Thứ sáu, 22/11/2024 | 08:39 GMT+7

Thúc đẩy chuyển dịch năng lượng: Bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu

24/10/2021

​Trước tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả nhằm giảm phát thải khí nhà kính đang là vấn đề cấp thiết, trong đó chuyển dịch năng lượng được xem là giải pháp quan trọng.

Yêu cầu cấp thiết
Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bộ Công Thương, thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản và thực hiện quyết liệt các mục tiêu phát triển năng lượng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Điển hình như Nghị quyết 55-NQ/TW (2020) của Bộ Chính trị về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết 41-NQ/TW (2015) của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2035; Nghị quyết 140-NQ/CP của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 55; các Luật: Dầu khí, Điện lực, Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Bảo vệ môi trường; bên cạnh đó là các chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, chiến lược phát triển bền vững, chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia…
Cần thúc đẩy chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ hơn nữa để giảm phát thải khí nhà kính.
Nhờ sự vào cuộc đó, cơ cấu năng lượng sơ cấp của Việt Nam đã có chuyển biến tích cực. Cụ thể, đến năm 2019 thủy điện đạt 6,02%, than 47,46%, dầu thô 16,74%, sản phẩm dầu 9,78%, khí 9,49%, sinh khối, ethanol NLMT 9,9%, điện mặt trời 0,44%, điện gió 0,07%, điện nhập khẩu 0,11%. Cơ cấu khai thác năng lượng cũng chuyển biến rõ rệt. Tỷ lệ tiêu thụ điện trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng (TFEC) tăng liên tục cho thấy sự chuyển đổi các dạng nhiên liệu khác sang điện. Tuy nhiên, cơ cấu của than trong TFEC không có nhiều biến động, xấp xỉ ở mức 22-24%; các sản phẩm dầu không có biến động lớn, nhưng năng lượng tái tạo có tốc độ tăng trưởng đáng ghi nhận từ 7,2% năm 2010 lên 10,5% năm 2019.
Ghi nhận những kết quả tích cực song, TS. Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - cho rằng, Việt Nam là một trong sáu quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi biến đổi khí hậu. Điều này sẽ tác động rất lớn đến kinh tế, xã hội, môi trường của Việt Nam trong những năm tới. Do đó, để giảm thiểu tiêu cực do biến đổi khí hậu, cần thúc đẩy chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ hơn nữa để giảm phát thải khí nhà kính, các quyết định đầu tư và chính sách phải được thực hiện để khử carbon trong lĩnh vực năng lượng.
Cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh, chuyển dịch năng lượng là câu chuyện sống còn của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Việc phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch thay thế cho năng lượng hóa thạch đã sử dụng trong thời gian dài, cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách
Một số mục tiêu của Việt Nam đưa ra nhằm chuyển dịch năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu như: Giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030 lên mức 20% vào năm 2045; tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045; tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045…
Theo ông Hiển, các quan điểm, mục tiêu đưa ra tại Nghị quyết 55 đã khá rõ ràng, vấn đề cần sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Trong quá trình thực hiện, các cơ quan quản lý cần nhận diện, dự báo xu thế chuyển dịch năng lượng trên thế giới và làm rõ những vấn đề đặt ra đối với chuyển dịch năng lượng của Việt Nam trong từng ngành công nghiệp cụ thể, trong đó đề cập đến tác động của đại dịch Covid - 19 và suy thoái kinh tế. Trên cơ sở đó, đề xuất định hướng và các cơ chế, chính sách để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu nêu tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.
Theo các chuyên gia, để thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam có hiệu quả, cần phát triển năng lượng tái tạo cùng các giải pháp công nghệ mới, hiện đại. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư tham gia sâu vào lĩnh vực công nghệ.
Liên quan đến cơ chế, chính sách, ông Nguyễn Đức Hiển cho biết, Chính phủ đang xây dựng và triển khai nhiều chiến lược về năng lượng như: Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Sắp tới Quốc hội sẽ sửa đổi Luật Dầu khí, hoàn thiện các luật chuyên ngành về điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cùng các luật khác liên quan đến ngành năng lượng để làm cơ sở thực hiện hiệu quả hơn cơ chế thị trường; nghiên cứu, thực hiện luật hóa việc điều hành giá điện và một số ưu đãi cho dự án được khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực năng lượng; hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động kiểm soát và điều phối điện lực; nghiên cứu, xây dựng và ban hành luật về năng lượng tái tạo.
Để thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam có hiệu quả, cần phát triển năng lượng tái tạo cùng các giải pháp công nghệ mới, hiện đại. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư tham gia sâu vào lĩnh vực công nghệ.
Theo: Báo Công Thương