Thứ sáu, 01/11/2024 | 20:28 GMT+7
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Bộ Công Thương cho biết, Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11/02/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đánh giá việc phát triển ngành năng lượng nói chung và phân ngành điện nói riêng như sau: “Cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện;…. Đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp điện có sự phát triển mạnh mẽ, là điều kiện quan trọng cho việc bảo đảm an ninh cung ứng điện. Đưa điện lưới quốc gia tới hầu hết mọi miền của đất nước, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo”.
Ngày 18/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 428/QĐ–TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến năm 2030. Trải qua hơn 4 năm thực hiện, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành điện về cơ bản đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và an ninh, quốc phòng của đất nước.
Thời điểm hiện tại, đã có nhiều biến động lớn trong phát triển điện lực: Quốc hội đã quyết định dừng thực hiện nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ–TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, và Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, tạo ra sự bùng nổ đầu tư của các dự án điện mặt trời, điện gió (chủ yếu do các nhà đầu tư tư nhân thực hiện – là điểm mới so với trước đây khi hầu hết các dự án, công trình điện đều do các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đầu tư); sự chậm trễ và khó khăn trong đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện (đặc biệt là các nhà máy điện truyền thống); sự phát triển của công nghệ trong sản xuất và truyền tải điện (đặc biệt là công nghệ điện mặt trời, điện gió), dẫn tới khả năng giảm sâu giá thành sản xuất của loại hình nguồn điện này; sự xuất hiện của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 có ảnh hưởng to lớn tới quá trình sản xuất, truyền tải và phân phối điện… Những biến động này có tác động lớn tới tình hình phát triển điện lực của Việt Nam, vì vậy việc lập Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) là nhiệm vụ cấp bách và có tính thời sự cao.
Trong tương lai, sự phát triển của ngành điện Việt Nam sẽ ngày càng gặp nhiều thách thức lớn hơn trong việc thoả mãn nhu cầu tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân. Có thể nêu ra một số thách thức lớn đối với ngành điện như sau: Nhu cầu điện đang và còn tiếp tục tăng trưởng cao; nguồn năng lượng sơ cấp đang dần cạn kiệt và khả năng cung cấp nguồn năng lượng sơ cấp hạn chế, dẫn đến sớm phải nhập khẩu nhiên liệu; xây dựng nhiều nguồn điện không theo sát quy hoạch, phân bố trên vùng miền mất cân đối dẫn đến tăng thêm lượng điện truyền tải lãng phí, tổn thất truyền tải còn cao; sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời dẫn tới những khó khăn nhất định trong vận hành hệ thống điện, các yêu cầu ngày càng khắt khe hơn về bảo vệ môi trường trong hoạt động điện lực……
Để vượt qua các khó khăn, thách thức, đảm bảo cung cấp điện ổn định, tin cậy, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước, cần thiết phải xây dựng Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Quy hoạch sẽ định hướng được tương lai phát triển của ngành điện; định lượng các giá trị mục tiêu cung cấp điện; xác định quy mô, tiến độ và phân bổ không gian của các công trình nguồn điện, lưới điện và đề xuất các giải pháp thực hiện quy hoạch.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Theo Báo Chính phủ điện tử