Thứ bảy, 02/11/2024 | 19:29 GMT+7

Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia: Phát triển hài hòa các phân ngành năng lượng trong nền kinh tế

31/08/2020

Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có liên quan tới nhiều quy hoạch đang trong giai đoạn xây dựng. Trên thực tế, khả năng đồng bộ các quy hoạch này là một thách thức lớn.

Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có liên quan tới nhiều quy hoạch đang trong giai đoạn xây dựng. Trên thực tế, khả năng đồng bộ các quy hoạch này là một thách thức lớn.

Chiều 28/8, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo lần 1 Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chưa đồng bộ trong quy hoạch

Báo cáo Vụ Dầu khí và than (Bộ Công Thương) cho thấy, trong những năm tới, xu thế phát triển năng lượng thế giới sẽ tập trung vào việc thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch năng lượng, thực thi các chính sách chống biến đổi khí hậu và tăng cường an ninh năng lượng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại Hội thảo lần 1 Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Phát triển năng lượng của Việt Nam trong thời kỳ nhập khẩu ròng năng lượng sẽ ngày càng chịu nhiều tác động của các xu thế phát triển năng lượng trên thế giới. Bên cạnh đó, với vai trò là một quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam cũng sẽ phải thực thi các cam kết về chống biến đổi khí hậu. Với việc ngày càng tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam sẽ phải đối mặt với cả những thuận lợi và khó khăn trong đảm bảo phát triển bền vững hệ thống năng lượng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội.

Theo Viện Dầu khí Việt Nam, thực hiện mục tiêu quy hoạch đến năm 2020, nhiều lĩnh vực trong tìm kiếm thăm dò, khai thác đạt và vượt mục tiêu đề ra. Đơn cử, việc gia tăng trữ lượng đến năm 2020 đạt 10-20 triệu tấn dầu quy đổi/năm; Khai thác dầu trong nước từ 10-15 triệu tấn/năm; Khai thác khí từ 10-11 tỷ mét khối/năm và đáp ứng nhu cầu sản phâm xăng dầu xấp xỉ 70%. Tuy vậy, một số chỉ tiêu còn chưa đạt như: Khai thác dầu nước ngoái thấp hơn 2-3 triệu tấn/năm; hay sản xuất khí hỏa lỏng (LPG) chỉ đạt xấp xỉ 50% trong khi kế hoạch là 70%.

Nhận định về nội dung này, ông Nguyễn Anh Đức- Viện Dầu khí Việt Nam cho hay: thực hiện mục tiêu quy hoạch ngành dầu khí đến năm 2020, phần lớn chỉ tiêu đã đạt và vượt. Tuy nhiên, ở ngành công nghiệp khí, chúng ta còn nhiều điểm chưa đạt, như: sản xuất LPG gần 50%; lĩnh vực chế biến, tồn trữ và phân phối hiện mới chỉ đáp ứng nhu cầu sản phẩm hóa dầu gần 25%. Thực tế, các quy định của pháp luật ngành năng lượng nói chung và từng phân ngành nói riêng vẫn còn một số tồn tại, chưa thật toàn diện, đồng bộ; tính hệ thống, thống nhất đôi chỗ còn chưa cao; một số quy định chưa đảm bảo tính tương thích với pháp luật quốc tế.

“Do vậy, việc triển khai Quy hoạch cần bám sát quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị; các tiêu chí dự án ưu tiên, với phân ngành dầu khí cũng có những đặc thù riêng... Cần hoàn thiện hành lang pháp lý phân ngành dầu khí để tháo gỡ chồng chéo trong các văn bản pháp luật, trình tự, thủ tục đầu tư rõ ràng hơn và xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù thu hút đầu tư vào vùng nước sâu, xa bờ...”, ông Nguyễn Anh Đức đề xuất.

TS. Nguyễn Anh Tuấn (Viện năng lượng) cho rằng, công tác quản lý quy hoạch trong giai đoạn vừa qua có những thời điểm còn khó khăn trong việc điều chỉnh kịp thời. Đơn cử như Quy hoạch điện có liên quan tới nhiều quy hoạch của các ngành như Than, Dầu - khí, Năng lượng tái tạo, Quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, Quy hoạch giao thông, Quy hoạch không gian đô thị, Quy hoạch phát triển công nghiệp ... Trên thực tế khó có khả năng đồng bộ các quy hoạch này, các số liệu phục vụ quy hoạch cũng chưa hoàn toàn đầy đủ.

Theo đó, quy hoạch điện còn mang tính “cứng”, xác định cả quy mô, thời điểm vận hành và chủ đầu tư của các công trình điện lực nên thiếu tính linh hoạt trong triển khai thực hiện. “Một số dự án tuy đã có trong quy hoạch nhưng lại gặp sự không đồng thuận của địa phương trong triển khai thực hiện, thậm chí có địa phương không đồng tình thực hiện dự án nhiệt điện than nhưng lại đề xuất bổ sung nhiệt điện khí, dẫn tới khó khăn trong thực hiện quy hoạch điện”- TS. Nguyễn Anh Tuấn nêu cụ thể.

Quy hoạch cần bám sát mục tiêu của Nghị quyết 55

Toàn cảnh hội thảo

Bà Ngô Thúy Quỳnh – Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và than nhấn mạnh, quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia phải xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý, triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, thực hiện lập quy hoạch, Bộ Công Thương đã rà soát, tổng hợp, báo cáo Chính phủ các công tác chuẩn bị, lựa chọn các đơn vị tư vấn... Đến nay, các đơn vị đã hoàn thành 5 chương đầu tiên của quy hoạch này. Dự kiến, quy hoạch gồm 14 chương, chia làm 4 phần.

“Lập quy hoạch lần này có bối cảnh tương đối khác với những lần lập quy hoạch trước. Quy hoạch tổng thể về năng lượng được đặt ra với yêu cầu mới trong việc giải quyết các vấn đề phát triển hài hòa các phân ngành năng lượng trong nền kinh tế, đưa ra một quy hoạch động và mở hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý nhà nước trong ngành năng lượng”- Thứ trưởng nêu rõ.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An nêu cụ thể, nước ta chuyển từ một nước xuất khẩu năng lượng ròng sang nhập khẩu ròng. Bối cảnh này thay đổi các quy hoạch năng lượng kể cả quy hoạch điện, mấu chốt quan trọng là đã nhập khẩu phải tính đến hạ tầng tốt.

Liên quan quy hoạch năng lượng tái tạo, Thứ trưởng phân tích, tiềm năng của năng lượng tái tạo rất lớn, nhưng muốn khai thác tối đa nguồn năng lượng tái tạo phải có chính sách tốt. Bên cạnh đó, tiết kiệm năng lượng là phương án rẻ nhất tăng nguồn cung.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng chỉ ra, trong bối cảnh phát triển năng lượng quốc gia đòi hỏi phải có tư duy và các chủ trương, chính sách mới để phù hợp với xu thế cũng như yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đưa ra mục tiêu tổng quát là: Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

“Do đó, những mục tiêu tổng quát và quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết 55 cũng là quan điểm đang được Bộ Công Thương yêu cầu đơn vị tư vấn bám sát nhằm đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng an ninh…”- Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.

Viện Năng lượng (Bộ Công Thương): theo tiến độ xây dựng Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong tháng 9/2020, Bộ Công Thương sẽ hoàn thành tiếp chương 6-11 bao gồm nội dung: Phương án phát triển tổng thể năng lượng; phương án quy hoạch phát triển các phân ngành; nhu cầu vốn đầu tư. Trong tháng 10/2020, Bộ Công Thương sẽ hoàn thành 3 chương cuối từ 12-14, gồm: Cơ chế bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; giải pháp và tổ chức thực hiện; kết luận và kiến nghị.

Theo Tạp chí Công thương