Thứ sáu, 01/11/2024 | 18:25 GMT+7
Sau 4 ngày họp trù bị và chính thức, Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng các nước ASEAN đã kết thúc. Rất nhiều mục tiêu và các kiến nghị thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững đã được các bên đưa ra.
Thúc đẩy sự phát triển của thị trường trao đổi điện khu vực
Cộng đồng ASEAN với sự phát triển ngày càng lớn mạnh, với dân số 650 triệu người, đứng thứ 3 thế giới là nền kinh tế phát triển năng động với quy mô GDP năm 2018 đạt khoảng 3.000 tỷ USD, đứng thứ 5 toàn cầu, do đó, nhu cầu năng lượng cần thiết phục vụ cho đời sống kinh tế và phát triển xã hội của khu vực đang ngày càng gia tăng. Để đảm bảo an ninh năng lượng cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, việc hợp tác, kết nối về năng lượng giữa các nước thành viên ASEAN là một trụ cột rất quan trọng, cần được tăng cường, thúc đẩy sâu, rộng hơn nữa.
Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng các nước ASEAN lần thứ 38 (AMEM 38) lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Tổng kết về Kế hoạch hành động ASEAN trong hợp tác năng lượng giai đoạn 1 (2016 - 2020) tại Hội nghị cho thấy, các nước đã đạt được những thành tựu đáng kể.
Có thể kể đến như cường độ năng lượng khu vực ASEAN hiện đã giảm 21,4% so với năm 2005, vượt mục tiêu ban đầu là giảm 20% vào năm 2020; Kết nối đường ống dẫn khí đạt chiều dài gần 4000 km qua 6 quốc gia (Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore và Việt Nam) và hình thành 9 trung tâm khí hóa lỏng LNG với tổng công suất là 37,5 triệu tấn/năm; Tăng thêm các dự án kết nối lưới điện giúp tăng công suất trao đổi điện năng lên 10.800 MW vào năm 2020 và sau năm 2020 tăng lên hơn 16.000MW. Đáng chú ý, Dự án thí điểm liên kết, trao đổi điện đa phương giữa Lào - Thái Lan - Malaysia - Singapore (Dự án LTMS-PIP) đã triển khai thành công giai đoạn 1 với sự kết nối, thực hiện giao dịch mua bán điện giữa Lào và Malaysia thông qua lưới điện của Thái Lan từ tháng 1/2018. Biên bản ghi nhớ triển khai giai đoạn 2 của Dự án này cũng đã được ký kết trong AMEM 38.
“Tôi đánh giá cao các kết quả đạt được của giai đoạn 1 Dự án LTMS-PIP với sự liên kết lưới điện giữa ba nước Lào, Thái Lan và Malaysia. Tôi cũng tin tưởng rằng giai đoạn 2 của Dự án LTMS-PIP với sự tham gia của Singapore và công suất cam kết trao đổi giữa các bên tăng lên 300 MW (tăng 100 MW so giai đoạn 1) dự kiến triển khai từ năm 2022 cũng sẽ đem lại các kết quả tích cực. Tôi hy vọng rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn nữa các dự án liên kết, trao đổi mua bán điện đa phương giữa các nước thành viên ASEAN; qua đó thúc đẩy sự hình thành và phát triển của thị trường trao đổi điện đa phương khu vực ASEAN” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nói.
Vai trò của năng lượng tái tạo ngày càng tăng
Các Bộ trưởng lưu ý rằng Covid-19 đã dẫn đến những thách thức chưa từng có đối với ngành năng lượng trong khu vực, chẳng hạn như nhu cầu điện giảm, cắt giảm các dự án thăm dò và lọc dầu và những chậm trễ trong phát triển dự án năng lượng tái tạo (NLTT). Nhưng cũng tái khẳng định tầm quan trọng của nguồn cung ổn định năng lượng sạch và giá cả phải chăng hỗ trợ các hoạt động kinh tế và cuộc sống hàng ngày.
Theo đánh giá của cộng đồng quốc tế, khu vực ASEAN sẽ phải phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong khoảng 20 năm nữa. Tuy nhiên, các Bộ trưởng của khu vực này đã cho rằng, quá trình chuyển đổi năng lượng trong ASEAN đang tập trung không chỉ vào chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang NLTT, mà còn các lựa chọn năng lượng sạch, bền vững và công nghệ hướng tới khả năng phục hồi sau đại dịch.
Với chủ đề hợp tác năng lượng năm 2020 là: “Chuyển dịch năng lượng hướng đến phát triển bền vững trong khu vực ASEAN”, hội nghị cũng đã đưa ra các ý kiến để có thể hướng đến mục tiêu của ASEAN - phát triển NLTT đạt tỷ lệ 23% trong tổng cung năng lượng sơ cấp và 35% trong tổng công suất nguồn điện khu vực ASEAN. “Đây là mục tiêu khá cao thể hiện sự cam kết mạnh mẽ, dài hạn của các Bộ trưởng Năng lượng các nước ASEAN. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh sự nỗ lực của từng nước thành viên, chúng ta rất cần sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế” - Thứ trưởng An khẳng định.
Cũng theo ý kiến đồng nhất của các Bộ trưởng năng lượng ASEAN, với sự gia tăng các nguồn NLTT ở các quốc gia trong khu vực, tỷ lệ NLTT trong cơ cấu năng lượng của khu vực ASEAN ngày càng tăng cao, ASEAN sẽ đạt được mục tiêu tỷ lệ gia tăng NLTT là 23% trong năm 2025. Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, giá thành điện sản xuất từ các nguồn NLTT ngày càng cạnh tranh với các nguồn điện nhiên liệu hóa thạch truyền thống. NLTT đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, giúp đạt được các mục tiêu biến đối khí hậu, giảm tác động của biến đổi khí hậu do sử dụng năng lượng trong khu vực và trên thế giới.
Theo Thứ trưởng An, chỉ trong vòng 4 năm (từ 2017-2020), công suất lắp đặt các nguồn điện gió, điện mặt trời đã tăng từ quy mô không đáng kể lên gần 6.000 MW, chiếm khoảng 10% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống. Với định hướng chuyển dịch năng lượng theo hướng bền vững, Việt Nam đề ra mục tiêu phát triển mạnh nguồn NLTT, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ NLTT (bao gồm cả thủy điện) đạt khoảng 47% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống.
Theo Báo Pháp luật Việt Nam