Thứ sáu, 01/11/2024 | 19:23 GMT+7

Thách thức tiết kiệm năng lượng

09/11/2023

Tiết kiệm năng lượng được xem là một trong những biện pháp trọng tâm để thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050. Nhưng nguồn vốn để thực hiện tiết kiệm năng lượng đang là vấn đề lớn đối với các đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm.

Cần nguồn vốn lớn
Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng & Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, qua theo dõi, Bộ nhận thấy, các doanh nghiệp (DN), các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm cũng đã thực hiện những giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL) với quy mô, chi phí khiêm tốn, ở mức trung bình so với các khuyến cáo của các báo cáo kiểm toán năng lượng. Tuy nhiên, để đạt được các giải pháp căn cơ, tức là tiết kiệm được mức năng lượng lớn thì DN cần phải đầu tư vào những giải pháp mang tính công nghệ, với mức đầu tư lớn hơn. Nhưng số lượng, tỷ lệ các cơ sở, các DN đầu tư để thay thế các dây chuyền thiết bị cũ bằng dây chuyền công nghệ hiện đại còn rất khiêm tốn.
“Chúng tôi cũng biết rằng DN gặp rất nhiều khó khăn, khi vẫn phải bảo đảm sản xuất kinh doanh, bảo đảm các đơn hàng, lại cần phải hướng đến mục tiêu dài hơi là giảm phát thải khí nhà kính, giảm mức tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị sản phẩm… Đấy là chưa kể đến DN của chúng ta cũng khó tiếp cận với các nguồn vốn, đặc biệt là những nguồn vốn ưu đãi, các nguồn vốn theo cơ chế tín dụng xanh chẳng hạn, để đầu tư cho lĩnh vực TKNL” - ông Vũ nói.
Ông Vũ thông tin, qua nhiều kênh phản ánh, Bộ Công Thương cũng thấy DN còn khó tiếp cận, đặc biệt là gặp khó khăn trong cơ chế bảo lãnh khoản vay, thế chấp tài sản để bảo lãnh khoản vay từ các ngân hàng thương mại, dù trong khả năng, Bộ cũng đã cố gắng tạo ra cơ chế ưu đãi, khuyến khích cho DN.
Nhiều ngân hàng sẵn sàng cho vay các dự án tiết kiệm năng lượng.
Cụ thể, khi nhận được nguồn tài trợ từ Quỹ Khí hậu xanh, Bộ Công Thương đã cùng với Ngân hàng Thế giới (WB) vận hành một quỹ bảo lãnh vốn vay, giúp cho các DN có khó khăn về việc thế chấp để vay ngân hàng thì có thể tiếp cận dự án và nhận được khoản bảo lãnh lên đến 50% giá trị nguồn vốn vay từ ngân hàng thương mại. Qua đó cũng giúp cho ngân hàng tự tin và cũng giảm được rủi ro cho các khoản vay đầu tư về TKNL. Và các DN, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trong ngành công nghiệp cũng có phương thức để tiếp cận các nguồn huy động vốn từ các ngân hàng để đầu tư vào trong lĩnh vực TKNL.
Ông Chu Bá Thi - Chuyên gia cao cấp về năng lượng thuộc WB tại Việt Nam cho rằng, các ngân hàng cũng không sẵn sàng cho vay đầu tư cho TKNL vì nhận thức của họ về TKNL còn rất rủi ro cũng như họ yêu cầu tài sản bảo đảm rất cao, do đó, tiếp cận vốn với DN công nghiệp là rất khó khăn. Do đó, để thúc đẩy TKNL thì phải có 1 cách tiếp cận toàn diện, từ xây dựng cơ chế chính sách, chế tài đủ mạnh để các DN thấy cần và phải thực thi.
Ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ
Ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HD Bank) chia sẻ, khi DN đưa ra nguồn vốn để đầu tư dài hạn hoặc phương án kinh doanh ngắn hạn thì họ cũng sẽ suy nghĩ, tính đến tất cả những yếu tố rủi ro, để chắc chắn dòng vốn đó phải quay về và có lợi nhuận.
Tuy nhiên, HB Bank vẫn luôn có những chương trình khuyến khích cho khách hàng sử dụng thiết bị mới, năng lượng tái tạo… với mục đích là giảm thiểu tiêu hao năng lượng. Đáng chú ý, HD Bank luôn sẵn sàng để hỗ trợ các DN nước ngoài trong giai đoạn mới vào Việt Nam với nguồn vốn khoảng 3.500 tỷ để đầu tư cho các DN mang dây chuyền công nghệ mới hoặc theo tinh thần giảm thiểu - tối ưu hoá năng lượng hay sản xuất ít chất thải vào Việt Nam.
Bà Ngô Thu Hà - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) nhận định, hiện nay nhu cầu về năng lượng ở Việt Nam cần rất nhiều. SHB cũng đã, đang và sẽ tiếp tục có các chương trình, các sản phẩm dành cho DN có mong muốn đầu tư vào việc nâng cao năng lực sản xuất, đầu tư thêm thiết bị, công nghệ với mục tiêu TKNL. Với các chương trình này, SHB cũng có những chính sách riêng để có thể áp dụng mức lãi suất thấp trong thời gian đầu hoặc là cùng với DN đánh giá lại hiệu quả tài chính, hiệu quả về giảm chi phí sản xuất sau khi thực hiện đầu tư, để tư vấn cho DN nên đầu tư như thế nào, đầu tư ra sao.
Tương tự, ông Trần Khánh - Giám đốc Khối Khách hàng DN, Ngân hàng TMCP Bắc Á cho biết, thời gian qua Bắc Á cũng tài trợ cho nhiều dự án liên quan đến TKNL, như các dự án thu hồi nhiệt dư của các nhà máy xi măng để tái tạo lại quá trình sản xuất, giúp các nhà máy tiết kiệm đến 30% điện năng tiêu thụ, các dự án liên quan đến điện mặt trời mái nhà cũng giúp cho các nhà máy tiết kiệm được hơn khoảng 10% điện năng tiêu thụ. Và điển hình là các dự án điện sinh khối ở các nhà máy mía đường sử dụng các bã mía dôi dư, đốt để tạo thành nguồn điện quay trở lại phục vụ cho nhà máy, tiết kiệm được khoảng trên 15% nguồn năng lượng.
Theo: Pháp Luật Việt Nam