Thứ sáu, 22/11/2024 | 10:57 GMT+7
Sáng ngày 20/02/2020, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cùng đoàn công tác của Bộ Công Thương đã đến làm việc tại tỉnh Gia Lai để lắng nghe những chia sẻ cụ thể của Lãnh đạo địa phương về tình hình phát triển công nghiệp, thương mại của tỉnh, cũng như tình hình triển khai các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh.
Đây là bước đi cụ thể và đầu tiên của Bộ Công Thương trong việc quán triệt và triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngay sau khi Nghị quyết này mới được ban hành ngày 11/2/2020 vừa qua.
Tiếp đoàn công tác của Bộ Công Thương, về phía địa phương có ông Dương Văn Trang - Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, ông Võ Ngọc Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai và các Sở, ban, ngành tại địa phương.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Gia Lai nhằm khảo sát thực tế để có đánh giá chính xác về quy hoạch, sử dụng năng lượng trên địa bàn tỉnh hiện tại và trong thời gian tới. Bộ trưởng khẳng định trong thời gian qua Gia Lai là tỉnh tạo điều kiện rất tốt cho các nhà đầu tư, kéo theo làn sóng đầu tư vào tỉnh mạnh mẽ trong 2 năm qua, điều này cũng phản ánh những quyết định, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đi vào cuộc sống.
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành cho biết, Gia Lai là một tỉnh nghèo của cả nước, cơ sở hạ tầng và điều kiện giao thương khó khăn hơn so với các địa phương khác. Tỉnh xác định tiềm năng lớn nhất là nông nghiệp và năng lượng tái tạo. “Thủy điện chúng tôi đang khai thác rất tốt. Bên cạnh đó, về năng lượng tái tạo, Gia Lai là một tỉnh có năng lượng gió rất tốt, và ưu việt hơn miền Trung vì không có bão và không có xâm nhập mặn”, ông Thành nhấn mạnh. Theo dó, Đại diện tỉnh Gia Lai hy vọng Bộ Công Thương xem xét và có sự ưu tiên tập trung về nguồn lực nhà nước, nhà đầu tư để tỉnh có thể phát triển mạnh năng lượng tái tạo.
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 03 dự án điện mặt trời với tổng công suất 138 MWp đã được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, gồm: Dự án điện mặt trời Krông Pa, công suất 49 MW (đã đóng điện vận hành ngày 12 tháng 11 năm 2018), Dự án điện mặt trời Chư Ngọc, công suất 40 MWp (chia làm 02 giai đoạn, giai đoạn 1 (12,75 MW) đã đưa vào vận hành thương mại từ ngày 06 tháng 4 năm 2019, giai đoạn 2 đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư) và Dự án điện mặt trời Krông Pa 2, công suất 49 MWp (đang triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình).
Hiện nay, có 10 dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã và đang trình các cấp thẩm định, phê duyệt với tổng công suất 632 MWp, gồm: Plei Pai (300 MWp), Ia O (50 MWp), Chư Gru 1 (43,1 MWp), Vạn Phát (40 MWp, Phú Thiện (40 MWp), Ayun Pa (25 MWp), Chư Gru 2 (23,9 MWp), Trang Đức (49 MWp), Gia Lâm - Ia Srươm (49 MWp), Ia Srươm - Bitexco - Tô Na (12 MWp).
Đối với các dự án điện gió, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 01 dự án điện gió đã được bổ sung quy hoạch là Trang trại phong điện HBRE Chư Prông, công suất 50 MW. Chủ đầu tư đang thực hiện triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình. Hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã trình 56 dự án điện gió đề nghị bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực với tổng quy mô công suất là 8.053 MW.
Bộ trưởng đánh giá, Gia Lai là một tỉnh năng động và rất có nỗ lực liên tục để cải thiện môi trường đầu tư, thực thi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, đặc biệt là liên quan đến các dự án năng lượng. Tỉnh đã biến các chính sách, cơ chế thành nguồn lực phát triển, giúp Gia Lai từ 1 tỉnh rất nghèo đã trở thành 1 căn cứ địa quan trọng về điện. Chỉ riêng thủy điện đã có 49 dự án rất thành công, và nhiều dự án điện mặt trời, điện gió trong tương lai, khẳng định vai trò quan trọng trong cung cấp điện cho quốc gia.
Ghi nhận những đóng góp của Gia Lai trong 2 năm qua đã bổ sung 5.000 MW cho lưới điện quốc gia, Bộ trưởng cũng chỉ ra những bất cập trong quá trình thực hiện các dự án điện mặt trời, điện gió đó là xung đột giữa lợi ích nhà đầu tư với phát triển xã hội; xung đột quy hoạch giữa dự án năng lượng sạch với các dự án khác.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ sẽ tổng hợp các ý kiến, đề xuất của địa phương tại buổi làm việc, từ đó, tham mưu với Chính phủ về sửa đổi các quy định liên quan để tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp và địa phương cùng đầu tư phát triển năng lượng tái tạo theo hướng bền vững. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng khẳng định sẽ dựa trên tình hình thực tế và nguồn lực hiện tại để phát triển các nguồn cung năng lượng theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hóa, bảo đảm tính hiệu quả, tin cậy và bền vững.
Trước buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã trực tiếp đến khảo sát thực tế một số dự án điện gió đang được triển khai, đồng thời đến Trạm biến áp 500kV Pleiku 2 để nắm sát tình hình giải tỏa công suất các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh.
Tại đây, người đứng đầu ngành Công Thương đã lắng nghe ý kiến của chính những doanh nghiệp, nhà đầu tư và cơ quan chức năng tại địa phương về tình hình triển khai các dự án điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam. Theo đó, nhiều đề xuất đã được đưa ra tới Bộ Công Thương nhằm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, địa phương.
Năm 2019 và tháng 01 năm 2020, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung các chỉ tiêu công thương của tỉnh Gia Lai vẫn giữ mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, một số chỉ tiêu mức tăng trưởng cao hơn mức tăng bình quân của cả nước. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,28% so với cùng kỳ (năm 2019), tháng 01 năm 2020 giảm 7,1% so với cùng kỳ (cả nước giảm 5,5%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 19,72% so với năm 2018 (năm 2019) và tăng 13,75% (tháng 01 năm 2020), kim ngạch xuất khẩu tăng 16,47% (năm 2019) và tăng tăng 16,17 % (tháng 01 năm 2020). |
Nguồn: Báo Công Thương