Thứ năm, 26/12/2024 | 22:14 GMT+7
Chuỗi Hội nghị ba ngày, từ 7-9 tháng 6, được tổ chức tại Sønderborg, Đan Mạch, có sự tham dự của đại diện cấp cao của 24 quốc gia và Liên minh quốc tế. Trong đó có Đan Mạch, Thụy Điển, Anh, Pháp, Đức, Ireland, New Zealand, Indonesia, Nhật Bản, Mexico, Senegal, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Liên minh châu Phi… Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo năng lượng và khí hậu toàn cầu thống nhất những hành động thúc đẩy hiệu quả năng lượng có thể giảm hóa đơn năng lượng, xóa bỏ sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng và đẩy nhanh tiến trình giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, Tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của hiệu quả năng lượng trong việc giải quyết các khủng hoảng hiện nay, bao gồm khủng hoảng năng lượng, áp lực lạm phát và tăng phát thải.
Đại diện các Chính phủ cho biết đang tìm kiếm các cơ hội trao đổi và hợp tác hướng đến những chính sách và thực hành hoạt động năng lượng hiệu quả tốt hơn. Các nhà hoạt định chính sách toàn cầu cũng yêu cầu IEA tiếp tục “điều phối và hỗ trợ các hoạt động này”, đồng thời kêu gọi “tất cả các chính phủ, ngành nghề, doanh nghiệp và các bên liên quan tăng cường các hoạt động hiệu quả năng lượng.”
Đại diện cấp cao của 24 quốc gia và Liên minh quốc tế đã đến Hội nghị Hiệu quả năng lượng toàn cầu lần thứ 7 tại Sønderborg (Đan Mạch). Ảnh: IEA.
Giám đốc điều hành IEA ông Fatih Birol cho biết: “IEA lần đầu tiên khởi động Hội nghị hiệu quả năng lượng bảy năm trước nhằm thúc đẩy các thảo luận cấp cao trên quy mô toàn cầu trong lĩnh vực quan trọng này nhưng vẫn chưa được thực sự chú ý đúng mức. Hội nghị lần này đã cho thấy giá trị của những nỗ lực đó, không chỉ trong việc đưa các lãnh đạo năng lượng và khí hậu toàn cầu ngồi lại cùng nhau, mà còn nâng các tham vọng và hành động hiệu lên tầm cao mới để giúp giải quyết các khủng hoảng năng lượng hiện nay. Tôi tin rằng Hội nghị này có thể được coi như một dấu mốc cho tiến trình mạnh mẽ của hiệu quả năng lượng toàn cầu, kết quả là giảm hóa đơn năng lượng cho người dân, tăng cường an ninh năng lượng cho các quốc gia và giảm phát thải cho cả hành tinh.”
Ông Dan Jørgensen, Bộ trưởng Khí hậu, Năng lượng và Hạ tầng Đan Mạch, đồng chủ trì Hội nghị, cho biết: “Đây là một nhận thức quan trọng về hiệu quả năng lượng và vai trò của nó đối với khí hậu cũng như là thúc đẩy tự chủ năng lượng. Khi làm việc cùng nhau, chia sẻ kiến thức và thực hành công nghệ tốt, chúng ta chắc chắn cải thiện nỗ lực hiệu quả năng lượng toàn cầu.”
Đại diện các quốc gia và Liên minh tham dự Hội nghị trực tiếp gồm có Đan Mạch, Đức, Hungary, Indonesia, Ireland, New Zealand, Nigeria, Panama, Senegal, Thụy Điển, Vương quốc Anh, đại diện Liên minh châu Phi phụ trách Hạ tầng và Năng lượng, đại diện EU phụ trách năng lượng. Bộ trưởng Năng lượng Ukraina cũng tham dự với hình thức trực tuyến.
Trong ba ngày, các đại diện Chính phủ và Liên minh đã thảo luận các vấn đề như tòa nhà trong tương lai, vai trò của người tiêu dùng, mở khóa các công cụ tài chính cho hiệu quả năng lượng… Ngày cuối cùng của kỳ Hội thảo bao gồm các thảo luận chuyên sâu giữa các Bộ trưởng về việc làm thế nào để biến các dự định thành hành động.
\
Theo phân tích mới nhất của IEA, tăng gấp đôi hiệu quả năng lượng lên 4%/năm có thể giúp giảm tới 95 exajoules/năm, khoảng 26.410 tỷ kWh, nhu cầu sử dụng điện hàng năm trên toàn thế giới.
Theo báo cáo phân tích mới của IEA, việc tăng gấp đôi hiệu quả cường độ năng lượng hiện tại trên toàn cầu, lên 4%/năm, có thể giảm tới 95 exajoules/năm (khoảng 26.410 tỷ kWh). Con số này tương đương với tổng năng lượng sử dụng hàng năm tại Trung Quốc. Lượng năng lượng tiết kiệm được có thể giúp giảm thêm khoảng 5 tỷ tấn phát thải CO2 mỗi năm đến 2030. Điều này tương đương với ⅓ lượng phát thải cần giảm trong thập kỷ này theo lộ trình net zero vào giữa thế kỷ (theo tính toán trong Lộ trình net zero của IEA được công bố năm 2021).
Các nỗ lực tăng cường hiệu quả năng lượng và các lĩnh vực liên quan sẽ cắt giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu. Chẳng hạn, trong tiêu thụ năng lượng gia đình, có thể tiết giảm khoảng 650 tỷ USD mỗi năm tới cuối thế kỷ. Lượng tiêu thụ gas cũng sẽ giảm. Số lượng giảm dự tính bằng bốn lần số khí đốt châu Âu nhập khẩu khí gas từ Nga năm ngoái. Mức tiêu thụ dầu ước tính giảm khoảng 30 triệu thùng mỗi ngày, gấp ba lần sản lượng trung bình của Nga năm 2021. Nỗ lực toàn cầu này cũng sẽ giúp tạo thêm khoảng 10 triệu việc làm trong các lĩnh vực từ xây dựng trang thiết bị bổ sung tới sản xuất và cơ sở hạ tầng.
Phân tích mới cũng cho thấy các cơ hội đáng kể cho việc tăng tốc hiệu quả năng lượng trong tất cả các lĩnh vực kinh tế toàn cầu. Các cơ hội đến từ sự phát triển các công nghệ, và cả giảm giá thành của chúng, đặc biệt khi xét trong bối cảnh giá nhiên liệu đang tăng cao. Tới năm 2030, ước tính ⅓ mức năng lượng cắt giảm được do cải thiện trang thiết bị, từ điều hòa không khí tới ô tô. ⅕ năng lượng cắt giảm do điện khí hóa, như chuyển dịch sang công nghệ sưởi điện hay ô tô điện. Số hóa và sử dụng vật liệu hiệu quả năng lượng trong công nghiệp sẽ đóng góp mức giảm nhu cầu năng lượng còn lại.
An Nhiên (Theo IEA)