản lý năng lượng, từ đó xây dựng các giải pháp để sử dụng năng lượng hiệu quả hơn”.
Những năm qua Tổng công ty May Hưng Yên – Công ty cổ phần đóng trên địa bàn phường Minh Khai (thành phố Hưng Yên) luôn chú trọng đến công tác tiết kiệm điện bởi đây là yếu tố quan trọng góp phần giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Nhằm tiết kiệm điện, tổng công ty đã có những giải pháp như: Nâng cao hệ số cos phi, điện áp tại phụ tải, hạn chế động cơ 3 pha chạy quá tải và non tải bằng biện pháp lắp biến tần vào các phụ tải có công suất lớn như: động cơ tách lọc bông bụi, máy nén khí, quạt hút gió hồi, quạt cấp gió. Tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên tại không gian làm việc, thay dần đèn huỳnh quang T10-40W chấn lưu sắt từ bằng các đèn huỳnh quang T5-28W, đèn compact, đèn led tiết kiệm điện và chấn lưu điện tử, có dán nhãn tiết kiệm năng lượng; bố trí bóng đèn, công tắc hợp lý bảo đảm nhu cầu chiếu sáng thiết yếu cho từng khu vực khi cần và điều tiết đèn chiếu sáng công cộng theo mùa. Hiện nay, công ty đã thay thế khoảng 30% máy may thế hệ mới để tiết kiệm điện. Xung quanh tường bao của công ty thay vì dùng hệ thống máy lạnh tiêu tốn nhiều điện năng thì công ty lắp đặt hệ thống làm mát tự động với công nghệ phun hơi nước và quạt vào trong xưởng sản xuất...
Anh Nguyễn Xuân Bắc, Trưởng Phòng Quản lý điện năng, Sở Công thương cho biết: “Những năm qua, việc thực hiện tiết kiệm điện trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2014, toàn tỉnh có 17/31 doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm đã hoàn thành kiểm toán năng lượng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp trong việc tiết kiệm năng lượng điện là hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn đang sử dụng các dây chuyền, máy móc, thiết bị sản xuất cũ, tiêu tốn nhiều năng lượng, nếu muốn thay thế các dây chuyền sản xuất này cần vốn đầu tư rất lớn trong khi tiềm lực tài chính của họ chưa cho phép.
Theo Báo Hưng Yên