Thứ bảy, 23/11/2024 | 01:46 GMT+7
Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (TK&HQ) số 50/2010/QH12 được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7, thông qua ngày 17 tháng 06 năm 2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2011. Tiếp đó, ngày 29 tháng 03 năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 21/2011/NĐ-CP (NĐ 21) quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật sử dụng năng lượng TK&HQ. Cùng với NĐ21, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện NĐ 21, tạo thành khuôn khổ pháp lý tương đối hoàn chỉnh, đảm bảo cho việc triển khai các hoạt động hiệu quả năng lượng trên phạm vi toàn quốc.
Dưới tác động của NĐ 21, hoạt động quản lý, điều phối các lĩnh vực hoạt động giữa các Bộ, ngành có trách nhiệm được quy định trong Luật thực sự có nhiều chuyển biến tích cực. Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan để thực hiện nhiệm vụ và triển khai các hoạt động trong phạm vi trách nhiệm đã được quy định tại NĐ 21. Bên cạnh đó, các Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện các Chương trình hành động 5 năm và hàng năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với các chỉ tiêu định lượng về mức tiết kiệm năng lượng cụ thể.
Đặc biệt, ngày 13 tháng 03 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia sử dụng năng lượng TK&HQ giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3), thực hiện trong 2 giai đoạn, từ 2019-2025 và 2026-2030. Chương trình đặt ra mục tiêu đạt được mức tiết kiệm năng lượng 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn 2019-2025 và 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn 2019-2030.
Kết quả đạt được của các chương trình/dự án tiết kiệm năng lượng đã triển khai từ năm 2011 đến nay được đánh giá là tích cực và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và chính sách phát triển năng lượng của Việt Nam trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ Công Thương, những kết quả đạt được chưa xứng với tiềm năng. Để khắc phục các yếu kém phát sinh, đảm bảo thực hiện có hiệu quả Luật sử dụng năng lượng TK&HQ trong giai đoạn tới, cần tiến hành một nghiên cứu và đánh giá tổng thể khung khổ pháp lý về hiệu quả năng lương đã được ban hành, tập trung vào việc rà soát nội dung NĐ 21 và các căn bản hướng dẫn liên quan.
Trong khuôn khổ Hợp tác kỹ thuật giữa Bộ Công Thương, Liên minh châu Âu và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) thông qua Dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng, GIZ đã hỗ trợ Bộ Công Thương rà soát, sửa đổi, bổ sung NĐ 21.
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững
Ông Markus Bissel, Trưởng bộ phận Hiệu quả năng lượng, Dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng, GIZ
Phát biểu tại Hội thảo vừa tổ chức sáng nay (8/11/2019), bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương nhấn mạnh: "Việc sửa đổi NĐ 21 phải đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu thấu đáo nhiệm vụ này".
Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng TK&HQ Việt Nam (VECEA) là đơn vị tư vấn, phụ trách đề xuất sửa đổi/bổ sung NĐ 21. Báo cáo tại Hội thảo, ông Nguyễn Đình Hiệp, Phó Chủ tịch VECEA cho biết VECEA đã dành nhiều thời gian nghiên cứu số liệu cơ sở; rà soát, phân tích, đánh giá các văn bản quy phạm pháp/tài liệu luật liên quan đến hiệu quả năng lượng. Đặc biệt, VECEA đã chủ động xây dựng bảng hỏi và tiến hành phỏng vấn 9 nhóm đối tượng liên quan, là các Bộ, ban, ngành (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài chính, Công Thương, Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn và Phát triển công nghiệp,…), cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm công nghiệp và tòa nhà, tổ chức Tư vấn và Dịch vụ tiết kiệm năng lương, cơ sở thử nghiệm hiệu suất năng lương, Ngân hàng thương mại,...
Ông Nguyễn Thăng Long, đại diện VECEA, trình bày về hiện trạng và chính sách trong lĩnh vực sử dụng năng lượng TK&HQ
Theo đó, hầu hết các đối tượng được phỏng vấn đều cho rằng NĐ 21 cần điều chỉnh, sửa đổi hoặc bổ sung cho phù hợp với tình hình hiện nay và tiến độ triển khai các nội dung của VNEEP3 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cuối cùng, dựa trên kết quả nghiên cứu tài liệu và phỏng vấn các đối tượng, VECEA đã đề xuất sửa đổi 22/36 điều khoản và bổ sung 01 nội dung mới cho NĐ 21.
Ông Nguyễn Đình Hiệp, Phó Chủ tịch VECEA trình bày đề xuất sửa đổi, bổ sung NĐ 21
Các khuyến nghị đều mang tính kỹ thuật, tập trung (1) yêu cầu các biện pháp quản lý và chế tài đối với các vi phạm cụ thể hơn, (2) tăng cường phân cấp trong hoạt động quản lý Nhà nước, (3) đơn giản hóa thủ tục hành chính, (4) bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích đối với các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng tiết kiệm năng lượng, (5) nâng cao chất lượng kiểm toán năng lượng và các báo cáo của các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, (6) chuẩn hóa các mô hình quản lý năng lượng và (7) tạo hành lang pháo lý cho công ty dịch vụ năng lượng (ESCO).
VECEA cũng đề nghị Bộ Công Thương sớm lập kế hoạch sửa đổi NĐ 21, làm cơ sở cho các Bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn liên quan.
Bộ Công Thương tiếp thu tất cả các ý kiến góp ý của đơn vị tư vấn và các đại biểu tham gia Hội thảo. Dự kiến, việc sửa đổi, bổ sung NĐ 21 sẽ được Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững đưa vào chương trình nhiệm vụ năm 2021.
Việc sửa đổi/bổ sung NĐ 21 và các văn bản hướng dẫn liên quan sẽ đảm bảo cho Luật sử dụng năng lượng TK&HQ thật sự đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý để triển khai có hiệu quả VNEEP3, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam, góp phần thực hiện thành công Chiến lược tăng trưởng xanh cũng như các kế hoạch hành động của Chiến lược tăng trưởng xanh thông qua việc cung cấp và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.
Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững