Thứ bảy, 02/11/2024 | 11:25 GMT+7

Tận dụng hiệu quả mô hình điện mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp

04/11/2021

Theo các chuyên gia, việc kết hợp sản xuất nông nghiệp với điện mặt trời không chỉ giúp tăng giá trị sử dụng đất mà còn tạo cơ hội cho người nông dân có thêm thu nhập, tiếp cận được nguồn năng lượng sạch và bền vững, từ đó góp phần bảo vệ môi trường.

Tối ưu chi phí, nâng cao thu nhập
Với sự bùng nổ của các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là sự xuất hiện của các trang trại nhà máy điện mặt trời trong thời gian qua, theo các chuyên gia nhận định, nếu Việt Nam tận dụng được nguồn năng lượng mặt trời phát triển phân tán, không chỉ giúp bảo đảm an ninh năng lượng mà còn giải quyết được bài toán cung cấp năng lượng cho khu vực nông thôn, đặc biệt là khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) nhằm thúc đẩy kế hoạch sản xuất, góp phần xây dựng phát triển xã hội sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, thân thiện môi trường.
Đánh giá về tiềm năng ứng dụng mô hình điện mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp, tại tọa đàm “Tiềm năng ứng dụng mô hình điện mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp tại tỉnh An Giang” - ông Trương Kiến Thọ - Giám đốc Ban Quản lý dự án tỉnh An Giang cho biết: Trong những năm qua, nhờ việc áp dụng mô hình điện mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp đã giúp người nông dân tại địa phương tăng thêm thu nhập, chủ động được nguồn năng lượng.
Hiện tại An Giang đã có 23 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, ứng dụng pin năng lượng mặt trời vận hành hệ thống tưới thông minh kết hợp bón phân, thân thiện môi trường như năng lượng mặt trời phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong mô hình nhà lưới tiên tiến trồng các loại rau - hoa - quả có giá trị kinh tế cao. Qua đó đã giúp tiết giảm khoảng 50-60% nhân công lao động, giảm khoảng 30% lượng phân bón sử dụng, thuốc bảo vệ thực vật trong khi vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh hại cây trồng.
Việc kết hợp mô hình sản xuất nông nghiệp với điện mặt trời không chỉ giúp người nông dân có thêm thu nhập mà còn tiếp cận được nguồn năng lượng sạch và bền vững
“Từ việc áp dụng mô hình này đã đảm bảo tăng khoảng 20-30% năng suất, chất lượng sản phẩm và tạo ra sản phẩm đồng nhất; vừa góp phần tăng thu nhập cho người dân, vừa giảm nguồn gây ô nhiễm, giảm phát thải khí nhà kính do hoạt động sản xuất nông nghiệp” – ông Thọ cho biết.
Cũng theo nghiên cứu nông học của cây trồng trong mô hình kết hợp sản xuất nông nghiệp và điện mặt trời của PGS.TS.Mai Văn Trịnh - Viện Môi trường Nông nghiệp đánh giá về sự sinh trưởng phát triển của cây màu trong điều kiện che bóng của các tấm pin điện mặt trời đối với sự sinh trưởng rau muống và dưa leo cho thấy, tỷ lệ sống của cây trong nhà màng cao hơn so với ở ngoài nhà màng. Cây trong nhà màng cao hơn cây ngoài trời. Số lá cây trong nhà màng nhiều hơn cây ngoài trời.
Như vậy, theo kết luận của ông Trịnh: "Có thể kết hợp pin mặt trời và canh tác nông nghiệp. Nhà màng dưới pin mặt trời cho cây có tỷ lệ sống cao hơn, sinh trưởng mạnh hơn, năng suất cao hơn. Có thể canh tác trong mọi điều kiện thời tiết khí hậu, chủ động, tăng vụ. Tổng thu nhập cao hơn nhiều so với nông nghiệp thuần tuý. Đồng thời, tận dụng được nhiều khoảng không trong đồng ruộng để sản xuất điện, ổn định sản xuất".
Đánh giá về lợi ích của việc kết hợp khai thác từ tiềm năng này, TS.Trần Hữu Hiệp - Cố vấn nhóm đối tác chuyển dịch năng lượng bền vững ĐBSCL cho hay, phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo hầu như không gây ra các tác động đến môi trường, xã hội. Đồng thời, là cơ hội cho ĐBSCL thúc đẩy những đồng lợi ích về kinh tế - xã hội, giúp đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, là động lực thúc đẩy chuỗi giá trị địa phương và đồng thời là giải pháp phù hợp nhằm hoàn thành các mục tiêu quốc gia về điện khí hóa nông thôn.
Ông Hiệp dẫn chứng, chỉ riêng điện mặt trời áp mái, nhờ cơ chế huy động sức dân, lần đầu tiên trong lịch sử ngành điện, từng hộ dân cũng có thể tham gia sản xuất điện, vừa phục vụ nhu cầu dùng điện cho sản xuất, sinh hoạt gia đình, vừa bán điện qua lưới điện quốc gia thông qua điện mặt trời mái nhà. Cụ thể, thời gian qua, ngành năng lượng tái tạo đạt tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Đặc biệt, năm 2020 đã tạo ra hiện tượng bùng nổ điện mặt trời.
"Theo số liệu của EVN, đến cuối năm 2020 đã có 101,996 dự án đã lắp đặt với tổng công suất lắp đặt 9,583 MWp, đã phát điện lên lưới quốc gia 2,587,681 MWh, giúp giảm 2,362,553 tấn khí phát thải giảm phát thải CO2. Việc người dân sản xuất điện phục vụ chủ yếu cho tiêu dùng là góp phần giảm tải cho nguồn điện vốn thiếu hút nhiều năm qua" - ông Hiệp cho biết.
Ông Hiệp nhấn mạnh, điện mặt trời có thể mang lại lợi ích đa chiều về môi trường, kinh tế, xã hội, việc làm, tuy nhiên tỷ lệ ứng dụng hiện nay vào các ngành khác như công nghiệp, giao thông, nông nghiệp, dân dụng còn rất hạn chế. Thực tế, các nghiên cứu, thực nghiệm đã xuất hiện nhiều mô hình kết hợp điện mặt trời với sản xuất nông nghiệp, thủy sản và du lịch thành công ở nhiều địa phương, tạo ra như mô hình điện mặt trời phi tập trung với nhiều ưu thế.
“Việc kết hợp điện mặt trời trong sản xuất nông nghiệp có thể giải quyết xung đột trong sử dụng tài nguyên đất giữa phát triển năng lượng và sản xuất nông nghiệp. Bằng cách kết hợp cả hai hoạt động này trên cùng một khu vực sẽ giúp người dân tối ưu được chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và gia tăng thu nhập” – ông Hiệp nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm, để thúc đẩy các mô hình này ngày càng ứng dụng cao hơn, việc tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách hiện nay rất quan trọng.
Gỡ "điểm nghẽn" về pháp lý
Theo các chuyên gia, từ thực tiễn triển khai đầu tư phát triển điện mặt trời ở các địa phương và An Giang hiện đang vướng nhiều điểm nghẽn cần được nhận diện để tháo gỡ như vướng mắc từ nền tảng pháp lý, cơ chế chính sách và quy định hiện hành.
TS.Trần Hữu Hiệp cho hay, thực tế tại nhiều địa phương ĐBSCL và các nơi khác, đã có hiện tượng "né thủ tục quy hoạch" khi chọn quy mô dự án điện mặt trời dưới 1MW. Những quy định liên quan đất đai, mục đích sử dụng đất không có quy định cho phép sử dụng đất nông nghiệp, thủy sản cho sản xuất điện.
"Điều đó đã cản trở, làm khó, ngăn cản đầu tư hiệu quả, tiết kiệm các dự án đầu tư điện mặt trời áp mái trường học, kho xưởng, đặc biệt là không thể lồng ghép với nông nghiệp, thủy sản. Đối với các dự án điện mặt trời trên mặt nước (nuôi thủy sản) và mặt đất (sản xuất nông nghiệp), đầu tư lồng ghép "mục tiêu kép" của các trang trại càng khó thực hiện hơn" - ông Hiệp chỉ ra.
Do đó, ông Hiệp kiến nghị, Chính phủ cần ưu tiên tháo gỡ về nhận thức, các nút thắt đang vướng từ thực tiễn liên quan như quy định pháp lý, cơ chế chính sách, quy hoạch và tiếp cận quy hoạch theo lợi thế tiềm năng điện mặt trời ít nhất theo tiểu vùng, vùng chứ không bị đóng khung theo ranh giới hành chính tỉnh; Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan tới điện mặt trời; Điều tra tài nguyên nguồn năng lượng tái tạo tại vùng như ĐBSCL có tiềm năng to lớn về điện mặt trời để làm cơ sở quy hoạch và phát triển các dự án điện mặt trời; Tháo gỡ các vướng mắc liên quan về đất đai cho việc đáp ứng mục tiêu kép – Phát triển điện mặt trời và nông nghiệp.
Cũng theo ông Trịnh kiến nghị, cần có quy hoạch không gian và đầu tư cho kết hợp năng lượng và sản xuất nông nghiệp. Sử dụng hiệu quả tài nguyên không gian tăng thu nhập cho người dân và cộng đồng. Cần khuyến khích người dân với mô hình kết hợp năng lượng và sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, có chính sách khuyến khích mô hình năng lượng – nông nghiệp. Đơn giản hoá các thủ tục phê duyệt để mô hình nhanh được phục vụ cộng đồng, tiêu chuẩn hoá các khâu kỹ thuật và công nghệ để thúc đẩy nhanh phát triển mô hình này.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, để phát triển rộng rãi mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp điện mặt trời áp mái vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi phải áp dụng công nghệ cao, giá thành đắt, tuy nhiên, việc thúc đẩy phát triển các mô hình này sẽ hạn chế tối đa những hệ lụy về môi trường... Do đó, cần phải có chính sách cụ thể, phù hợp, linh hoạt với từng địa phương để điện mặt trời áp mái được phát triển đồng bộ, bền vững và tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Theo: Báo Công Thương