Thứ năm, 14/11/2024 | 14:29 GMT+7

Bộ Công Thương yêu cầu đảm bảo cung ứng điện cuối năm 2023 và các năm tiếp theo

03/10/2023

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ban hành công điện về việc đảm bảo cung ứng điện cuối năm 2023 và các năm tiếp theo.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có công điện số 6718/CĐ- BCT gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố; Chủ tịch, Tổng giám đốc các Tập đoàn, Tổng công ty: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Đông Bắc; chủ đầu tư các nhà máy, dự án nguồn điện, lưới điện… về việc đảm bảo cung ứng điện cuối năm 2023 và các năm tiếp theo.
Theo Bộ Công Thương, trong thời gian vừa qua, tình hình cung ứng điện đã có nhiều cải thiện so với nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên, việc cung ứng điện trong giai đoạn cuối năm 2023 và thời gian tới, dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, có nguy cơ ảnh hưởng đến việc đảm bảo an ninh năng lượng và đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, việc đảm bảo cung cấp đủ nhiên liệu, vận hành ổn định các nhà máy điện và hiệu quả hệ thống điện hiện có, cũng như đảm bảo triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các dự án nguồn điện, lưới điện đúng tiến độ theo Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 là những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết cần phải được triển khai thực hiện ngay từ thời điểm này.
Để thực hiện tốt các yêu cầu trên, tránh lặp lại các sự cố gây thiếu điện cục bộ như đã xảy ra trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt các công việc sau:
Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam: chủ động xây dựng kế hoạch, phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia với mục tiêu đảm bảo cung cấp điện theo các kịch bản linh hoạt, ứng phó với những khó khăn về cung ứng điện. Khẩn trương rà soát cân đối cung cầu điện năng, công suất hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là cho khu vực miền Bắc đến 2025 và đến 2030, báo cáo Bộ Công Thương trước ngày 30/11/2023.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt việc bảo dưỡng sửa chữa các nhà máy điện, lưới điện truyền tải - phân phối để đảm bảo vận hành với công suất thiết kế. Chuẩn bị sẵn sàng phương án, nguồn lực để kịp thời sửa chữa, khắc phục nhanh hỏng hóc, sự cố (nếu có), làm tốt công tác dự báo, cảnh báo, phòng chống thiên tai... để các nhà máy điện, lưới điện truyền tải - phân phối hoạt động an toàn, hiệu quả.
Thực hiện các giải pháp để đảm bảo cung ứng điện cuối năm 2023 và các năm tiếp theo (Ảnh minh họa)
Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành các đơn vị, công ty trực thuộc thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả, đúng tiến độ đầu tư xây dựng các dự án nguồn và lưới điện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành các dự án nguồn điện, lưới điện được giao làm chủ đầu tư, đặc biệt là công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm phục vụ cấp điện cho miền Bắc như đường dây 500kV mạch 3, Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Nhiệt điện Quảng Trạch I. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp đầu tư thêm nguồn điện tại khu vực phía Bắc để đảm bảo cung ứng đủ điện đến năm 2030.
Triển khai tiết kiệm điện trong toàn ngành, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và khách hàng sử dụng điện triển khai thực hiện những giải pháp tiết kiệm điện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng, có hiệu quả, thực chất về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả đến từng đối tượng, thành phần khách hàng sử dụng điện để nâng cao nhận thức, hành vi sử dụng điện của người dân và doanh nghiệp; đồng thời đẩy mạnh thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện, điều chỉnh phụ tải điện.
Đối với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc: đảm bảo cung cấp đủ than, khí cho các nhà máy điện theo nhu cầu sản xuất điện và hợp đồng cung cấp nhiên liệu đã ký; phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong thực hiện những giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian tới.
Vận hành ổn định, an toàn của các nhà máy điện do mình quản lý, vận hành. Chuẩn bị sẵn sàng phương án, nguồn lực để kịp thời sửa chữa hỏng hóc, sự cố (nếu có) để nhà máy có thể vận hành với công suất thiết kế.
Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành các đơn vị, công ty trực thuộc thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả, đúng tiến độ kế hoạch đầu tư xây dựng các dự án nguồn và lưới điện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với chủ đầu tư các nhà máy điện, dự án nguồn điện, lưới điện: khẩn trương thực hiện đúng trình tự các bước theo quy định của pháp luật đối với các các dự án đầu tư để đưa dự án vào vận hành trong thời gian sớm nhất.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để thực hiện đầy đủ, đúng quy định công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư và các yêu cầu về môi trường đối với dự án.
Xây dựng kế hoạch cụ thể để kiểm soát chặt chẽ chất lượng từ khâu thiết kế đến quá trình xây dựng, nghiệm thu, thử nghiệm... đảm bảo chất lượng xây dựng công trình, sẵn sàng đưa dự án vào vận hành khai thác theo kế hoạch.
Tuân thủ nghiêm quy trình vận hành, đảm bảo an toàn, hiệu quả và sẵn sàng để đáp ứng yêu cầu huy động phát điện đúng công suất thiết kế đã được phê duyệt.
Chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than/khí và các đơn vị liên quan tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ những nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến việc cung cấp than, khí cho sản xuất điện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 2/12/2019, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Chỉ thị số 05/CT-BCT ngày 30/1/2019 và các văn bản liên quan. Chủ động, phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc và các đơn vị khác có tham gia cung cấp nhiên liệu để đảm bảo đủ nhiên liệu cho nhu cầu sản xuất điện.
Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đôn đốc chủ đầu tư các dự án điện trên địa bàn khẩn trương thực hiện dự án, đáp ứng tiến độ theo Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng phê duyệt, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai đền bù giải phóng mặt bằng theo thẩm quyền.
Khẩn trương lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện thuộc thẩm quyền theo quy định pháp luật.
Chỉ đạo các cơ quan liên quan tại địa phương chủ động phối hợp, xử lý khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư tổ chức triển khai thực hiện đầu tư xây dựng và vận hành các dự án điện theo thẩm quyền được giao.
Phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các Tổng công ty/Công ty Điện lực trong thực hiện công tác tiết kiệm điện tại địa phương đạt hiệu quả cao nhất và thực hiện các kịch bản ứng phó với những khó khăn về cung ứng điện trong thời gian tới.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng, có hiệu quả, thực chất về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả đến từng đối tượng, thành phần khách hàng sử dụng điện để nâng cao nhận thức và hành vi sử dụng điện của người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Công Thương yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các đơn vị khẩn trương, nghiêm túc thực hiện và báo cáo kịp thời các khó khăn, vướng mắc.
Hương Linh