Chủ nhật, 22/12/2024 | 15:21 GMT+7

Phát triển năng lượng tái tạo phải đi đôi với sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả

23/02/2023

Cho dù trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đề ra mục tiêu tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045. Tuy nhiên, vẫn chưa có cơ chế thúc đẩy các doanh nghiệp và người dân tiết kiệm điện và sử dụng điện hiệu quả…

Trong khuôn khổ chuyến làm việc của Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu CHLB Đức (BMWK) tới Việt Nam trong tháng 2/2023, Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ (ESP) phối hợp tổ chức chuỗi hội thảo về chủ đề Hiệu quả năng lượng và Phát triển Hydrogen tại thị trường Việt Nam.
Cụ thể, các hội thảo được tổ chức ngày 21-22/3 với những chủ: “Hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Đức trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng để vượt qua rào cản thị trường”; “Cơ hội và thách thức cho phát triển ngành công nghiệp hydrogen tại Việt Nam”.
Sản xuất điện từ hydro là hoàn toàn không phát sinh khí thải CO2
Cần cơ chế thúc đẩy sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả
Theo Tổ chức hợp tác Phát triển Đức GIZ, từ năm 2013, năng lượng trở thành một trong những ưu tiên hợp tác của Chính phủ Đức tại Việt Nam. Chương trình Hỗ trợ Năng lượng của Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) đã hỗ trợ thực hiện nhiều dự án thuộc các lĩnh vực cụ thể của ngành năng lượng tại Việt Nam nhằm đóng góp vào chiến lược giảm phát thải khí nhà kính và chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.
Tại hội nghị COP 26, Việt Nam đã đưa ra những cam kết sâu rộng về bảo vệ khí hậu, trong đó có mục tiêu đưa phát thải về 0 (Net Zero) vào năm 2020.  Theo định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu phát triển năng lương tái tạo (bao gồm cả thủy điện) trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030, 25-30% vào năm 2045.
“Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo phải được tiến hành song song với việc sử dụng các nguồn năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đây là cách thức chuyển dịch năng lượng bền vững và hiệu quả nhất”. 
Chuyên gia của GIZ 
Bên cạnh đó, tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng: Giá điện và giá năng lượng tại Việt Nam còn thấp, khiến việc sử dụng năng lượng của người dân và doanh nghiệp chưa thực sự tiết kiệm, còn rất lãng phí. Trong khi đó, quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam vẫn chưa đề cập đến hiệu quả năng lượng như một nguồn năng lượng có thể được khai thác và trao đổi như than, dầu, khí tự nhiên và năng lượng tái tạo,
Khẳng định tiết kiệm năng lượng luôn là “Nhiên liệu đầu tiên” của một quốc gia, các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phải đầu tư chuyển đổi công nghệ từ những máy móc thiết bị sử dụng tiêu hao năng lượng điện lớn sang những máy móc có hiệu suất sử dụng điện cao hơn, giảm lượng điện nhưng cho năng suất sản xuất hàng hóa cao hơn.
Tại Việt Nam, hệ thống ngân hàng cũng chưa có cơ chế ưu đãi vay vốn cho chuyển đổi công nghệ sử dụng hiệu quả năng lượng. Tiềm năng tiết kiệm năng lượng lớn hàng năm có thể được hiện thực hóa thông qua các khoản đầu tư hiện đại hóa công nghiệp, nhưng rất ít giám đốc của các doanh nghiệp hỏi vay ngân hàng để đầu tư vào vấn đề này. Tại hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng cần giúp các doanh nghiệp được trang bị kiến thức kỹ năng để họ có các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả.
Điện Hydrogen xanh - giải pháp của tương lai
Các chuyên gia ngành năng lượng cho biết một nguồn năng lượng đang ngày càng thu hút sự chú ý và có thể sẽ trở thành nguồn năng lượng linh hoạt nhất trong tương lai: Đó là năng lượng hydro.
Hydro là nguyên tố nhẹ và phong phú nhất trong vũ trụ. Trên Trái đất, hydro phân tử nguyên chất khá hiếm, nhưng chúng ở khắp xung quanh ta dưới dạng hợp chất dễ thấy nhất là nước (H2O). Để tạo ra hydro, thường sử dụng phương pháp điện phân, tách các phân tử nước thành hydro và oxy. Phương pháp tạo ra điện từ hydro chỉ là phản ứng đảo ngược của điện phân nước.
Điều tuyệt vời khi sản xuất điện từ hydro là hoàn toàn không phát sinh khí thải CO2, đây là một quy trình sạch sẽ và thân thiện với môi trường. Nhờ những tiến bộ trong khoa học công nghệ, hydrogen xanh và các dẫn suất có thể được ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp khó giảm phát thải như: dầu khí, hóa chất, ngành vận tải hàng không, tàu biển hay công nghiệp sản xuất thép và ngành năng lượng.
Hydro có thể sử dụng để cấp điện cho mọi thứ từ tàu bè đến phi thuyền, cũng như cao ốc văn phòng, trung tâm giao thông, xe bus và xe hơi. Bởi vì hydro có thể được lưu trữ dưới dạng pin điện, dễ dàng được vận chuyển đến những địa điểm cần thiết.
Hiện nay rất nhiều quốc gia trên thế giới đã có chiến lược phát triển nghành hydrogen xanh, đưa ra những mục tiêu cụ thể trong trung, dài hạn. Đặc biệt một số quốc gia như như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, và các nước EU còn có kế hoạch nhập khẩu hydrogen từ các nước láng giềng và trong khu vực.
Theo ông Võ Thanh Tùng- Chuyên gia dự án, Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ, nhận định công nghệ năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời đã phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, đang mở ra những cơ hội to lớn để thúc đẩy ngành công nghiệp hydrogen xanh phát triển. Có những thời điểm điện năng sản xuất từ nhà máy điện gió và mặt trời quá lớn so với nhu cầu phụ tải, lúc đó phần điện năng dư thừa có thể sử dụng để sản xuất hydrogen. Đây là một cách để lưu trữ năng lượng tái tạo dư thừa tránh tình trạng gây quá tải lưới và có thể bị sa thải công suất gây lãng phí tài nguyên quốc gia.
"Việt Nam cũng cần có nghiên cứu, áp dụng các cơ chế tín dụng xanh, các công cụ tài chính xanh phù hợp nhằm giảm thiểu chi phí vốn và rủi ro cho các nhà đầu tư sản xuất hydrogen xanh”.
Ông Võ Thanh Tùng- Chuyên gia dự án, Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ.
Tại Việt Nam, trong Quy hoạch điện 8 đặt ra tham vọng sử dụng hydrogen xanh và Ammonia xanh để sản xuất điện bằng cách phối trộn một phần với khí tự nhiên hoặc với than trong các nhà máy nhiệt điện khí và nhiệt điện than trong tương lai để giảm phát thải CO2.
Ông Tùng cho hay mặc dù được coi là giải pháp góp phần giúp Việt Nam có thể đạt mục tiêu không phát thải carbon (Net Zero) vào năm 2050, nhưng ngành công nghiệp hydrogen xanh đang phải gặp khó khăn thách thức do giá thành sản xuất quá cao dẫn đến giá của nguồn nhiên liệu này vô cùng đắt đỏ.
Công nghệ, nguồn nhân lực và cả tài chính là những thách thức cho Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng sử dụng hydrogen. Bên cạnh đó, sự phát triển của hạ tầng lưu trữ, vận chuyển, phân phối hiện nay còn rất hạn chế. Giải quyết vấn đề này đòi hỏi phải có một kế hoạch tổng thể và cơ chế phối hợp giữa các Chính phủ, các ngành công nghiệp và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích các nhà sản xuất điện sẵn sàng chuyển sang sử dụng hydrogen xanh.
Chuyên gia của GIZ khuyến cáo Chính phủ Việt Nam cần có chiến lược, lộ trình và mục tiêu rõ ràng trong ngắn hạn và dài hạn cùng với cơ chế chính sách phù hợp nhằm khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia vào đầu tư sản xuất hydrogen xanh, phát triển thị trường hydrogen trong nước và xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Theo: Vneconomy.vn