Thứ sáu, 01/11/2024 | 23:33 GMT+7

Chiếu sáng thông minh và tiết kiệm năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh

27/04/2023

Hiện nay, ứng dụng công nghệ mới trong phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị chính là xu hướng và giải pháp tối ưu cho việc tiết kiệm năng lượng, nâng cao chất lượng chiếu sáng đô thị, giảm tác động đến môi trường và hướng tới nền kinh tế xanh.

Hướng tới chiếu sáng thông minh
Cùng với đô thị hóa, ô nhiễm ánh sáng như lạm dụng ánh sáng thiếu kiểm soát, ánh sáng trang trí quá mức… đang gây lãng phí điện năng. Bên cạnh đó, hệ thống chiếu sáng đô thị tại Việt Nam hiện phần lớn còn dùng đèn chiếu sáng công nghệ cũ. Trong khi nếu sử dụng công nghệ tiên tiến có thể giảm 65-70% điện năng tiêu thụ, giảm phát thải CO2, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết tại COP26.
Theo đó, chuyển dịch phát trển chiếu sáng đô thị Việt Nam theo hướng thông minh và tiết kiệm năng lượng là việc làm cần thiết góp phần thúc đẩy tăng trường kinh tế, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống và đảm bảo văn minh đô thị.
Hiện nay, việc nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nhất là việc khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng mới, tái tạo trong hoạt động chiếu sáng đô thị nhằm tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng điện - năng lượng và bảo vệ môi trường đã được nhiều đơn vị triển khai. Đồng thời, nhà nước cũng tích cực khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư, sản xuất và sử dụng các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao tiết kiệm điện.
Đô thị thông minh không thể thiếu các giải pháp chiếu sáng thông minh. (Ảnh minh hoạ)
Thời gian qua, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan quản lý chiếu sáng đô thị, từ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đến Nghị định, định hướng phát triển chiếu sáng cho các đô thị Việt Nam và nhiều văn bản khác có liên quan, đã hướng tới việc nâng cao hiệu quả, hiệu suất chiếu sáng, tiết kiệm năng lượng… Đồng thời, các chương trình hành động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được triển khai, trong đó, lĩnh vực chiếu sáng đô thị đã và đang có sự thay đổi, phát triển, gắn với chuyển đổi số, chiếu sáng thông minh.
Cụ thể, một số dự án thí điểm cải tạo chiếu sáng đô thị thông minh đã được thực hiện và đem lại kết quả đáng khích lệ. Điển hình là dự án chiếu sáng đô thị thông minh thí điểm tại thành phố Hội An (Quảng Nam). Theo đó, hệ thống đèn chiếu sáng công cộng tại một số tuyến phố chính ở Hội An đã được thay thế bằng các đèn LED 80W, thiết bị điều chỉnh độ sáng thông minh theo thời gian và lưu lượng giao thông, được giám sát và điều khiển trực truyến. Hiệu quả đem lại ước tính tiết kiệm 52.533 kWh mỗi năm.
Tại Hội nghị chiếu sáng toàn quốc năm 2023 tại thành phố Đà Nẵng vào ngày 20 tháng 4 năm 2023, Ông Vũ Quang Đăng – tư vấn năng lượng trong nước của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho biết: “Nếu hệ thống chiếu sáng cũ tiêu thụ 80.882 kWh/năm thì hệ thống chiếu sáng thông minh chỉ tiêu thụ 28.350 kWh/năm, tương đương tiết kiệm 65% năng lượng tiêu thụ. Với giải pháp này ước tính tiết kiệm được 110 triệu đồng và giảm 42,24 tấn C02 mỗi năm. Đây có thể coi là dự án điển hình khích lệ các thành phố, địa phương khác đầu tư hệ thống chiếu sáng công cộng hiệu quả năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.”
Tỉ lệ đèn LED trong chiếu sáng đèn đường tại Việt Nam theo khảo sát của tư vấn ADB vào năm 2022.
Giải pháp tài chính cho chiếu sáng đô thị Việt Nam
Thời gian qua, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) phối hợp với Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Bộ Xây dựng tổ chức triển khai thực hiện dự án Chiếu sáng thông minh và hiệu quả tại Việt Nam (SELP) nhằm mục đích giúp các thành phố và tỉnh của Việt Nam đạt được các mục tiêu trong xây dựng phát triển bề vững đô thị Việt Nam (Nghị quyết 06/NQ-TW), Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP) và các sáng kiến về thành phố xanh/thông minh.
Dự án SELP được triển khai tại 6 tỉnh thành của Việt Nam gồm: Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Lâm Đồng, Quảng Nam, Quảng Ninh đã huy động được sự tham gia tích cực của chính quyền các địa phương và sự vào cuộc của Hội chiếu sáng Việt Nam. ADB đã nghiên cứu và đề xuất các mô hình đầu tư cho hệ thống chiếu sáng đô thị từ nguồn vốn vay có bảo lãnh chính phủ (ODA), vốn vay không có bảo lãnh chính phủ (NSO), hợp tác công tư (PPP) theo điều kiện tài chính của từng địa phương khác nhau. ADB sẽ huy động các nguồn hỗ trợ kỹ thuật, vốn vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại từ ADB và các tổ chức tài chính khí hậu để thực hiện dự án hiệu quả cao nhất.    
Việc cải thiện, nâng cao hiệu quả trong chiếu sáng đô thị không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo mỹ quan đô thị. Do đó, trong quá trình phát triển của ngành chiếu sáng thời gian tới, rất cần sự chung tay, đóng góp hơn nữa của các tổ chức trong và ngoài nước, trong đó có đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp với nhu cầu phát triển mới, giải pháp ứng dụng công nghệ mới và kinh nghiệm quốc tế.
Mai Anh