Thứ hai, 23/12/2024 | 03:15 GMT+7
Năng lượng gió là loại năng lượng có tốc độ phát triển cao nhất trên thị trường điện thế giới trong những năm gần đây. Tuy nhiên ở nước ta, việc khai thác và đưa vào sử dụng năng lượng gió còn gặp nhiều khó khăn về công nghệ cũng như giá thành. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã trao đổi với chuyên gia về năng lượng gió Phạm Phú Uynh, Phó viện trưởng Viện Môi trường và Sinh thái đô thị, Trường Đại học Nguyễn Trãi, về vấn đề này.
Phóng viên (PV): Ông có thể cho biết tiềm năng của nước ta trong việc phát triển nguồn năng lượng gió?
Ông Phạm Phú Uynh: Nước ta nằm trong khu vực cận nhiệt đới gió mùa với bờ biển dài tới 3.260km. Đây là thuận lợi cơ bản để phát triển năng lượng gió. So sánh tốc độ gió trung bình trong vùng Biển Đông Việt Nam và các vùng biển lân cận cho thấy gió tại Biển Đông khá mạnh và thay đổi nhiều theo mùa. Theo chương trình đánh giá về năng lượng cho châu Á, Ngân hàng Thế giới (WB) đã có khảo sát chi tiết về năng lượng gió của khu vực Đông Nam Á, trong đó Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất với tổng tiềm năng điện gió ước đạt khoảng 513.360MW, tức là bằng hơn 200 lần công suất của thủy điện Sơn La và hơn 6 lần tổng công suất dự báo của ngành điện vào năm 2020. Tuy nhiên, để chuyển từ tiềm năng lý thuyết thành tiềm năng có thể khai thác, tiềm năng kỹ thuật, và cuối cùng, thành tiềm năng kinh tế thì không hề đơn giản. Điều này cần có lộ trình đúng đắn.
Chuyên gia Phạm Phú Uynh.
PV: Hiện nay, chi phí chế tạo, nhập khẩu các tua-bin gió bị đội lên khá cao, dẫn đến giá thành điện gió cũng tỷ lệ thuận. Theo ông, đâu là nguyên nhân của thực trạng này?
Ông Phạm Phú Uynh: Đến thời điểm này, trên thế giới đã có hàng chục triệu tua-bin gió trục ngang và hàng trăm sáng chế mới về tua-bin gió trục đứng được thử nghiệm và chế tạo để đưa vào sử dụng. Nhưng theo nghiên cứu của tôi, nhiều sản phẩm bị thổi phồng công suất lên nhiều lần so với công suất thật. Tôi lấy ví dụ, một tua-bin gió 5 cánh đặt trên nóc tòa nhà cao tầng ở Hà Nội, gió mùa Đông Bắc có tốc độ khoảng 13m/giây khiến tua-bin quay khá nhanh, nhà sản xuất giới thiệu công suất có thể đạt hàng trăm W. Nhưng khi tôi đo lại, công suất thực chỉ đạt 5,4W. Nguyên nhân ở đây là do nhiều nhà nghiên cứu, chế tạo tua-bin gió chỉ quan tâm đến diện tích bánh gió mà bỏ qua các yếu tố vật lý của tua-bin như: Diện tích cánh gió, góc nghiêng tối ưu của cánh, độ suy giảm vận tốc do lực cản của không khí, sự trì hoãn tốc độ do gió quẩn phía sau cánh, cánh nghiêng gió bị trượt nhiều, phía sau cánh còn nhiều năng lượng không tiêu thụ hết,… Đối với những loại tua-bin cánh to nặng tới hàng tấn, gió không đủ lớn không thể làm tua-bin quay, hoặc nếu có quay cũng phải chịu sự tác động của gió ngược chiều gây cản trở làm giảm tốc độ. Tất cả những yếu tố trên đều bị nhà sản xuất tính gộp vào để tăng công suất một cách bất hợp lý làm giá thành bị đội lên nhiều lần.
Bên cạnh đó, theo tôi được biết, ở nước ta đã có khá nhiều dự án phát triển năng lượng gió nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài, nhưng đa phần đều gặp khó khăn vì giá thành công nghệ còn rất đắt, dẫn đến giá điện gió cũng cao hơn nhiều. Nguyên nhân ở đây là do chúng ta vẫn còn phụ thuộc nhiều vào công nghệ của nước ngoài mà chưa thực sự chú trọng vào việc phát triển công nghệ trong nước, nguồn nhân lực trong nước. Một điều nữa là nước ta có điều kiện thời tiết khác biệt so với các nước châu Âu có ngành điện gió phát triển. Ngoài ra, nhiều vùng biển của nước ta hay xuất hiện bão, các vùng gió thổi không ổn định, khiến các tua-bin gió rất dễ bị hỏng, trục trặc trong quá trình hoạt động. Công nghệ của nước bạn có thể tốt ở nước bạn, nhưng nếu cứ mang y nguyên công nghệ đó về áp dụng ở nước ta thì thực sự chưa ổn.
Các trạm điện gió trên đảo Sơn Ca (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Ảnh: Trọng Hải
PV: Trước thực trạng trên, ông có đề xuất như thế nào để ngành điện gió nước ta có thể phát triển và năng lượng gió được sử dụng hiệu quả hơn, thưa ông?
Ông Phạm Phú Uynh: Trước tiên, chúng ta cần có chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng bằng cách một mặt mở rộng khai thác những nguồn năng lượng truyền thống như thủy điện, nhiệt điện, mặt khác tập trung phát triển các nguồn năng lượng mới, nhất là các nguồn năng lượng sạch và có khả năng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào những phát triển của công nghệ trong tương lai cũng như mức giá của các nguồn năng lượng đó. Trong những năm qua, chúng ta đã đầu tư không nhỏ vào việc khai thác và sử dụng năng lượng gió. Nhưng công nghệ ta vẫn phải mua, giá thành rất cao so với hai loại năng lượng truyền thống là thủy điện, nhiệt điện. Vì thế mà khả năng tiếp cận một cách đại trà tới người dân cũng gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, chúng ta nên chú trọng hơn nữa việc phát triển khai thác, sử dụng năng lượng tái tạo nói chung, năng lượng gió nói riêng bằng công nghệ và nguồn nhân lực của chính chúng ta.
Theo qdnd