Cụ thể, Bộ Công Thương có văn bản số 8691/BCT-ĐL gửi Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam; các Bộ, cơ quan ngang Bộ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan thuộc Chính phủ; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị góp ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà.
Văn bản nêu, ngày 8/11/2023, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 461/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về xây dựng, ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái. Theo đó, Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ có liên quan xây dựng nghị định của Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ chương trình, hồ sơ xây dựng nghị định trước ngày 31/12/2023. Hiện nay, Bộ Công Thương đã hoàn thành dự thảo hồ sơ đề xuất xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà.
Bộ Công Thương đề nghị các cơ quan, tổ chức góp ý kiến về dự thảo hồ sơ đề xuất xây dựng Nghị định. Ngoài ra, Bộ Công Thương xin ý kiến cụ thể về một số vấn đề:
Thứ nhất, điện mặt trời mái nhà có liên kết với lưới điện quốc gia để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác và không bán điện vào lưới điện quốc gia: tổ chức, cá nhân khi thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà chỉ được sử dụng tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác, bao gồm cả việc không bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (nghĩa là không có đầu tư kinh doanh điện, không cho phép hoạt động kinh doanh mua bán điện).
Cho phép tổ chức, cá nhân lựa chọn phát hoặc không phát sản lượng điện dư (nếu có) của điện mặt trời mái nhà vào hệ thống điện. Trường hợp lựa chọn phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện thì nhà nước ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng (không được thanh toán, đổi lại nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân được bám lưới điện, được liên kết với lưới điện quốc gia để điện mặt trời mái nhà vận hành, hoạt động ổn định). Trường hợp tổ chức, cá nhân lựa chọn không phát sản lượng điện dư vào lưới điện quốc gia thì phải tự đầu tư lắp đặt thiết bị hạn chế tối đa phát điện dư vào hệ thống điện. Công suất điện mặt trời mái nhà của mỗi tổ chức, cá nhân phải phù hợp với phụ tải hiện có tại thời điểm thực hiện đăng ký phát triển.
Thứ hai, điện mặt trời mái nhà không liên kết với lưới điện quốc gia để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác: tổ chức, cá nhân khi thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà chỉ được sử dụng tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác, phải bảo đảm cả nguồn phát điện và phụ tải không liên kết với lưới điện quốc gia. Quy mô công suất lắp điện mặt trời mái nhà của mỗi tổ chức, cá nhân không giới hạn tại thời điểm thực hiện đăng ký phát triển.
Thứ ba, điện mặt trời mái nhà được tạo điều kiện thuận lợi phát triển như sau:
Công suất điện mặt trời mái nhà thuộc Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được xác định là phù hợp với khoản 1 Điều 11 Luật Điện lực năm 2004 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Luật số 24/2012/QH13 (Đầu tư phát triển điện lực phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực. Dự án đầu tư chưa có trong quy hoạch phát triển điện lực chỉ được thực hiện khi cơ quan lập quy hoạch phát triển điện lực trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cho phép). Vì trong Quyết định 500/QĐ-TTg và Kế hoạch không có tên Dự án điện mặt trời mái nhà.
Điện mặt trời mái nhà tại vùng đồng bằng sông Hồng phù hợp với Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thì phù hợp với “Định hướng phát triển vùng và liên kết vùng” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9/1/2023 của Quốc hội phê duyệt Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (vì trong vùng đồng bằng sông Hồng không tìm thấy định hướng phát triển năng lượng hoặc năng lượng tái tạo như định hướng các vùng còn lại trên cả nước).
Điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở riêng lẻ không phải thực hiện phê duyệt, chấp thuận chủ trương đầu tư, không phải lập dự án đầu tư (điện mặt trời mái nhà chỉ sử dụng tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác, không hoạt động kinh doanh điện, có hoặc không có yếu tố nước ngoài), trường hợp khác thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành (cần xin ý kiến có hay không việc phê duyệt, chấp thuận chủ trương đầu tư kèm nhà đầu tư, lập dự án đầu tư).
Đất, công trình xây dựng có mái nhà không phải thực hiện bổ sung năng lượng và công năng cho công trình năng lượng (theo quy định của pháp luật về điện lực, đất đai, đất công trình điện lực phải là đất năng lượng, công năng của công trình điện lực là công trình năng lượng).
Cấp công trình căn cứ theo công trình xây dựng có mái nhà đối với trường hợp tiến hành hoạt động sửa chữa, cải tạo công trình xây dựng (có hay không tính đến công trình điện mặt trời trên mái nhà, có hay không phải thực hiện lập dự án đầu tư xây dựng), thẩm quyền quản lý nhà nước, thẩm định thiết kế xây dựng công trình thực hiện theo Luật Xây dựng đối với công trình xây dựng có mái nhà.
Bộ Công Thương đề nghị các cơ quan, tổ chức gửi gửi ý kiến trước ngày 26/12/2023 để kịp thời tổng hợp, báo cáo.
Khánh An