Theo nội dung của nghị quyết, trụ sở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công... được lắp đặt hệ thống điện mặt trời để tự dùng, UBND TP tổ chức việc lắp đặt này để đảm bảo cảnh quan.
Theo tính toán, tổng tiềm năng kỹ thuật điện có thể lắp đặt các hệ thống điện mặt trời mái nhà tại TP.HCM đạt khoảng 5.081 MWp, được xác định cho 4 nhóm, gồm cơ quan hành chính chiếm 3,27%, sản xuất chiếm 31,28%, thương mại dịch vụ chiếm 3,1% và hộ gia đình chiếm 62,34%.
"Với tỉ lệ trên, công suất điện mặt trời có thể lắp đặt trên mái nhà các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công tại TP khoảng 160 MWp." - ông Kiên cho hay.
Ngành điện cùng tham gia xây dựng đề án và hiệu quả mang lại rất lớn, không chỉ phát triển kinh tế xanh khi dùng năng lượng tái tạo mà còn tạo được nguồn điện tại chỗ, bổ sung nguồn điện trong những giai đoạn khó khăn cao điểm.
Hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp trên nóc một trụ sở doanh nghiệp tại TP HCM. Ảnh: EVNHCMC
Tuy nhiên vấn đề mấu chốt hiện nay là các bên liên quan cần ban hành quy trình để hướng dẫn thực hiện, lắp đặt, thực thi chính sách này một cách thuận lợi và nhanh chóng.
Đồng thời tháo gỡ các điểm vướng để phát triển điện mặt trời mái nhà theo nghị quyết mới. Trong đó có việc thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, xác định những vấn đề khi lắp đặt như mỹ quan, kiến trúc…
Đặc biệt, với cơ chế tài chính thực hiện, cần xác định rõ vốn đầu tư công hay đối tác công tư (PPP), lựa chọn đối tác lắp đặt, đấu thầu…