Thứ hai, 23/12/2024 | 10:52 GMT+7

Hà Nội sử dụng sản phẩm hiệu suất cao, tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng đô thị

13/03/2023

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 72/KH-UBND về nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025.

Kế hoạch nhằm cụ thể hóa Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”; Thông báo số 1544-TB/BCSĐ ngày 5/12/2022 của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành Kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025.
Nâng cao chất lượng chiếu sáng công cộng đô thị và sử dụng các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện trên địa bàn Thủ đô. (Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet)
Phạm vi của kế hoạch gồm các hạng mục chiếu sáng công cộng đô thị theo ranh giới hành chính của 12 quận nội thành, 18 huyện, thị xã để đạt được các mục tiêu trong Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 7/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025, trong đó yêu cầu: “Triển khai các giải pháp công nghệ tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, sử dụng thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện cho 100% công trình chiếu sáng công cộng chuẩn bị đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp; đẩy nhanh lộ trình thực hiện tự động hóa chiếu sáng theo khung thời gian và điều kiện thời tiết của các công trình chiếu sáng công cộng”.
Căn cứ phạm vi của kế hoạch, UBND thành phố xác định rõ các mục tiêu cụ thể, đó là: Bảo đảm chiếu sáng theo quy chuẩn, an toàn, hiệu quả và tiết kiệm điện; đạt tỷ lệ 100% đường đô thị, tối thiểu 80% ngõ, xóm được chiếu sáng; Hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị được đầu tư xây dựng đạt quy chuẩn và an toàn trong vận hành bảo dưỡng.
Đồng thời, TP nâng cao chất lượng chiếu sáng công cộng đô thị và sử dụng các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện; nghiên cứu và từng bước sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió) trong chiếu sáng công cộng đô thị. Các công trình giao thông được chiếu sáng đầy đủ với các chức năng định vị và dẫn hướng; thiết kế chiếu sáng có tính thẩm mỹ cao; thuận tiện, an toàn trong quá trình sử dụng. Chiếu sáng không gian công cộng đô thị, chiếu sáng trang trí phải bảo đảm các yêu cầu về ánh sáng an toàn, góp phần bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ an ninh, trật tự.
Cùng với đó, thành phố cũng sẽ mở rộng phạm vi hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị được quản lý, vận hành và điều khiển bằng trung tâm điều khiển chiếu sáng công cộng; Thực hiện việc hạ ngầm đường dây cấp điện chiếu sáng, bao gồm công tác cải tạo, nâng cấp hệ thống chiếu sáng hiện có tại các tuyến phố, ngầm hóa các đường dây, cáp đi nổi của các đơn vị viễn thông; Nghiên cứu, hiện thực hóa các giải pháp để hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị trở thành một bộ phận quan trọng của đô thị thông minh.
 Chi tiết kế hoạch tại đây.
Hương Linh