Thứ sáu, 22/11/2024 | 09:19 GMT+7

TP.Hồ Chí Minh đề xuất lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại trụ sở công

09/11/2021

Theo UBND TP.Hồ Chi Minh, thành phố luôn có chủ trương khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, trong đó có nguồn điện từ năng lượng mặt trời.

Vừa qua, Văn phòng Uỷ ban Nhân dân (UBND) TP.Hồ Chí Minh cho biết, liên quan đến chủ trương đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà tại trụ sở của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Võ Vãn Hoan đã giao Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng Công ty Điện lực TP.Hồ Chí Minh (EVNHCMC) có văn bản trao đổi với cơ quan cấp trên, gồm Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)  để được hướng dẫn cụ thể về cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục, nguồn vốn... đối với việc phát triển hệ thống điện mặt trời trên mái nhà để có cơ sở triển khai thực hiện.
Đồng thời, UBND TP.Hồ Chi Minh cũng yêu cầu EVNHCMC nghiên cứu, đề xuất cơ chế tài chính để thực hiện đối với đề án đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà tại trụ sở của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn. Giao Sở Tài chính nghiên cứu, trao đổi, xin ý kiến Bộ Tài chính để làm cơ sở đề xuất cơ chế, phương án tài chính và trình tự, thủ tục triển khai thực hiện đối với đề án đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên.
 Hệ thống điện mặt trời mái nhà tại Trung tâm Hành chính Quận 4 hiện giúp đáp ứng 10% nhu cầu điện năng của toà nhà. (Ảnh: Tạp chí Công Thương)
TP.Hồ Chí Minh được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển điện mặt trời nhờ số giờ nắng trong năm cao và cường độ bức xạ mặt trời tương đối lớn. Theo tính toán sơ bộ của EVNHCMC, TP.Hồ Chí Minh cần bỏ ra khoảng 3.000 tỉ đồng để lắp điện mặt trời trên các trụ sở công, ngân sách sẽ tiết kiệm khoảng 400 tỉ đồng mỗi năm sau khi các hệ thống hết thời gian hoàn vốn. Khảo sát sơ bộ cho thấy các trụ sở UBND, trường học, bệnh viện... trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh đều có thể lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái.
Phó Tổng giám đốc EVNHCMC ông Bùi Trung Kiên cho biết "Lắp điện mặt trời trên mái nhà công lập cũng tương tự nhà dân, thay vì ngân sách chi trả tiền điện, các cơ quan này sẽ tiết kiệm một phần tiền điện, lúc trụ sở không hoạt động sẽ phát ngược lên lưới, ngành điện trả tiền điện dư thừa này lại. Ngân sách bỏ ra một lần nhưng thu về trong 20 năm, thời gian hoàn vốn đầu tư khoảng 7 năm".
Theo UBND TP.Hồ Chí Minh, thành phố luôn chủ trương khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, trong đó có nguồn điện từ năng lượng mặt trời trên mái nhà. Tuy nhiên, quy trình, thủ tục triển khai phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà hiện cần có sự hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương để đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.​
Khánh An