6 vấn đề cần khắc phục trong tiết kiệm điện
Tại báo cáo tác động của dự thảo xây dựng Luật Điện lực, Bộ Công Thương đã chỉ ra các vấn đề trong việc tiết kiệm điện.
Tiết kiệm điện sẽ góp phần giảm áp lực đầu tư nguồn điện.
Vấn đề 1 là thiếu quy định cụ thể về giá điện theo thời gian sử dụng, cơ chế thanh toán và hướng dẫn chi tiết liên quan.
Vấn đề 2 là chưa có phương pháp định giá cho biểu giá TOU linh hoạt cho thực hiện điều chỉnh phụ tải điện; giá điện 2 thành phần công suất và điện năng.
Vấn đề 3 là chưa có quy định về việc thanh toán cho sản lượng điện điều chỉnh hoặc sản lượng điện tiết giảm của chương trình điều chỉnh phụ tải điện, chương trình quản lý nhu cầu điện và quy trình hướng dẫn thanh toán.
Vấn đề 4 là chưa có quy định về trách nhiệm xây dựng, ban hành cơ chế giá và cơ chế thanh toán; quy định bắt buộc thực hiện chương trình quản lý nhu cầu điện và chương trình điều chỉnh phụ tải điện, bao gồm cả xử phạt vi phạm pháp luật liên quan.
Vấn đề 5 là chưa có chương trình khuyến khích, thúc đẩy các đơn vị phát điện, truyền tải, phân phối và sử dụng điện tuân thủ các quy định của Luật Điện lực, nâng cao ý thức về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo đảo cung cấp đủ nguồn cho phát triển kinh tế - xã hội.
Vấn đề 6 là một số nội dung về tiết kiệm điện đã được quy định trong Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tuy nhiên tiết kiệm điện trong phát điện, truyền tải và phân phối điện, quản lý nhu cầu điện chưa được quy định đầy đủ, chi tiết tại Luật Điện lực và Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Theo Bộ Công Thương, nếu các vấn đề trên không giải quyết thì sẽ tạo ra thách thức rất lớn về đảm bảo vận hành ổn định hệ thống điện Việt Nam, nhất là khi nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) có công suất lớn và tỷ trọng tăng cao. Theo kinh nghiệm thế giới, trong hệ thống điện với tích hợp nguồn NLTT có công suất lớn và tỷ trọng tăng cao như trên, sẽ có nhiều rủi ro có thể có nguy cơ gây mất ổn định vận hành hệ thống điện và an toàn cung cấp điện. Giải pháp điều chỉnh phụ tải điện là cần thiết để áp dụng vào vận hành hệ thống điện, đảm bảo cân bằng cung cầu.
Thứ hai, việc sử dụng năng lượng (đặc biệt là sử dụng điện) ở Việt Nam chưa được tiết kiệm và hiệu quả sử dụng gây lãng phí lớn đối với ngành điện nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Thứ ba, gây nguy cơ thiếu điện, cạn kiệt các nguồn năng lượng trong nước và phụ thuộc nhập khẩu, nguy cơ mất an ninh năng lượng quốc gia.
Thứ tư, ảnh hưởng tới thực hiện cam kết của quốc gia về giảm khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu của Việt Nam và thế giới.
Ngoài ra, nếu không giải quyết các bất cập nói trên sẽ có những điểm áp dụng chồng chéo giữa Luật Điện lực và Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; một số nội dung về tiết kiệm điện chuyên ngành chưa được cập nhật bổ sung vào Luật Điện lực sẽ thiếu cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện.
Tiết kiệm điện đảm bảo an ninh năng lượng bền vững.
Sửa đổi để đạt mục tiêu tiết kiệm điện
Bộ Công Thương cho rằng việc hoàn thiện thể chế, chính sách về tiết kiệm điện và thực hiện điều chỉnh phụ tải theo yêu cầu của hệ thống điện nhằm thúc đẩy sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, tăng cường ổn định hệ thống điện và an toàn cung cấp điện nhằm mục tiêu thực hiện chính sách Đảng ta đề ra tại khoản 6 Phần III Nghị quyết số 55/NQ-TW.
Vì vậy, Bộ Công Thương đề xuất xây dựng và ban hành cơ chế tài chính, bổ sung cơ sở pháp lý để triển khai các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM), chương trình điều chỉnh phụ tải theo yêu cầu của hệ thống điện; ban hành Chương trình quốc gia về tiết kiệm điện nhằm khuyến khích thúc đẩy các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nâng cao ý thức tiết kiệm điện, tuân thủ các quy định về tiết kiệm điện, khuyến khích sử dụng điện trong giờ thấp điểm, giảm sử dụng điện trong giờ cao điểm của biểu đồ phụ tải hệ thống điện.
Ngoài ra, xây dựng chính sách phát triển thị trường tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng và cơ chế cho hoạt động và phát triển loại hình công ty dịch vụ năng lượng (ESCO).
Bộ Công Thương cũng kiến nghị giao Chính phủ quy định chi tiết về xây dựng định mức điện tự dùng cho các loại nhà máy điện; xây dựng chỉ tiêu định mức tổn thất điện năng cho các hoạt động truyền tải và phân phối điện và các nội dung cần thiết khác liên quan đến Quản lý nhu cầu điện và sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Việc này sẽ góp phần giảm chi phí đầu tư nguồn điện phủ đỉnh nên tiết kiệm ngân sách nhà nước trong đầu tư, giảm chi phí nhiên liệu cho sản xuất điện nên làm giảm áp lực tăng giá điện có thể tăng thu ngân sách do kinh tế phát triển tốt do được cấp điện an toàn. Người dân cũng được giảm chi phí trong quá trình sử dụng điện.
Theo: Vietnamnet