Thứ bảy, 02/11/2024 | 03:34 GMT+7

Nhiều giải pháp cung ứng điện cho phục hồi kinh tế

10/06/2022

Bộ Công Thương, các chuyên gia ngành điện và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đều khẳng định, việc cung ứng điện trong năm nay về cơ bản sẽ được đảm bảo.

Tuy vậy, trong bối cảnh nền kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi sau dịch COVID-19, nhu cầu điện dự báo tiếp tục tăng mạnh và sẽ có nhiều khó khăn trong việc đảm bảo cung cấp điện, đặc biệt vào một số thời điểm nắng nóng cực đoan.
Cung ứng điện năm 2021 về cơ bản sẽ được đảm bảo. 
Phóng viên đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Quốc Trung, Phó giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) về những giải pháp cho vấn đề này.
 
Xin ông cho biết về thực trạng và khó khăn trong sản xuất và cung ứng điện từ nay đến cuối năm, nhất là mùa khô năm nay, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang bước vào giai đoạn phục hồi sau dịch COVID-19?
 

Phó giám đốc Nguyễn Quốc Trung: Bộ Công Thương đã có Quyết định số 3063/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2022; trong đó giao EVN đảm bảo vận hành, cung cấp điện an toàn, ổn định và tin cậy cho hệ thống điện quốc gia. Nhu cầu phụ tải dự kiến cả năm là 275,5 tỷ kWh, tương ứng với tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 đã được Quốc hội phê duyệt là từ 6 đến 6,5%.
 
Về mặt tổng thể, việc đáp ứng nhu cầu phụ tải như trên tại các khu vực miền Trung, miền Nam là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên với khu vực miền Bắc có thể có tình trạng một vài thời điểm gặp khó khăn, nhất là trong giai đoạn các tháng cao điểm nắng nóng kéo dài tại miền Bắc (thường vào tháng 5,6,7 hàng năm).
 
Thực trạng này đã khiến EVN chủ động xây dựng các kịch bản và có những giải pháp nào triển khai nhằm đáp ứng đủ điện cho sự hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch?
 
Phó giám đốc Nguyễn Quốc Trung:
Trên thực tế, EVN đã chủ động xây dựng các kịch bản về cung ứng điện và phối hợp với các đơn vị có liên quan và các khách hàng sử dụng điện để thực hiện nhóm các giải pháp đảm bảo cung cấp điện về vận hành; về bổ sung nguồn cung; về tăng cường năng lực truyền tải; sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và điều chỉnh nhu cầu phụ tải.
 
Để đảm bảo khả năng cung cấp điện trong thời gian tới, trong bối cảnh phụ tải phục hồi sau đại dịch COVID-19, EVN đã và đang tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về vận hành và đầu tư.
 
Cụ thể, đối với việc quản lý nhu cầu điện, Tập đoàn tuyên truyền tiết kiệm điện sâu rộng trong khách hàng, khuyến khích sử dụng các thiết bị điện hiệu suất tốt, sử dụng điện hiệu quả vào các thời gian thấp điểm; đồng thời đàm phán với khách hàng điều chỉnh nhu cầu sử dụng điện, sử dụng nguồn điện sẵn có.
 
Đối với việc đảm bảo cung cấp điện, EVN cũng giữ mực nước các hồ thủy điện cao trong giai đoạn cuối mùa khô để tăng cường công suất khả dụng của hệ thống điện; nâng cao khả năng truyền tải của các tuyến đường dây 500kV huyết mạch từ miền Trung ra miền Bắc. Mặt khác, Tập đoàn đàm phán nhập khẩu điện trong giai đoạn nắng nóng và làm việc với các bên liên quan đảm bảo cung cấp nguồn nhiên liệu đầy đủ cho các tổ máy nhiệt điện than nhằm hoạt động đủ toàn bộ công suất.
 
Ngoài ra, EVN cũng yêu cầu các đơn vị lập kế hoạch vận hành, sửa chữa thiết bị hợp lý, đảm bảo thiết bị vận hành ổn định, sẵn sàng vật tư thay thế ngay khi sự cố. Đồng thời có thể phải tính đến phương án đàm phán, dịch chuyển khung giờ hưởng chi phí tránh được của các thủy điện nhỏ trùng vào thời gian cao điểm tối của phụ tải miền Bắc.
 
Nhờ sự nỗ lực này, dự kiến trong các tháng còn lại của mùa khô 2022, miền Bắc sẽ đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục cho nhu cầu sử dụng của nhân dân và các đơn vị sản xuất, trừ trường hợp có sự cố bất thường lớn trên hệ thống.
 
Về mặt dài hạn, các đơn vị trong ngành điện từ EVN, đơn vị điều độ, đơn vị quản lý vận hành lưới điện cũng như các đơn vị phát điện sẽ cần lập phương án vận hành phù hợp nhất; đồng thời tăng cường quản lý kỹ thuật để đảm bảo độ tin cậy và tối ưu vận hành nguồn điện, cũng như lưới điện.
 
Trong đầu tư, xây dựng, Tập đoàn cần đảm bảo và đẩy nhanh tiến độ các công trình nguồn và lưới điện quan trọng, đặc biệt là các công trình nguồn tại miền Bắc và các công trình nâng cao năng lực truyền tải giữa miền Bắc – Trung; đẩy mạnh nhập khẩu điện, đặc biệt là các liên kết đấu nối vào khu vực miền Bắc; nghiên cứu, đề xuất đầu tư các hệ thống pin tích trữ năng lượng, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo tại miền Bắc.
 
Cùng với đó, ngành điện cần có cơ chế khuyến khích khách hàng tham gia chương trình tiết kiệm, điều chỉnh phụ tải nhằm giảm công suất điện tiêu thụ vào các ngày nắng nóng. Đây là giải pháp đặc biệt hiệu quả và ít tốn kém khi tình trạng thiếu điện chỉ xảy ra vào một số thời điểm cực đoan nhất định.
Ông Nguyễn Quốc Trung.
Ngoài sự chủ động trên, ông có những đề xuất gì tới chủ đầu tư các nhà máy điện ngoài EVN, các đơn vị cung cấp nguồn nguyên nhiên liệu cho sản xuất điện của EVN nói riêng và các nhà máy điện sử dụng than, khí nói chung với mục tiêu đảm bảo đáp ứng đủ điện cho nền kinh tế đang hồi phục và sẽ tăng trưởng cao trong thời gian tới?
 
Phó giám đốc Nguyễn Quốc Trung: Nhiệm vụ đảm bảo cung ứng đủ điện an toàn, liên tục cho nền kinh tế và nhu cầu của nhân dân là hết sức nặng nề. EVN mong muốn chủ đầu tư các nhà máy điện, các đơn vị cung cấp nguồn nguyên nhiên liệu cho sản xuất điện cùng chung tay, phối hợp và hỗ trợ Tập đoàn, các đơn vị của EVN để hoàn thành mục tiêu chung, nhiệm vụ chung mà Đảng và Chính phủ giao phó.
 
Bên cạnh đó, các đơn vị nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia luôn đảm bảo tuân thủ mệnh lệnh điều độ về lên/xuống tổ máy, sẵn sàng tình trạng kỹ thuật tổ máy để huy động nhằm đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện. EVN cũng kiến nghị các đơn vị cung cấp nhiên liệu than, khí, dầu đảm bảo thực hiện theo đúng các hợp đồng đã ký kết.
 
Ông dự báo thế nào về tình hình sản xuất và cung ứng điện sau năm 2023, khi mà nền kinh tế tăng trưởng trở lại, nhiều dự án nguồn điện và lưới điện còn chậm được triển khai vì nhiều lý do, gây áp lực trong việc cung cầu điện những năm tới?
 
Phó giám đốc Nguyễn Quốc Trung:
Theo tính toán cân đối của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, dựa trên dự kiến tiến độ nguồn điện và dự báo phụ tải cho hệ thống điện miền Bắc trong giai đoạn từ nay tới năm 2025, khu vực miền Bắc vẫn có thể gặp một số thời điểm khó khăn trong việc đảm bảo cung cấp điện trong một số thời điểm nắng nóng cực đoan.
 
Nguyên nhân chủ yếu do lượng công suất nguồn điện ở miền Bắc được bổ sung hàng năm không theo kịp với sự tăng trưởng phụ tải đỉnh trong giai đoạn này, cụ thể theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, phụ tải đỉnh trong giai đoạn 2022 – 2025 tăng trưởng trung bình với công suất 2.830 MW/năm, trong khi công suất nguồn điện mới được bổ sung dự kiến chỉ đạt trung bình 1.565 MW/năm. Do đó, tình hình vận hành hệ thống điện miền Bắc có xu hướng ngày càng căng thẳng trong các năm tới.
 
Bên cạnh đó, việc thiếu nhiên liệu đầu vào, sự suy giảm công suất do nhiệt độ môi trường, sự vận hành không ổn định của thiết bị của các nhà máy nhiệt điện than hay suy giảm công suất của các nhà máy thủy điện do mực nước thấp vào cuối mùa khô, các nhà máy thủy điện nhỏ không đủ nước để huy động trong suốt thời gian phụ tải tăng cao cũng là một trong các nguyên nhân gây suy giảm công suất dự phòng của hệ thống điện.
 
Tuy nhiên, khó khăn này sẽ không xảy ra thường xuyên và dài ngày mà chỉ có nguy cơ xảy ra vào các thời điểm nắng nóng kéo dài trong giai đoạn cuối mùa khô làm cho nhu cầu tiêu dùng điện tăng cao đột biến…
 
Xin cảm ơn ông!
Theo: Trang tin điện tử ngành điện