Liên tục trong những ngày đầu tháng 6 vừa qua, các Công điện, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo điện đã được đưa ra. Giải pháp quan trọng trong các chỉ đạo này đều nhấn mạnh tới việc phải triệt để tiết kiệm điện đối với tất cả các tổ chức, cá nhân sử dụng điện.
Trước đó, ngày 15/5/2023, Bộ Công Thương tổ chức phát động chương trình đẩy mạnh tiết kiệm điện trên toàn quốc, kêu gọi UBND các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành trung ương đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức phù hợp tới các hộ tiêu thụ điện nhằm sử dụng điện tiết kiệm trong bối cảnh cung ứng điện gặp rất nhiều thách thức.
Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã ban hành các văn bản chỉ đạo, đảm bảo cung ứng điện, tiết kiệm điện trên địa bàn.
Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong sử dụng điện.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, "theo tính toán, trung bình mỗi ngày cả nước tiết kiệm được hơn 20 triệu kWh điện (tương đương 2,5% điện năng tiêu thụ hằng ngày)".
Theo ông Đặng Hải Dũng - Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương, con số này rất đáng ghi nhận, nó tương ứng với việc tiêu thụ điện trong vòng 1 năm của khoảng 20.000 hộ gia đình ở mức tiêu thụ khoảng 100kWh/tháng. Như vậy, nếu chúng ta làm tốt công tác tiết kiệm điện thì đây cũng là biện pháp hết sức là hiệu quả, đặc biệt có ý nghĩa trong thời điểm hiện nay.
"Bộ Công thương cũng đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Chỉ thị 20 về tiết kiệm điện. Và để triển khai các nội dung liên quan đến Chỉ thị 20 thì Bộ Công thương cũng đã xây dựng kế hoạch hàng năm để triển khai hoạt động tiết kiệm năng lượng. Có thể kể đến như các hoạt động tại các cơ quan công sở, như là sử dụng các trang thiết bị hiệu suất cao, hoặc cài đặt các chế độ điều hòa ở chế độ hợp lý để đảm bảo cho việc tối ưu, vẫn đảm bảo làm mát nhưng tiết kiệm điện. Vừa rồi chúng tôi cũng đã phối hợp cùng Bộ Khoa học Công nghệ ban hành Quyết định 14 của Thủ tướng Chính phủ - là chương trình chuyển đổi thị trường cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng. Cụ thể thì theo Quyết định 14 này thì tất cả các phương tiện, thiết bị lạc hậu cần phải loại bỏ thì sẽ được thực hiện bắt buộc từ năm 2025, nhưng từ năm nay thì chúng ta cũng đã bắt đầu khuyến khích để chuyển sang sử dụng các loại thiết bị điện hiệu suất cao, đảm bảo các tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng".
Đánh giá cao một số thông điệp truyền thông về tiết kiệm điện được đưa ra trong thời gian qua, trong đó, thông điệp “Tiết kiệm điện - Thành thói quen” của Giờ trái đất 2023 cũng là thông điệp của chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng giai đoạn 2020-2025; Hay “Tăng cường tiết kiệm điện là đảm bảo an ninh năng lượng”… song, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, cần có các quy định mạnh mẽ hơn trong việc sử dụng hiệu quả năng lượng.
Ông Chu Bá Thi - Chuyên gia năng lượng cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, "Phải làm thế nào để việc thực hiện tiết kiệm năng lượng phải là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người đối với đất nước, và phải đặt ra đó là một việc cấp bách, mọi người cần phải tuân thủ. Chúng ta có rất nhiều kinh nghiệm của thế giới về thúc đẩy tiết kiệm năng lượng. Ví dụ như của Trung Quốc, người ta còn giao chỉ tiêu về tiết kiệm năng lượng cho từng ngành, từng địa phương và phải có hệ thống theo dõi, giám sát các chỉ tiêu. Người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm về thực hiện các chỉ tiêu về tiết kiệm năng lượng… tức là Nhà nước cần phải có các biện pháp mạnh mẽ hơn để doanh nghiệp và người dân tuân thủ thực hiện tiết kiệm năng lượng".
Sau hơn 10 năm thực thi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hiện Bộ Công Thương đang tiến hành sửa đổi Luật nhằm tuân thủ các chỉ đạo tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như các cam kết tại COP 26 về biến đổi khí hậu. Theo kế hoạch, năm 2024 sẽ hoàn thành việc chỉnh sửa, bổ sung luật để trình Quốc hội xem xét trong năm 2025.
Theo các chuyên gia, điều quan trọng của việc sửa đổi luật là làm sao nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của các chương trình tiết kiệm điện, để toàn thể nhân dân, các tổ chức, cá nhân, khách hàng sử dụng điện nhận thấy phải có trách nhiệm trong việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.
Theo: Trang tin điện tử ngành Điện