Thứ sáu, 22/11/2024 | 20:20 GMT+7

Thúc đẩy các giải pháp đầu tư, giải quyết “điểm nghẽn” lưới điện truyền tải

26/10/2021

Trong những năm vừa qua, lưới điện truyền tải đã được tập trung đầu tư, nâng cấp, năng lực vận hành của lưới điện được cải thiện nhiều. Tuy nhiên, do tốc độ tăng trưởng phụ tải tăng cao, tình trạng chậm tiến độ của một số công trình 500-220 kV dẫn tới hệ thống điện truyền tải hiện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Đầu tư lưới điện truyền tải còn nhiều thách thức
Để đáp ứng nhu cầu truyền tải, phân phối điện, trong giai đoạn 2016-2020, hệ thống lưới điện đã được đầu tư với khối lượng lớn, nỗ lực đáp ứng tốt yêu cầu đấu nối giải tỏa công suất các dự án nguồn điện, tăng cường năng lực truyền tải, góp phần trong việc đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trong giai đoạn 2016-2020, khối lượng thực hiện đầu tư xây dựng các công trình lưới điện 500-220 kV so với phê duyệt Quy hoạch điện VII điều chỉnh đạt khá cao, đạt khoảng 70%-90% so với yêu cầu quy hoạch. Trong đó có nhiều công trình lưới điện trọng điểm cung cấp điện cho miền Nam, các thành phố lớn, các khu kinh tế trọng điểm đã được đưa vào vận hành.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tới cuối năm 2020, tổng khối lượng các đường dây từ cấp điện áp 110 kV trở lên của hệ thống điện đạt 51.322 km, trong đó khối lượng đường dây ở cấp điện áp 500 kV đạt 8.527 km, ở cấp điện áp 220 kV đạt 18.477 km và ở cấp điện áp 110 kV đạt 24.318 km.
Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn trong công tác vận hành lưới điện, tuy nhiên, việc tăng cường đầu tư, hiện đại hóa lưới điện đã có những tín hiệu tích cực, giúp chỉ tiêu tổn thất điện năng của toàn hệ thống điện năm 2020 đạt khoảng 6,42%. Chỉ số thời gian mất điện bình quân khách hàng trong năm (SAIDI) đã giảm mạnh từ 2.281 phút vào năm 2015 xuống 356 phút vào năm 2020, vượt chỉ tiêu được giao (400 phút) trong kế hoạch 5 năm 2016-2020 của EVN.
Trong những năm vừa qua, lưới điện truyền tải được tập trung đầu tư, nâng cấp, cơ bản đảm bảo việc vận hành hệ thống thông suốt và an toàn
Trong những năm qua, ngành điện đã có nhiều nỗ lực đầu tư hạ tầng lưới điện truyền tải, do đó, phần lớn các TBA 500 kV hiện đang vận hành trong giới hạn kỹ thuật cho phép. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số TBA 500 kV cấp điện cho các trung tâm phụ tải miền Bắc và miền Nam; một số đường dây và TBA 220 kV tại các khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ bị đầy tải hoặc quá tải liên quan tới việc nhiều nguồn năng lượng tái tạo được đưa vào vận hành trong thời gian ngắn, tốc độ phụ tải tăng trưởng nhanh, bên cạnh đó là tình trạng chậm tiến độ của nhiều công trình lưới truyền tải cũng đã ảnh hưởng tới việc huy động nguồn điện. Tại một số thời điểm, nguồn năng lượng tái tạo đã phải cắt giảm công suất để đảm bảo vận hành hệ thống điện ổn định.
Nhận định về năng lực hiện trạng lưới điện truyền tải hiện nay, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay, lưới điện truyền tải cơ bản đảm bảo việc vận hành hệ thống thông suốt và an toàn. Tuy nhiên, do tốc độ tăng trưởng phụ tải tăng cao, thời gian đầu tư để đưa các công trình lưới điện vào vận hành ngày càng bị kéo dài, do quá trình giải phóng mặt bằng rất phức tạp nên hệ thống điện truyền tải vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức liên quan tới công tác vận hành và đảm bảo an ninh cung cấp điện.
Bên cạnh đó, hệ thống lưới điện nói chung vẫn chưa đảm bảo dự phòng theo tiêu chí N-1, đặc biệt là khu vực miền Bắc và miền Nam nên trong các trường hợp sự cố nguồn, sự cố lưới và phụ tải cao có thể dẫn đến quá tải cục bộ ở một số khu vực. Nếu không được bổ sung các dự án mới, nguy cơ cắt giảm phụ tải vào các giờ cao điểm sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới.
Trong khi đó nguồn vốn đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện cũng gặp khó khăn do nguồn lực tài chính hạn chế, không còn bảo lãnh Chính phủ, các thủ tục vay vốn trong và ngoài nước ngày càng phức tạp.
Đặc biệt, thách thức nữa đặt ra là hiện nhiều công trình lưới điện quan trọng dự kiến đóng điện giai đoạn 2021-2025 theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh vẫn còn đang trong giai đoạn lập báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi như đường dây Nam Định - Thanh Hóa - Quỳnh Lập - Quảng Trạch, Dung Quất - Krong Buk - Tây Ninh, Vân Phong - Bình Định, Thuận Nam - Chơn Thành. Điều này tiềm ẩn nguy cơ chậm tiến độ, ảnh hưởng tới vận hành hệ thống điện.
Theo các chuyên gia năng lượng, để giải quyết “điểm nghẽn” lưới điện truyền tải, việc cấp thiết hiện nay là cần triển khai nhiều giải pháp tổng thể. Trong đó, việc huy động nguồn vốn đầu tư cho phát triển lưới điện có vai trò hết sức quan trọng đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện trong những năm tới.
Huy động tối đa nguồn lực đầu tư
Liên quan đến việc huy động nguồn vốn đầu tư phát triển lưới điện, theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII, giai đoạn 2021-2030, Việt Nam cần xây dựng thêm khối lượng xây dựng mới 49.050 MVA, cải tạo 34.200 MV trạm biến áp 500 kV; xây dựng mới 11.988 km đường dây 500 kV; xây dựng mới 67.513 MVA, cải tạo 32.747 MVA trạm biến áp 220 kV; xây dựng mới 15.643 km đường dây 220 kV.
Khối lượng đầu tư, cải tạo lưới điện 500, 220 kV này sau khi rà soát giảm nhiều so với phương án phát triển lưới điện truyền tải trong Tờ trình 1682/TTr-BCT. Theo đó, tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện chương trình phát triển điện lực được lựa chọn trong giai đoạn 2021-2030 khoảng 99,32 tỷ USD, trong đó cho lưới điện truyền tải khoảng 13,58 tỷ USD (mỗi năm khoảng 1,36 tỷ USD). Nếu phát triển theo phương án phụ tải cao, nhu cầu vốn đầu tư hàng năm cần khoảng 1,42 tỷ USD dành cho đầu tư lưới điện truyền tải.
Các chuyên gia nhận định, đây là khối lượng đầu tư tương ứng với thực tiễn tại Việt Nam, đặc biệt nếu xét đến sự phát triển nhanh chóng của năng lượng tái tạo trong những năm gần đây và dự báo về mức tăng gấp đôi của tổng công suất phát điện tại Việt Nam trong những năm tới.
Bên cạnh đó, cần đầu tư nâng cao khả năng quản lý lưới điện phức tạp, bao gồm tăng cường năng lực dự báo; phát triển thị trường cung cấp các sản phẩm phụ trợ; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông minh trong đo đạc, giám sát, kiểm soát hệ thống theo thời gian thực; đào tạo đội ngũ kỹ sư và cán bộ kỹ thuật để điều hành các hệ thống hiện đại.
Theo Bộ Công Thương, để đáp ứng yêu cầu rất lớn về nguồn vốn hiện nay, Bộ đang tiếp tục làm việc với các đối tác phát triển và các bộ, ban, ngành để tìm kiếm thêm các gói tín dụng hỗ trợ phát triển các dự án truyền tải năng lượng trọng điểm.
Đồng thời, thúc đẩy xã hội hóa lưới điện truyền tải, khuyến khích doanh nghiệp chủ động huy động vốn theo các hình thức khác bên cạnh vay vốn ODA, trong đó yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn tổ chức đánh giá, xếp hạng tín dụng quốc tế để có thể tiếp cận nguồn vay quốc tế mà không cần có sự bảo trợ của Chính phủ.
Với chương trình phát triển lưới điện này, lưới điện của Việt Nam sơ bộ đáp ứng được tiêu chí N-1 đối với cung cấp điện cho các phụ tải, tiêu chí N-2 đối với các phụ tải đặc biệt quan trọng. Việc áp dụng lưới điện thông minh, áp dụng công nghệ 4.0 trong truyền tải điện cũng được nghiên cứu, tính toán và đề xuất trong Quy hoạch điện VIII.
Từ những khó khăn, thách thức đang đặt ra đối với hệ thống lưới điện truyền tải, Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian tới, để đảm bảo hệ thống điện được vận hành an toàn, việc triển khai xây dựng các đường dây, trạm biến áp giải tỏa công suất các dự án hiện hữu, nhất là các công trình năng lượng tái tạo được chú trọng.
Theo đó, Bộ Công Thương sẽ rà soát, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đẩy nhanh tiến độ tất cả các công trình lưới điện đảm bảo việc giải tỏa công suất các nguồn điện đã xây dựng, trong đó có các nguồn điện từ năng lượng tái tạo. Đồng thời, sẽ tiếp tục chỉ đạo EVN triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn vận hành, vận hành an toàn hệ thống lưới điện, đặc biệt là hệ thống truyền tải điện 500 kV, 200 kV...
Có thể khẳng định, hạ tầng hệ thống điện có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của Bộ Công Thương cần có sự chỉ đạo vào cuộc của Chính phủ, cũng như các Bộ, ngành, địa phương, các Tập đoàn năng lượng và cả người dân nhằm đảm bảo mục tiêu đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới.
Theo Kinh tế Việt Nam