Thứ bảy, 02/11/2024 | 07:30 GMT+7

Không để xảy ra thiếu điện và khủng hoảng năng lượng trong mọi tình huống

19/04/2022

Ngày 13/4/2022 Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 108/TB-VPCP thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về tình hình cung ứng điện và vấn đề cung cấp than, khí cho sản xuất điện.

Theo Thường trực Chính phủ, an ninh năng lượng là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; trong thời gian qua, ngành Điện, dầu khí, than đã có đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đảm bảo quốc phòng, an ninh tại nhiều địa phương và đất nước. Đối với an ninh năng lượng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp về bảo đảm bảo ứng điện, tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện, không để xảy ra khủng hoảng năng lượng trong mọi tình huống.
Từ đầu năm đến nay, bối cảnh địa chính trị, địa kinh tế trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, thêm vào đó ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã làm tăng giá nhiên liệu than, dầu và khí, tăng chí phí vận chuyển trên phạm vi toàn thế giới, đã tác động đến sản xuất và tiêu dùng điện trong nước. Mặc dù công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cơ bản đầy đủ song việc tổ chức thực hiện và phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan trong thời gian qua còn chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ, thiếu tính chủ động; đồng thời việc dự báo, xây dựng các kế hoạch về sản lượng, tiến độ, nhu cầu còn chưa sát tình hình và chưa kịp thời điều chỉnh khi tình hình thay đổi.
Các bộ, ngành cơ quan đã thẳng thắng trao đổi, nhận định tình hình và đánh giá toàn diện các vấn đề tồn tại một cách khách quan, đề xuất các giải pháp khắc phục trong thời gian tới trên tinh thần tất cả vì mục tiêu chung, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết.
Đánh giá về nguồn lực trong nước, khả năng sản xuất điện trong nước và khả năng nhập khẩu điện cho thấy về tổng thể hệ thống điện quốc gia có thể bảo đảm cung ứng điện, song vẫn tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện cục bộ tại các khu vực nhất là phía Bắc. Tuy vậy, yêu cầu chung đặt ra là phải bảo đảm cung cấp điện một cách bền vững, không để khủng hoảng về năng lượng, đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, đồng thời bảo đảm giá cả hợp lý, kiểm soát phù hợp, không gây tác động tiêu cực tới lạm phát và các cân đối lớn về xuất nhập khẩu, thu chi ngân sách nhà nước.
Thường trực Chính phủ yêu cầu các tập đoàn: EVN, PVN, TKV và các doanh nghiệp ngành Điện trong nước thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của các cơ quan nhà nước, tăng cường công tác phối hợp thực hiện về phát triển điện; chủ động bám sát diễn biến thị trường để có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, đầu tư phát triển bài bản cả trước mắt và lâu dài, chú trọng đổi mới công nghệ, bắt nhịp phát triển công nghệ hiện đại trong phát triển ngành năng lượng, bảo đảm phát triển bền vững, hiệu quả.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp về bảo đảm bảo ứng điện, tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện, không để xảy ra khủng hoảng năng lượng trong mọi tình huống. (Ảnh minh họa. Nguồn: EVN)
Để bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, an ninh cung cấp điện trong năm 2022 và các năm tiếp theo, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu các cơ chế, chính sách, giải pháp để nâng cao tính tự chủ, tự cường về năng lượng quốc gia, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nước ngoài, góp phần phát triển bền vững và tăng tính tự chủ, độc lập của nền kinh tế đất nước, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách  thích hợp nhằm tạo điều kiện cho ngành than, khí có kế hoạch sản xuất dài hạn, ổn định, đem lại lợi ích, hiệu quả cao nhất, tốt nhất cho đất nước, báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền. 
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, giải quyết tốt mối quan hệ giữa giá nhiênn liệu đầu vào và giá điện đầu ra theo cơ chế thị trường nhưng có sự điều tiết của nhà nước khi cần thiết. Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình tiết kiệm điện, chuyển đổi năng lượng xanh, sạch; phối hợp nghiên cứu thúc đẩy sản xuất trong nước, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động trong lĩnh vực năng lượng.
 
Thường trực Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì cùng các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, hướng dẫn các vấn đề liên quan đến giá than, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong từng giai đoạn, từng thời kỳ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong thực hiện điều hành cơ chế giá bán lẻ điện theo quy định.
Xem chi tiết văn bản TẠI ĐÂY.
Khánh An