Theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, 19 tỉnh, thành phố phía Nam bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Trong thời gian giãn cách, người dân chủ yếu ở nhà nên sẽ sử dụng nhiều thiết bị điện phục vụ sinh hoạt và làm việc từ xa. Trong đó, máy lạnh là một trong những thiết bị hao tốn điện năng nhất và chiếm tỉ trọng tiêu thụ điện lớn trong hộ gia đình.
Trước tình hình đó, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) và các đơn vị thành viên thông qua nhiều kênh gián tiếp đã tiếp cận để thông tin và hướng dẫn khách hàng sử dụng điện một cách tiết kiệm nhất. Kết quả, sản lượng điện tiết kiệm trong tháng 8 là 150 triệu kWh, lũy kế 8 tháng là 1,196 tỉ kWh, tương ứng tiết kiệm 2,32% sản lượng điện thương phẩm thực hiện.
Việc tiết kiệm điện 1,196 tỉ kWh sản lượng điện thương phẩm mà EVNSPC làm được trong 8 tháng năm 2021 là thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng...
Ảnh minh họa.
Trước đó, ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 tại Quyết định số 280/QĐ-TTg.
Chương trình với hai mục tiêu chính là tiết kiệm từ 8 -10% lượng năng lượng cần thiết để phát triển đất nước theo kịch bản phát triển bình thường và thay đổi hành vi sử dụng năng lượng của cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và trách nhiệm.
Theo các chuyên gia, để thực hiện hai mục tiêu trên, có 3 giải pháp nền tảng mà Việt Nam cần phải kiên trì áp dụng là:
Lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế. Thay đổi cấu trúc nền kinh tế theo hướng hài hòa, bền vững, hạn chế tiến tới loại bỏ việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa vào tiêu thụ năng lượng. Cần xem xét lại nhu cầu phát triển và cơ cấu tiêu thụ năng lượng của từng ngành, từng lĩnh vực để định hình cấu trúc kinh tế quốc gia ít hoặc hạn chế phát triển dựa vào tiêu thụ năng lượng.
Lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong kế hoạch chiến lược đổi mới công nghệ, kỹ thuật quốc gia. Đổi mới công nghệ phải gắn chặt với yếu tố sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tiết kiệm điện. Không nhập khẩu những công nghệ, thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, tiêu thụ điện cao vào Việt Nam. Xây dựng lộ trình thay thế công nghệ, kỹ thuật, máy móc, thiết bị cũ có hiệu suất sử dụng năng lượng, sử dụng điện thấp.
Lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào chiến lược về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phải trở thành đặc điểm văn minh của con người Việt Nam mới. Hoạt động tuyên truyền, đào tạo, cải thiện nhận thức của cá nhân, cộng đồng về tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phải gắn chặt với việc phát triển con người Việt Nam nhằm xây dựng một xã hội mới có trách nhiệm với tài nguyên năng lượng quốc gia, với các thế hệ mai sau trong bảo tồn nguồn tài nguyên năng lượng.
Nói về tình hình thực tế tại địa phương trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng giám đốc EVNSPC cho biết, EVNSPC và các đơn vị thành viên đã triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp tiết kiệm điện nhằm tiết kiệm tối đa lượng điện tiêu thụ, như: phối hợp với các địa phương để triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến về sử dụng điện an toàn và tiết kiệm như: gia đình tiết kiệm điện, tiết kiệm điện trong trường học...; đồng thời thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương đến doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và hộ dân để kiểm tra hệ thống điện và hướng dẫn các giải pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.
Tiết kiệm điện năng được hiểu đơn giản là sử dụng điện ít đi nhưng vẫn đảm bảo tính hiệu quả và tiện lợi đối với các hoạt động sản xuất, sinh hoạt gia đình. Có nhiều biện pháp có thể thực hiện nhằm mục đích tiết kiệm điện. Các phương pháp này chủ yếu đến từ thói quen sử dụng điện năng hàng ngày. Do đó chỉ cần tập thói quen sử dụng điện tiết kiệm sẽ giúp bảo vệ nguồn điện năng tốt hơn.
Theo giới chuyên gia, trong bối cảnh Việt Nam đối mặt nguy cơ thiếu điện trong tương lai gần, việc khuyến khích tiết kiệm điện càng phải được thực hiện nghiêm túc.
Để không phải gặp cảnh cắt điện luân phiên, tiết kiệm điện, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, cải tiến máy móc trang thiết bị tiêu tốn ít điện năng là điều người dân, doanh nghiệp nên làm.
Theo petrotimes.vn