Thực hiện Kế hoạch số 355/KH-ĐGS ngày 28/10/2022 của Đoàn Giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021”, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đang cùng với các Bộ ngành, đơn vị liên quan tiến hành giám sát tại một số địa phương. Một trong những nhiệm vụ của Đoàn Giám sát là tiếp nhận những ý kiến đóng góp, đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học đối với việc sửa đổi, hoàn thiện chính sách luật pháp, khung pháp lý liên quan đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Có thể khẳng định, cho đến nay, Việt Nam đã xây dựng và ban hành một hệ thống cơ chế, chính sách và khung pháp lý về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhiều rào cản đã được gỡ bỏ, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai có hiệu quả hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên phạm vi cả nước.
Đoàn công tác gồm một số đại biểu Quốc hội ở các Ủy ban của Quốc hội khảo sát thực tế tại Nhà máy Nhiệt điện BOT Mông Dương 2, tỉnh Quảng Ninh.
Tuy nhiên, quá trình thực hiên trong những năm qua đã bộc lộ những bất cập và thiếu sự đồng bộ của các của các văn bản hướng dẫn chi tiết bao gồm khung pháp lý, cơ chế phối hợp, quản lý nghiệp vụ, chính sách và công cụ tài chính... Điều này dẫn đến thị trường tiết kiệm năng lượng phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng tiết kiệm năng lượng còn rất cao của Việt Nam.
Vì vậy, hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực năng lượng và Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả lực nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, khả thi cho hoạt động sử dụng năng lượng, đảm bảo sự phù hợp và đồng bộ giữa chính sách phát triển năng lượng quốc gia với các chính sách có liên quan khác; đồng thời, khắc phục các bất cập trong quá trình thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hiện hành là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Nâng cao trách nhiệm của địa phương trong kiểm tra định mức tiêu thụ năng lượng của các doanh nghiệp
Đóng góp về các giải pháp hoàn thiện pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để hỗ trợ các cơ quan chức năng trong quá trình giám sát năng lượng, ông Nguyễn Đình Hiệp - Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Theo đó, quy định liên quan đến quản lý cơ sở sử dụng năng lượng cần được xem xét điều chỉnh mức sử dụng năng lượng hiện hành đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm lĩnh vực xây dựng, giao thông, nông nghiệp (1000 TOE đối với cơ sở sử dụng năng lượng thuộc lĩnh vực nông nghiệp, giao thông vận tải và 500 TOE đối với xây dựng) theo phương án phân loại (loại I, II hoặc III), tương ứng với từng loại sẽ khuyến nghị áp dụng mô hình quản lý năng lượng lựa phù hợp. Quy định chi tiết việc xây dựng và áp dụng mô hình quản lý năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm thuộc lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải. Bên cạnh đó là cần tăng cường trách nhiệm của địa phương trong việc kiểm tra tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức tiêu thụ năng lượng của các doanh nghiệp tại địa phương.
Ông Nguyễn Đình Hiệp- Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam.
Đối với hoạt động tư vấn dịch vụ năng lượng và mạng lưới đơn vị tư vấn dịch vụ năng lượng, ông Nguyễn Đình Hiệp cho rằng, cần bổ sung các quy định về điều kiện kinh doanh đối với tổ chức hành nghề kiểm toán năng lượng và hành lang pháp lý cho hoạt động của mô hình Công ty dịch vụ năng lượng (ESCO). Sửa đổi hoặc bổ sung các quy định pháp luật liên quan liên quan đến hoạt động đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn bao gồm đào tạo lần đầu, cập nhật kiến thức, đào tạo nâng cao cho các tổ chức, cá nhân tư vấn hoạt động trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, lực lượng kiểm toán viên năng lượng và cán bộ quản lý năng lượng tại cơ sở sử dụng năng lượng. Xây dựng mạng lưới liên kết chuyên gia, tổ chức đào tạo và doanh nghiệp, để phát huy nguồn lực và tạo điều kiện cho các tổ chức/doanh nghiệp hỗ trợ nhau trong quá trình triển khai hoạt động tại địa phương.
Đối với xây dựng hành lang pháp lý, phát triển các công cụ tài chính hỗ trợ thị trường tiết kiệm năng lượng, ông Nguyễn Đình Hiệp nêu quan điểm, cần nghiên cứu áp dụng các công cụ hỗ trợ tài chính về thu xếp vốn đầu tư, chia sẻ lợi nhuận - rủi ro, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ kỹ thuật cho các Công ty dịch vụ năng lượng. Cung cấp vốn và trợ giúp kỹ thuật thông qua Công ty dịch vụ tư vấn năng lượng (ESCO) cho các dự án tiết kiệm năng lượng và có tính khả thi về tài chính nhưng thiếu vốn ban đầu và đang tìm kiếm nguồn vốn ưu đãi, thúc đẩy đầu tư tiết kiệm năng lượng thông qua các hình thức đa dạng khác nhau bao gồm đầu tư mạo hiểm, vốn tự có, thuê tài sản, tín dụng carbon, quỹ bảo lãnh tín dụng và trợ giúp kỹ thuật.
Quy trình làm việc tại Nhà máy Nhiệt điện BOT Mông Dương 2.
Về quản lý hiệu suất năng lượng của phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng trên thị trường, theo ông Nguyễn Đình Hiệp, cần nghiên cứu, bổ sung vật liệu xây dựng vào danh mục phương tiện, thiết bị, vật liệu xây dựng phải dán nhãn năng lượng. Rà soát, nghiên cứu cơ chế ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm hiệu suất cao hơn có tính định hướng thị trường, từng bước loại bỏ các phương tiện, thiết bị, sản phẩm sử dụng năng lượng hiệu suất thấp.
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo đạt hiệu quả cao, ông Nguyễn Đình Hiệp nêu quan điểm, các Bộ ngành cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Theo đó, tiếp tục sửa đổi hoặc bổ sung các quy định pháp luật liên quan liên quan đến hoạt động đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn bao gồm đào tạo lần đầu, cập nhật kiến thức, đào tạo nâng cao… cho các tổ chức, cá nhân tư vấn hoạt động trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, lực lượng kiểm toán viên năng lượng và cán bộ quản lý năng lượng tại cơ sở sử dụng năng lượng. Bên cạnh đó là xây dựng mạng lưới liên kết chuyên gia, tổ chức đào tạo và doanh nghiệp, để phát huy nguồn lực và tạo điều kiện cho các tổ chức/doanh nghiệp hỗ trợ nhau trong quá trình triển khai hoạt động tại địa phương.
Đối với việc nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ông Nguyễn Đình Hiệp đề nghị các cơ quan cần tăng cường phân cấp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giữa các cơ quan Trung ương và địa phương, quy định cụ thể vai trò và trách nhiệm của cơ quan đầu mối quốc gia, các Bộ, ngành liên quan và địa phương. Đặc biệt là vai trò đầu mối tổ chức triển khai toàn bộ hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đoàn công tác gồm một số đại biểu Quốc hội ở các Ủy ban của Quốc hội tham quan cơ sở hạ tầng của Nhà máy Nhiệt điện BOT Mông Dương 2.
Bên cạnh đó, cần rà soát, bổ sụng các quy định về mua sắm trang thiết bị tiết kiệm năng lượng từ ngân sách Nhà nước, đặc biệt là và trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện và thanh/kiểm tra hằng năm của cấp có thẩm quyền. Phân cấp việc quản lý hoạt động Dán nhãn năng lượng đối với sản phẩm thuộc lĩnh vực xây dựng và phương tiện giao thông vận tải cho Bộ Xây dựng và Giao thông vận tải. Mặt khác, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương đối với hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, mua sắm công, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong trong thực tế thi hành Luật.
Ngoài ra, cần hoàn thiện quy trình phân cấp phối hợp tổ chức thống kê trong lĩnh vực sử dụng năng lượng (bao gồm cả lĩnh vực xây dựng và giao thông vận tải) theo quy định tại Luật Thống kê (Số 89/2015/QH13); đồng thời, kiện toàn mạng lưới thống kê tại các địa phương, có chế tài đối với tổ chức và cá nhân vi phạm.
Theo: https://quochoi.vn/